TIN LIÊN QUAN | |
Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu về Hoàng Sa, Trường Sa | |
Lý Sơn “xa mà gần” |
Gặp Nguyễn Tiến Dương thuộc lực lượng thủy quân lục chiến trên đảo Song Tử Tây, tôi nói đùa: “Trong phim Mỹ thì giống như đội Seal - hải cẩu”. Thế nhưng “đội Seal” ở Trường Sa thì không giống như những gì mọi người vẫn thấy trên phim, bởi trên thực tế, nhất là ở Biển Đông thì mọi chuyện phức tạp hơn trên phim nhiều.
Song Tử Tây – ngôi nhà thứ hai
Dương tới Trường Sa khi còn rất trẻ, từ năm đầu tiên nhập ngũ (18 tuổi). Khi đó, anh được điều đến đóng quân ở đảo Song Tử Tây. Có lẽ hồi đó, binh nhì Nguyễn Tiến Dương không hề nghĩ rằng, hòn đảo này sẽ trở thành gia đình thứ hai của mình khi anh quyết định gắn bó với nghiệp nhà binh. Nhất là sau nhiều năm công tác tại huyện đảo, anh có cơ hội gặp gỡ cô quân y, sống và làm việc tại Nha Trang, Khánh Hòa. Anh bảo: “Vậy là, Song Tử Tây thành ngôi nhà thứ hai. Ở Nha Trang, tôi có ngôi nhà thứ ba. Đó là nơi vợ và hai con tôi luôn mong ngóng tôi trở về”.
Hai vợ chồng chiến sỹ Nguyễn Tiến Dương dưới cột mốc đảo Song Tử Tây, một đảo lớn trong quần đảo Trường Sa. (Ảnh: TD) |
Người ta bảo, có an cư mới lạc nghiệp. Nhưng Nguyễn Tiến Dương thì ngược lại, anh vẫn trong tình trạng “một chốn, bốn nơi”. Mỗi lần về phép của anh, đếm trên đầu ngón tay sau gần 10 năm ở đảo, là mỗi lẫn anh phải chia làm mấy nửa. Vừa tranh thủ thăm vợ, chăm con nhỏ ở Nha Trang, rồi lại ngược về Ninh Bình thăm cha mẹ mình - những người ngày đêm vẫn luôn dõi theo các tin tức Biển Đông bởi nơi đó có đứa con lớn trong gia đình họ đang nắm chắc tay súng.
Đời sống nhiều đổi thay
Anh kể rằng, trước đây, cuộc sống trên đảo còn vô cùng thiếu thốn, không chỉ về vật chất mà đặc biệt hơn là về tinh thần. Cứ 6 tháng một lần mới lại có thư ra đảo và rau xanh từ đất liền cũng theo lịch đó mà đến với anh em.
Ngày nay, cuộc sống trên đảo đã có nhiều đổi thay. Điện thoại đã phủ sóng nên việc gọi điện liên lạc về nhà cũng thường xuyên hơn. Việc có tivi để các chiến sĩ theo dõi tin tức ở đất liền, tin tức thời sự và những lần các đoàn văn công ra đảo, khiến những chiến sĩ - từ những người gắn bó lâu năm, đến những chiến sĩ vừa bỡ ngỡ đến đảo yên tâm công tác, bởi họ biết rằng, phía sau có cả một hậu phương lớn luôn hướng về mình.
Ở đảo còn có ngôi chùa rất đẹp được xây hướng về Hà Nội. Anh bảo: “Chùa được xây dựng theo phong cách truyền thống, bằng những loại gỗ quý mà xưa kia ông cha ta thường đóng thuyền vượt biển. Đây cũng là nơi mà các chiến sĩ có thể lui tới nhằm tĩnh tâm sau những mệt mỏi, căng thẳng thường nhật”.
Chiến sỹ Nguyễn Tiến Dương. (Ảnh: TD). |
Dương kể, không chỉ vậy, trên đảo hiện có một trạm y tế, được trang bị cơ sở vật chất hiện đại, đáp ứng tương đối đầy đủ nhu cầu khám, chữa bệnh thiết yếu cho bộ đội và cả ngư dân.
Nếu như ở đất liền, giữa các đơn vị bộ đội hay giữa các đơn vị bộ đội với người dân có những hoạt động giao lưu thì ở Song Tử Tây, đôi khi, các chiến sĩ tổ chức những hoạt động giao lưu thể thao với quân đội Philippines. Hoạt động này không chỉ làm phong phú thêm đời sống tinh thần của chiến sĩ mà còn tăng cường đoàn kết quốc tế trên vùng biển có nhiều quốc gia tuyên bố chủ quyền này.
Truyền lửa cho lớp trẻ
Ở Trường Sa, những người lính có kinh nghiệm bám đảo lâu năm như Nguyễn Tiến Dương chính là tấm gương sáng đối với những tân binh vừa bước chân lên đảo. Dương chia sẻ với các em những kinh nghiệm, tâm sự thực bởi các em cũng giống như mình khi mới đến đảo.
Để làm được điều đó, anh đọc kỹ lý lịch của các tân binh, hiểu rõ các em và chia sẻ với các em những tâm sự từ gia đình đến bạn bè. Đến khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự ở đảo về, nhiều em biên thư gửi hay nhắn qua facebook cho anh và nói: “Nhớ lắm, chỉ huy ạ. Em muốn ra đảo lại”. Tình cảm đó là vô cùng đáng quý bởi nơi đó, tàu chiến, máy bay địch vẫn thường xuyên xuất hiện, dù đang bưng bát cơm, có báo động, anh em cũng phải chạy ngay ra công sự sẵn sàng chiến đấu.
Tôi hỏi anh: Vậy, chiến sỹ ở đảo như anh khi về đất liền có mong muốn được hưởng ưu đãi gì như cho đi học hay hỗ trợ nhà ở để đảm bảo cuộc sống? Vừa dứt câu, người lính Trường Sa ấy đã trả lời ngay. “Không không! Còn nhiều người lính, nhiều người trên đảo, nhiều người ở nơi khác, họ xứng đáng hơn mình”. Cái cách trả lời ngay, không do dự của người lính ấy, cho tôi một cảm nhận rằng: Các anh luôn luôn sẵn sàng chiến đấu, cống hiến và hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ mà không đòi hỏi bất kỳ một đặc ân nào.
Việt Nam phản đối Đài Loan đưa quan chức ra đảo Ba Bình Phản ứng của Việt Nam trước việc Đài Loan tổ chức đưa một số quan chức thăm đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa ... |
Yêu cầu Trung Quốc dừng xây hải đăng trên quần đảo Trường Sa "Hoạt động này của Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam và không thể làm thay đổi sự thực về chủ quyền ... |
Sứ giả của Trường Sa Ngoài những món quà biển quê hương, trong vali trở về Pháp của Dư Thu Trang còn có lá cờ Tổ quốc mang chữ ký ... |