TIN LIÊN QUAN | |
Ra mắt Câu lạc bộ Doanh nhân trẻ Việt Nam đầu tiên ở Australia | |
Triển lãm ảnh về đất nước, con người Việt Nam tại Australia |
Nguyễn Anh Vũ (Ảnh: NVCC) |
Lý do gì bạn gắn bó với Australia trong gần 10 năm qua?
Tôi sang Australia theo học chương trình cử nhân tài chính, kinh tế và chiến lược tại Đại học New South Wales, Sydney. Ngày nhỏ, qua lời kể của bố, tôi được nghe những câu chuyện về cuộc sống ở nước ngoài, biết được những điều hay, sau này cũng nghiên cứu thêm sách báo và phim ảnh về các nước phát triển, tôi rất mong muốn được một ngày đi du học để mở mang đầu óc và học hỏi những điều hay ở nước bạn.
Có ba lý do chính mà tôi lựa chọn đến Australia. Thứ nhất, học cử nhân ở đất nước này chỉ ba năm, như vậy rút ngắn được thời gian học, tôi có thể làm được nhiều việc hơn (ở đây cũng cho phép du học sinh đi làm 20h/tuần). Thứ hai, Australia là một nước phát triển, là nền giáo dục và kinh tế lớn của thế giới, nói tiếng Anh, đa sắc tộc và văn hóa, thiên nhiên ưu đãi, con người thân thiện mà lại chỉ cách Việt Nam khoảng 8 giờ bay. Thứ ba, tôi có bạn bè ở đây để giúp tôi cảm thấy gần gũi và đỡ nhớ nhà hơn trong thời gian du học.
Bí quyết để hòa nhập thành công ở nước sở tại?
Có rất nhiều cách, tùy thuộc hoàn cảnh và điều kiện của mỗi người, nhưng theo tôi, cần ba yếu tố cơ bản: Một tâm hồn cởi mở, ham học hỏi về văn hóa và đất nước bạn; Có thể sử dụng tiếng bản địa, bởi Nelson Mandela đã từng nói: "Nếu như bạn muốn nói với một người bằng một thứ tiếng mà họ hiểu, điều đó sẽ đi vào đầu. Nhưng nếu bạn nói bằng ngôn ngữ của họ, điều đó sẽ chạm được vào trái tim”; Cần bản sắc riêng tạo nên sự đa dạng cho cộng đồng, địa phương mà bạn sinh sống bởi người nước ngoài cũng rất tò mò và quan tâm đến những nền văn hóa khác.
Nguyễn Anh Vũ (Ảnh: NVCC) |
Bạn còn được biết đến là một người Việt rất say mê với công tác xã hội và cộng đồng, đặc biệt là các công việc thiện nguyện gây quỹ cho cả Việt Nam và Australia?
Trong suốt quá trình học, tôi có tham gia các hoạt động ngoại khóa, tổ chức các hoạt động cho sinh viên Việt Nam ở Australia như văn hóa nghệ thuật, các hoạt động quảng bá văn hóa Việt Nam trong cộng đồng. Ngoài ra, tôi cũng tham gia vào các câu lạc bộ của sinh viên Australia và bạn bè thế giới để có cơ hội học hỏi thêm.
Ngay từ thời đi học, tôi đã tham gia công tác gây quỹ, tình nguyện viên. Sau này đi làm có kinh nghiệm, tôi đã thành lập hoặc điều hành một số quỹ từ thiện như tổ chức "Cơm Có Thịt" ở Sydney và một hội từ thiện giúp đỡ trẻ em vô gia cư ở Australia.
Hiện tại, tôi sáng lập hai dự án và đang thực hiện với những người cùng tâm huyết là NamPhut (namphut.vn) - một kênh truyền thông tích cực cho các bạn trẻ Việt và Vietnam Centre - một tổ chức phi lợi nhuận được lập ra với mục đích quảng bá văn hóa, con người và hình ảnh Việt Nam ra thế giới.
Nguyễn Anh Vũ hiện đang là Cố vấn chiến lược của Tập đoàn tài chính AMP và là thành viên quản trị của Hiệp hội Cố vấn quản trị bang New South Wales, Australia. |
Điều gì thôi thúc bạn thực hiện các dự án cho quê hương?
Đầu tiên vì tôi là người Việt, và muốn làm một việc nhỏ bé tùy theo công sức của mình cho quê hương và đồng bào. Ngoài ra, tôi nghĩ mỗi người Việt đều có trách nhiệm quảng bá đất nước với bạn bè quốc tế, tùy theo điều kiện của mỗi người. Điều này cũng giúp cho chính bản thân mình giữ gìn bản sắc trong bối cảnh tiếp xúc rất nhiều với các luồng văn hóa khác. Hơn nữa, việc này cũng giúp tôi thỏa mãn khát khao tuổi trẻ muốn trải nghiệm nhiều khía cạnh khác của cuộc sống, ngoài công việc hàng ngày.
Bạn vừa được chọn là đại diện Việt Nam đầu tiên được học bổng Schwarzman. Bạn có thể giới thiệu cụ thể hơn về học bổng danh giá này cũng như dự định của bạn trong tương lai?
Chương trình Học giả Schwarzman (Schwarzman Scholars) là một học bổng lãnh đạo toàn phần được tỷ phú Steven Schwarzman thành lập, lấy cảm hứng từ Học bổng Rhodes danh tiếng. Đây là một học bổng lãnh đạo với mục đích quảng bá hiểu biết quốc tế, hòa bình và được thiết kế để đáp ứng các thử thách của thế kỷ XXI. Chương trình sẽ được đào tạo tại trường Schwarzman trong khuôn viên trường Đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh, Trung Quốc).
Là một học bổng mới (năm 2018 là khóa thứ ba), Học giả Schwarzman được các giáo sư từ các trường Harvard, Yale, Stanford, Oxford và Thanh Hoa giảng dạy. Ban cố vấn của học bổng cũng gồm những nhân vật nổi tiếng và thành công từ nhiều lĩnh vực như các cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger, Condoleezza Rice, Colin Powell, nguyên Thủ tướng Anh Tony Blair, nguyên Thủ tướng Australia Kevin Rudd, nguyên Thủ tướng Canada Brian Mulroney, ông James Wolfensohn - Chủ tịch thứ 9 Ngân hàng Thế giới… Chương trình được dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, và có các lớp về tiếng Trung dành cho các học giả. Sau khi kết thúc khóa học một năm, các học giả sẽ được cấp bằng thạc sĩ với một trong ba nhóm chương trình: chính sách công, kinh tế và quan hệ quốc tế.
Quá trình tuyển chọn học giả có hai vòng: nộp hồ sơ và phỏng vấn tại ba địa điểm là Singapore (khu vực châu Á - Thái Bình Dương), New York (khu vực châu Mỹ) và London (khu vực châu Âu và châu Phi). Cuộc phỏng vấn của tôi được thực hiện tại Singapore với sự hiện diện của năm người, trong đó có Đại Sứ Australia tại Singapore, nguyên Chủ tịch Mitsubishi ở Bắc Mỹ, một giáo sư ở trường Thanh Hoa, một Chủ tịch hiệp thương Mỹ - Trung và một Phó Giám đốc của chương trình. Năm nay, họ chọn ra 142 học giả từ hơn 4.000 hồ sơ. Tôi rất may mắn là đại diện Việt Nam đầu tiên được chọn trong chương trình này.
Về dự dịnh, tháng 8 năm nay, tôi sẽ sang Bắc Kinh học chương trình Học giả Schwarzman. Sau khi học xong, tôi mong muốn được về Việt Nam học tập và làm việc.
Xin cảm ơn bạn!
Người thức tỉnh các bà mẹ bỉm sữa Không phải người ngành y nhưng chị Lê Nhất Phương Hồng (đang sinh sống tại Australia) lại được biết đến như một chuyên gia tư ... |
Người Việt tại Australia quyên góp giúp người tị nạn Hôm nay (30/8), Cộng đồng người Việt tại Australia đã cam kết đóng góp 500.000 AUD (tương đương 378.000 USD) cho Cao ủy Liên hợp ... |
Người Việt tại Australia hướng về biển đảo Ngày 14/11, tại Canberra, Đại Sứ quán Việt Nam tại Australia đã tổ chức quyên góp ủng hộ Câu lạc bộ “Vì Hoàng Sa-Trường Sa ... |