Xin PGS chia sẻ cảm nghĩ của ông khi là người Việt Nam đầu tiên được bầu vào Hội đồng của WHO về phòng chống bệnh lao?
Tháng 6 vừa qua, tôi được Tổng Giám đốc WHO bổ nhiệm là thành viên của Hội đồng tư vấn chiến lược và kỹ thuật phòng chống lao trên toàn cầu (Strategic and technical Advisory Group for Tuberculosis-STAG TB). Hội đồng này họp hàng năm để tư vấn cho WHO phê duyệt các can thiệp do các nhóm kỹ thuật, các nhóm công tác đặc biệt đề xuất. Đây là vinh dự không chỉ của cá nhân tôi mà lớn hơn là của Chương trình Chống lao Quốc gia, Bệnh viện Phổi Trung ương và mạng lưới phòng chống lao và bệnh phổi Việt Nam gồm hơn 19.000 đồng nghiệp của tôi. Điều này cũng đồng nghĩa trách nhiệm rất cao, không chỉ với cộng đồng Việt Nam mà còn trên phạm vi rộng hơn, trên toàn cầu.
Trong công việc, chắc hẳn ông cũng có những kỷ niệm không thể nào quên?
Kỷ niệm đáng nhớ là có một cháu gái ho ra máu, tắc nghẽn, có nguy cơ tử vong trong khi tôi không có ở bệnh viện. Qua điện thoại, tôi đã yêu cầu các đồng nghiệp phối hợp thực hiện can thiệp ở mức tối đa và đã cứu được cháu sau khi mổ cắt thùy phổi có dị dạng bẩm sinh mao mạch phổi. Sự hồi sinh của bệnh nhân là niềm hạnh phúc lớn lao của người thầy thuốc. Với tôi, người bệnh chính là người thầy thực tiễn của mình.
PGS. Nguyễn Viết Nhung (thứ 3 từ phải) tham gia Đoàn Việt Nam dự Hội nghị cấp Bộ trưởng Y tế tại APEC Peru 2016 do Bộ trưởng Bộ Y tế NguyễnThị Kim Tiến làm Trưởng đoàn. |
Những người bệnh tử vong thường để lại cho tôi những cảm xúc mạnh, những nỗi buồn không nói nên lời. Bao giờ tôi và các đồng nghiệp cũng nghiêm túc xem lại, rút ra các bài học kinh nghiệm xem đâu là giới hạn của y học, đâu là kinh nghiệm cho cộng đồng phát hiện sớm và đâu là trách nhiệm của thầy thuốc giúp ích cho thực hành và nghiên cứu sau này.
Phần thưởng lớn nhất của thầy thuốc chính là người bệnh được chữa khỏi. Thầy thuốc chúng tôi rất buồn khi có những bệnh lý mà y học hiện nay chưa giải quyết được như ung thư phổi giai đoạn muộn, đặc biệt là lao kháng thuốc. Vì vậy, tôi luôn đau đáu tìm kiếm các giải pháp công nghệ mới cho những bệnh hiểm nghèo.
Là người gắn liền với danh hiệu “người cán bộ chống lao”, ông thường trăn trở điều gì?
Cá nhân tôi và các đồng nghiệp rất tự hào là người thầy thuốc chống lao. Hàng năm, chúng ta phát hiện được hơn 100.000 người mắc lao, trong đó 70% là người nghèo. Người nghèo mà lại mắc lao thì đúng là khó khăn chồng chất khó khăn. Nhưng khi đó đã có chúng tôi, bởi chúng tôi luôn đồng hành cùng họ.
Tôi luôn trăn trở làm sao để những vấn đề nan giải của y học sẽ được giải quyết như ghép phổi được thực thi tại Bệnh viện Phổi Trung ương nói riêng và ở Việt Nam nói chung.
PGS.TS. thầy thuốc ưu tú Nguyễn Viết Nhung. |
Mỗi trường hợp thất bại trong điều trị, dù tại bệnh viện tôi công tác hay ở các bệnh viện khác đều làm tôi suy nghĩ. Tôi vẫn luôn nhắc nhở các đồng nghiệp hãy giả thiết bệnh nhân ấy là người thân của mình thì làm thế nào? Cái đúng, cái lợi mà để muộn ngày nào, khi sự cố không may xảy ra với người bệnh, cho dù vẫn đúng quy trình hiện hành, sẽ là nỗi ân hận cả đời của người thầy thuốc.
Điều tôi trăn trở nữa là bệnh lao còn phải chữa trị với thời gian ít nhất là 6 tháng, phải nghiên cứu làm sao có phác đồ chữa ngắn hơn, thuốc ít độc tính hơn và nhất là hỗ trợ được người bệnh vượt qua khó khăn để chữa khỏi. Chúng tôi đang quyết tâm xây dựng Quỹ hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao và làm thế nào để không bỏ ai bị mắc lao lại phía sau, đúng như mục tiêu phát triển bền vững mà Liên hợp quốc mới công bố gần đây.
Ông muốn gửi gắm gì đến đồng nghiệp, đặc biệt là đồng nghiệp trẻ?
Thực hành y khoa là loại thực hành đặc biệt, người bệnh không chờ đến lúc chúng ta giỏi được. Đã làm thầy thuốc, chúng ta cần phải học hỏi, nhanh chóng có đủ kiến thức, kỹ năng thực hành chuẩn để người bệnh có thể giao tính mạng của họ cho mình.
Say mê, yêu nghề, trách nhiệm và tốt bụng cùng với môi trường công tác tốt, chắc chắn các bạn sẽ nhanh chóng đạt thực hành chuẩn và trở thành chuyên gia giỏi. Đối với tôi, hạnh phúc là thấy mình có ích cho mọi người.
Xin cảm ơn PGS!