Triều Tiên phóng ICBM Hwasongpho-18 ngày 18/12. (Nguồn: KCNA) |
Tuy nhiên, hãng tin Kyodo đưa tin, HĐBA đã không đạt được quyết định trong phiên họp này do sự chia rẽ giữa các thành viên chủ chốt mà chỉ đưa ra tuyên bố từ đại diện của các thành viên.
Trong cuộc họp, Mỹ kêu gọi Nga và Trung Quốc hợp tác với các thành viên khác để thống nhất phản ứng trước vụ phóng, nhưng Moscow yêu cầu Washington đình chỉ các hoạt động quân sự gần Bán đảo Triều Tiên và "kiềm chế các bước đi gây hấn hơn nữa".
Trước đó cùng ngày, Triều Tiên, vốn không phải là thành viên HĐBA, đã ra tuyên bố khẳng định, vụ phóng ICBM Hwasongpho-18 ngày 18/12 là nhằm thực hiện quyền tự vệ khi Mỹ-Hàn Quốc “triển khai lực lượng vũ trang trên quy mô lớn, bao gồm cả tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và máy bay ném bom hạt nhân chiến lược".
Cũng trong ngày 19/12, hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap đưa tin, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này Lim Soo-suk đã kêu gọi Trung Quốc đóng "vai trò xây dựng" đối với vấn đề Triều Tiên.
Lời kêu gọi được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị có cuộc gặp với Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Pak Myong-ho đúng vào ngày Bình Nhưỡng phóng thử Hwasongpho-18.
Quan chức ngoại giao Hàn Quốc nhấn mạnh, "Trung Quốc là thành viên thường trực có trách nhiệm của HĐBA và là quốc gia có ảnh hưởng đối với Triều Tiên". Seoul hy vọng Bắc Kinh sẽ "đóng vai trò mang tính xây dựng" để Bình Nhưỡng có thể "quay lại đối thoại".
Bên cạnh đó, theo ông Lim Soo-suk, Hàn Quốc sẽ hợp tác chặt chẽ với Mỹ, Nhật Bản và các đối tác quan trọng khác nhằm "tìm ra cách ứng phó ở cấp độ HĐBA cũng như các biện pháp trừng phạt độc lập và đa phương nhằm vào Triều Tiên".
Trong một diễn biến khác, khi đến thăm Bộ tư lệnh tác chiến mặt đất thuộc Lục quân Hàn Quốc ngày 19/12, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS), Đô đốc Kim Myung-soo, đã ra chỉ thị sẵn sàng chiến đấu mạnh mẽ trước bất kỳ cuộc tấn công pháo binh bất ngờ nào có thể xảy ra.
Chủ tịch JCS lưu ý tầm quan trọng của hành động phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị đặc nhiệm hỏa lực tổng hợp của Hàn Quốc và Mỹ nhằm “vô hiệu hóa” các cuộc tấn công bằng pháo binh của Triều Tiên trong thời gian nhanh nhất.
Theo các quan chức Hàn Quốc, ước tính Triều Tiên sở hữu khoảng 700 khẩu pháo tầm xa, trong đó khoảng 300 khẩu được đánh giá là gây ra mối đe dọa đối với vùng đô thị Seoul, nơi sinh sống của khoảng một nửa trong tổng số 51,5 triệu dân của đất nước.