UBND thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác hữu nghị với chính quyền thành phố Trấn Giang, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. (Nguồn: Sở Ngoại vụ tỉnh Bắc Giang) |
Năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bắc Giang ước đạt 13,85%, đứng đầu cả nước; quy mô kinh tế tiếp tục được mở rộng, tương đương khoảng 8,6 tỷ USD, duy trì vị trí thứ 12 cả nước và đứng đầu các tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực. Công nghiệp phát triển mạnh, tiếp tục khẳng định rõ vai trò động lực chính thúc đẩy tăng trưởng. Trong năm 2024, tỉnh Bắc Giang thu hút được 66 dự án FDI với số vốn đăng ký 459,38 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn cho 63 dự án FDI, vốn tăng thêm là 762,02 triệu USD gấp hai lần cùng kỳ.
Tính riêng thu hút đầu tư FDI, Bắc Giang xếp thứ 10 cả nước. Các dự án FDI tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất, gia công sản phẩm linh kiện điện tử, may mặc, logistics... Hiện nay, có trên 30 quốc gia và lãnh thổ có dự án đầu tư tại tỉnh, trong đó, Trung Quốc là nước đầu tư lớn nhất, kế đến là Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản…
Bắc Giang từng bước khẳng định vị thế là trung tâm công nghiệp lớn của cả nước. Đến nay, toàn tỉnh có 11 khu công nghiệp với diện tích 2.720,72 ha, 55 cụm công nghiệp với diện tích 2.327 ha. Các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Luxshare, Fuhong, Hosiden, Siflex, Hana Micron, Newwing và Fuyu của Tập đoàn Foxconn… chọn nơi đây là điểm đến chiến lược, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội toàn tỉnh.
Đổi mới công tác xúc tiến đầu tư
Có được kết quả trên là nhờ công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh ngày càng đổi mới, hiệu quả, nổi bật là sự kết hợp khéo léo của công tác ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế với xúc tiến đầu tư ở trong và ngoài nước.
Trong năm 2024, Bắc Giang triển khai, hỗ trợ và tiếp cận các đối tác đầu tư thế mạnh của tỉnh từ trước tới nay như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc).
Không những vậy, địa phương chủ động tham gia các sự kiện xúc tiến đầu tư, hội nghị, hội thảo, tọa đàm do các bộ, ngành Trung ương tổ chức, kết nối như: Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32, Hội nghị Ngoại vụ lần thứ 21, Hội nghị trực tuyến của Chính phủ về công tác ngoại giao kinh tế, Hội thảo thương mại Brazil - Việt Nam, Diễn đàn kinh doanh Việt Nam - Canada, Diễn đàn Nhịp cầu phát triển, Diễn đàn Tương lai ASEAN, Lễ khai mạc Ngày hội Kết nối doanh nghiệp tỉnh Chungcheongnam năm 2024, Hội nghị Halal toàn quốc...
Các dự án FDI tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất, gia công sản phẩm linh kiện điện tử, may mặc, logistics... |
Tại các hội nghị, hội thảo, Bắc Giang tích cực giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; trao đổi những định hướng hợp tác với các đối tác quốc tế trong các lĩnh vực như thương mại, đầu tư, dịch vụ, du lịch… nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tỉnh cũng tăng cường kết nối các nhà đầu tư mới, nhất các các nhà đầu tư tiềm năng đến từ châu Âu và châu Mỹ.
Trong năm, UBND tỉnh Bắc Giang đã ký ba thỏa thuận quốc tế với đối tác nước ngoài gồm: Thỏa thuận hợp tác hữu nghị với tỉnh Chungcheongnam (Hàn Quốc) giai đoạn 2023-2030, Bản ghi nhớ với trường Đại học Osaka Metropolitan (Nhật Bản) và Kế hoạch giao lưu hợp tác với chính quyền nhân dân thành phố Nam Ninh, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc giai đoạn 2024-2028. UBND thị xã Việt Yên ký bản ghi nhớ hợp tác hữu nghị với chính quyền nhân dân thành phố Trấn Giang, tỉnh Giang Tô (Trung Quốc).
Bên cạnh đó, tỉnh xây dựng hình ảnh, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng, cơ hội và kết nối đầu tư; đồng thời, thực hiện quyết liệt giải quyết các điểm nghẽn, các nút thắt, các rào cản để tạo thuận lợi nhất cho công tác thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp...
Đổi mới, kết hợp công tác xúc tiến đầu tư, ngoại giao kinh tế đã giúp Bắc Giang thu hút đầu tư đạt kết quả vượt bậc. Trong đó, nguồn vốn FDI không chỉ gia tăng mạnh về số lượng dự án và số vốn đầu tư mà làn sóng đầu tư từ các nước lớn tại khu vực châu Á như Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc trong lĩnh vực công nghiệp phần mềm, bán dẫn.
Bắc Giang từng bước khẳng định vị thế là trung tâm công nghiệp lớn của cả nước. |
Tăng tốc, bứt phá bước vào kỷ nguyên vươn mình
Bước sang năm 2025, Bắc Giang nỗ lực phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra, tạo nền tảng cơ bản cho giai đoạn 2025-2030 xây dựng tỉnh Bắc Giang phát triển toàn diện, vững chắc, góp phần khẳng định khát vọng hùng cường, đưa đất nước vững bước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Để đón thêm nhà đầu tư trong và ngoài nước, tỉnh chú trọng những vấn đề sau:
Tập trung triển khai, hỗ trợ, tiếp cận và kết nối các đối tác đầu tư là các tập đoàn lớn, có tiềm năng phát triển. Tiếp tục lấy công nghiệp làm trụ cột, mục tiêu phát triển công nghiệp theo hướng xây dựng “Hệ sinh thái công nghiệp bền vững”, ưu tiên thu hút các ngành công nghiệp điện tử, chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, đặc biệt là công nghiệp bán dẫn. Tăng cường thu hút các dự án phát triển dịch vụ, nhất là dịch vụ thương mại tại đô thị và các khu công nghiệp, dịch vụ vận tải, logistics, dịch vụ phục vụ du lịch, thu hút đầu tư xây dựng các khách sạn, trung tâm thương mại lớn.
Tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện tốt công tác tham mưu UBND tỉnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, tiếp tục xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số và cơ sở dữ liệu liên thông; cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); xây dựng các giải pháp đơn giản hóa việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư cũng như các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khi tìm hiểu môi trường đầu tư tại tỉnh.
Tăng cường đối thoại với các doanh nghiệp để xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc, nhất là những vấn đề về thủ tục hành chính trong đầu tư, vay vốn, đất đai, cấp phép xây dựng... Thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp; chủ động hỗ trợ, giải quyết những đề xuất, kiến nghị nhất là về vốn, thị trường tiêu thụ, lao động, chi phí nguyên vật liệu… nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp ổn định sản xuất, thúc đẩy phục hồi chuỗi cung ứng, tạo năng lực sản xuất mới.
Tỉnh chuẩn bị các điều kiện cần thiết, nhất là hạ tầng, nguồn nhân lực, mặt bằng để chủ động đón đầu dòng dịch chuyển vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nguồn vốn chất lượng với công nghệ tiên tiến trên cơ sở đáp ứng quy định suất đầu tư và số lao động sử dụng đối với các dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách. Ưu tiên kêu gọi nhà đầu tư là thành viên cùng tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam trong các ngành nghề tập trung và công nghệ kỹ thuật số, kinh tế số, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ và thương mại.
Sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp Bắc Giang là cơ sở, nền tảng để nhiều nhà đầu tư lớn tiếp tục tin tưởng, lựa chọn làm điểm đến đầu tư chiến lược. Mục tiêu đến năm 2030, Bắc Giang trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, giàu mạnh, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.