Trong buổi chia sẻ độc quyền với TG&VN, Phương Linh (sinh năm 1999), sinh viên năm 2 khoa Luật quốc tế cho biết ngoài việc học tập chăm chỉ trên lớp, cô gái này còn rất thích tham gia vào các hoạt động thiện nguyện, năng động trong các hoạt động ngoại khoá. Ngoài ra, Phương Linh còn rất thích đi du lịch, tự mình khám phá những địa danh mà ít người biết đến. Cô gái xinh đẹp này cũng có khá nhiều tài lẻ, nhất là khả năng nhảy và múa. Sau đây là đoạn phỏng vấn Lê Thị Phương Linh, được thực hiện bởi phóng viên TG&VN.
Lê Thị Phương Linh trong bộ áo dài xanh hoà bình, chờ đón Tổng thống Donald Trump tại Sân bay Nội Bài. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Xin chào Phương Linh, bạn có thể giới thiệu đôi chút về bản thân mình cho độc giả báo TG&VN?
Tôi tên là Lê Thị Phương Linh, sinh ngày 13/2/1999, hiện đang là sinh viên năm thứ 2 khoa Luật Quốc tế, Học viện Ngoại giao. Sở thích của tôi bao gồm đi du lịch, tự đi khám phá những địa điểm mới mà mình chưa từng đặt chân đến, đọc sách và ngồi cafe một mình.
Tôi cũng rất may mắn khi đã được đến thăm các nhiều quốc gia tại châu Âu như Đức, Italy, Phần Lan, Hà Lan, Pháp, Đan Mạch, một số nước trong khu vực châu Á và khá nhiều tỉnh thành tại mảnh đất hình chữ S thân thương này.
Cảm xúc của bạn khi được gặp và tặng hoa cho Tổng thống Trump ra sao? Cuộc sống thường ngày của bạn có thay đổi gì kể từ buổi tối hôm đó hay không?
Điều đầu tiên, tôi cảm thấy mình thực sự may mắn khi vượt qua vòng tuyển chọn rất gắt gao của Bộ Ngoại giao để có thể đứng trước Tổng thống Trump, gửi lời “Chào mừng ông đến với Việt Nam” và trao cho ông bó hoa thể hiện tình hữu nghị của người dân Việt Nam. Đó thực sự là một niềm tự hào, vinh dự và một kỷ niệm mà tôi sẽ mang theo trong suốt cuộc đời mình.
Phương Linh rất thích đi du lịch, khám phá những miền đất mới, nhất là những nơi vắng vẻ, ít khách du lịch. (Ảnh: NVCC) |
Ban đầu khi ngài Tổng thống bước xuống, tôi cảm thấy hơi run vì lần đầu tiên được tiếp xúc với một lãnh đạo cấp cao trên thế giới. Tôi cũng theo dõi truyền thông về ông Trump rất nhiều và biết rằng ông là một con người có chút nghiêm nghị. Nhưng khi tiếp xúc, ngài Trump rất vui vẻ, thoải mái nhận bó hoa và gửi đến tôi một lời cảm ơn chân thành, khiến tâm trạng tôi cũng như những người xung quanh trở nên thoải mái hơn hẳn.
Cuộc sống thường ngày của tôi cũng chưa mấy thay đổi do vẫn chưa đầy 24 giờ kể từ giây phút gặp Tổng thống Trump diễn ra. Nhưng tôi đã được rất nhiều tờ báo tìm kiếm và hỏi thăm từ buổi tối hôm qua đến giờ.
Ngoài ra, thày cô và bạn bè trong trường cũng gửi rất nhiều lời chúc mừng vì tôi đã hoàn thành nhiệm vụ của mình. Gia đình tôi cũng rất hãnh diện khi con gái mình được gặp mặt trực tiếp Tổng thống Trump.
Bạn nói rằng công tác tuyển chọn và chuẩn bị cho buổi lễ đón Tổng thống Trump cũng rất găm go và vất vả. Bạn có thể chia sẻ một chút cho bạn đọc được không?
Để có vinh dự trở thành người tặng hoa cho tổng thống, tôi đã trải qua vòng nộp hồ sơ và phỏng vấn hết sức khắt khe và nghiêm túc. Các ứng viên phải đáp ứng nhiều tiêu chí như ngoại hình, kiến thức ngoại ngữ cũng như kiến thức về ngoại giao và một số tiêu chí như hoạt động ngoại khoá, kiến thức chung về tình hình thế giới... Điều đặc biệt là, tất cả các thí sinh đều phải trả lời phỏng vấn bằng tiếng Anh. Tôi cũng không hiểu rõ lý do vì sao mình được chọn, bởi các thí sinh khác đều trả lời phần phỏng vấn rất xuất sắc. Dù có là may mắn, nhưng tôi vẫn thấy rất vinh hạnh khi được trao trách nhiệm này.
Lê Thị Phương Linh luôn nổi bật, toát ra vẻ đẹp thuần Việt khi mặc những chiếc áo dài. (Ảnh: NVCC) |
Công đoạn chuẩn bị cho buổi lễ cũng rất ngắn ngủi, tôi nhận thông báo được tuyển chọn vào trưa ngày 25/2. Trong suốt buổi chiều và tối ngày hôm đó, từ 2h chiều đến 11h đêm tôi và mẹ phải chạy đôn chạy đáo, mất khá nhiều thời gian để đi tìm chiếc áo dài thực sự phù hợp. Bộ áo dài màu xanh mà tôi mặc buổi tối hôm đó được tài trợ.
Ý nghĩa chiếc áo dài cũng thực sự đặc biệt. Màu xanh là màu của hoà bình, đó cũng là ý nghĩa của Hội nghị Thượng đỉnh lần này, và cũng là thông điệp mà thành phố Hà Nội gửi tới cộng đồng quốc tế: Hà Nội – Thành phố vì hoà bình. Chi tiết con hạc đang bay lên được thêu bằng tay và mất khá nhiều công sức, là hoạ tiết trên chiếc trống đồng truyền thống của người Việt. Hình ảnh những chú chim đang bay lên thể hiện một đất nước Việt Nam đang ngày một phát triển thịnh vượng hơn, sẵn sàng vươn ra hoà mình cùng bạn bè quốc tế.
Lê Thị Phương Linh trong bộ áo dài tặng hoa cho Tổng thống Donald Trump. (Ảnh: NVCC) |
Từ khi được chọn, dù bận rộn nhưng bản thân tôi cũng tự trau dồi các kiến thức về hội nghị, về ngoại giao Việt Nam, những kiến thức về tổ chức nghi lễ, thêm vào đó tôi cũng được các anh chị trong Cục Lễ tân và Bộ Ngoại giao giúp đỡ hết sức nhiệt tình, chu đáo. Các anh chị rất thân thiện và hướng dẫn cho tôi rất nhiều.
Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 tổ chức tại Hà Nội là một vinh dự và một cơ hội rất lớn cho đất nước, khi tất cả những con mắt đều hướng về quốc gia chúng ta, giúp Việt Nam khẳng định vai trò ngoại giao hoà giải, quảng bá hình ảnh và văn hoá đất nước tới toàn thế giới.
Được biết, Phương Linh từng đoạt giải Hoa Khôi Tràng An năm 2016. Bạn có thể chia sẻ một chút về quá trình này?
Cuộc thi Hoa Khôi Tràng An được Nhà Văn hoá Học sinh – Sinh viên tổ chức hàng năm cho các bạn học sinh khối THPT tại Hà Nội. Hồi đó, tôi còn là học sinh lớp 12 nhưng được trường THPT Việt Đức chọn ra trong số 20 thí sinh để tham dự cuộc thi này. Lớp 12 cho nên việc học khá là quan trọng. Nhưng tôi nhận được rất nhiều lời động viên và sự giúp đỡ đến từ giáo viên và BGH trường.
Phương Linh trông cũng rất chững chạc trong những bộ quần áo lịch sự. (Ảnh: NVCC) |
Đối với tôi, Hoa Khôi Tràng An không chỉ là một cuộc thi sắc đẹp, mà nó còn là một sân chơi vô cùng bổ ích. Tôi đã có cơ hội gặp gỡ và trò chuyện với rất nhiều bạn nữ xinh đẹp, tài giỏi đến từ các trường cấp 3 trong thành phố, học hỏi rất nhiều từ các bạn và BGK. Tất cả từ những cử chỉ nhẹ nhàng cho đến cách ăn nói, đã giúp ích rất nhiều cho tôi trong công việc lần này. Tôi rất biết ơn gia đình, thày cô và bạn bè vì họ đã luôn đứng bên cạnh động viên và giúp đỡ tôi dành được giải thưởng này. Sau cuộc thi, tôi cảm thấy sự tự tin của bản thân ngày càng tăng lên và vui vẻ đón chờ những thách thức mà tương lai đặt ra cho tôi.
Phương Linh dường như cũng rất thích tham gia sôi nổi vào các hoạt động ngoại khoá phải không? Bạn có thể chia sẻ một chút về câu chuyện làm tình nguyện của mình?
Hồi còn là học sinh, Phương Linh cũng rất hay tham gia vào hoạt động Đoàn. Tôi từng là Phó Bí thư Đoàn TNCS trường THPT Việt Đức, và là Chủ nhiệm CLB Nghệ Thuật của trường. Nhưng khi lên đại học, tôi dành thời gian của mình để chú tâm vào việc học nhiều hơn, do ngành Luật quốc tế khá là khó nhằn, phải tập trung rất nhiều và tôi cũng để thời gian rảnh ra dành cho những chuyến du lịch.
Tuy vậy, mỗi khi Học viện Ngoại giao có những chương trình đặc biệt nào cần các bạn lễ tân hay cần người tổ chức chương trình, tôi cũng không ngần ngại và góp chút công sức của mình giúp đỡ cho công việc của trường.
Phương Linh khi đi tham gia tình nguyện tại Hà Giang. |
Phương Linh từng tham gia tình nguyện cho Tổ chức Volunteer for Education tại thành phố Hà Giang trong vòng 10 ngày. Công việc của tôi khi đó là làm điều phối viên và phiên dịch viên cho các chuyên gia Singapore đến giúp đỡ người dân tại Hà Giang. Kỷ niệm đáng nhớ nhất là khi chúng tôi giúp đỡ một gia đình chỉ có 2 mẹ con xây một căn nhà nhỏ, một công việc khá là nặng nề cho một người phụ nữ.
Khi đó, tôi đã phải chặt cây, đào đất làm móng, nhổ những rễ cây lâu năm bám sâu vào lòng đất. Tôi cũng học được khá nhiều kỹ năng sống mà ở thành phố bạn sẽ không bao giờ chạm phải. Đó là khi chúng tôi phải di chuyển một cái thân cây rất to mà 10 người không thể nào bê nổi. May mắn thay, một bác ở đó đã dạy chúng tôi lây một chiếc săm xe và quấn quanh thân cây đó và cùng nhau kéo đi. Nhờ chuyến đi đó mà tôi mới cảm thấy yêu thương cuộc sống hơn, và thấy rằng cuộc sống có ý nghĩa hơn rất nhiều khi chúng ta sẵn sàng giang đôi bàn tay ra và giúp đỡ cho người khác.
Vì sao bạn lại quyết định lựa chọn ngôi trường Học viện Ngoại giao? Liệu có lý do nào đặc biệt đằng sau quyết định đó không?
Việc theo học tại Học viện Ngoại giao, đối với tôi hoàn toàn là vô tình. Nhưng cái vô tình đó lại trở thành cái duyên khiến tôi ngày một gắn bó với ngôi trường này. Từ lâu, tôi đã có đam mê với ngành Luật, và HVNG cũng nổi tiếng là nơi đào tạo xuất sắc ngành này và muốn thử xem học luật trong trường ngoại giao có khác gì so với các trường chuyên đào tạo về luật khác như Đại học Luật Hà Nội hay Khoa Luật của ĐHQGHN hay không.
Lê Thị Phương Linh. (Ảnh: Duy Quang) |
Được học trong ngôi trường này, tham gia vào nhiều hoạt động của trường cũng như giúp đỡ cho công việc của Bộ Ngoại giao, nhất là khi được tham gia vào công tác lễ tân, đón tiếp các khách nước ngoài tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) diễn ra vào tháng 9/2018 ngày càng nuôi dưỡng ước mơ sau này trở thành một nhà ngoại giao của tôi, tham gia vào các công tác hậu cần, giúp ích phần nào cho công tác ngoại giao của Việt Nam.
Cảm ơn Phương Linh rất nhiều, chúc bạn đạt được những ước mơ của bản thân!