Lễ trao tặng danh hiệu Công dân danh dự Thủ đô Hà Nội cho ông Firmin Edouard Matoko, Trợ lý Tổng giám đốc UNESCO về đối ngoại và ưu tiên châu Phi, ngày 25/10. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Thưa ông, danh hiệu Công dân danh dự Thủ đô có ý nghĩa gì với cá nhân ông, cũng như với UNESCO, trong việc thúc đẩy các giá trị về giáo dục, khoa học, văn hóa và hòa bình tại Việt Nam?
Trước hết, từ góc độ của UNESCO, danh hiệu Công dân danh dự Thủ đô thực sự là dấu ấn cho sự hợp tác bền chặt giữa Việt Nam và UNESCO.
Về phương diện cá nhân, tôi rất vui mừng và vinh dự. Cùng với đó, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến thành phố Hà Nội và Chính phủ Việt Nam vì đã trao tặng tôi danh hiệu này. Tôi cũng muốn chia sẻ niềm vui với tất cả các đồng nghiệp UNESCO tại Việt Nam, những người ngày đêm phối hợp chặt chẽ cùng Chính phủ và người dân Việt Nam nhằm thúc đẩy các giá trị và sứ mệnh của tổ chức.
Tin liên quan |
Việt Nam là đối tác ưu tiên của EU ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương |
Ông đánh giá thế nào về vai trò và hiệu quả của các chính sách ngoại giao văn hóa mà Việt Nam đang theo đuổi và UNESCO có thể hỗ trợ như thế nào để thúc đẩy hơn nữa quá trình này, góp phần xây dựng cầu nối văn hóa giữa Việt Nam và cộng đồng quốc tế?
Đây là phương diện mà UNESCO đã triển khai trong nhiều năm qua. Đôi khi chúng tôi thành công, đôi khi chưa đạt được như kỳ vọng, nhưng trong bối cảnh thế giới với đầy rẫy xung đột hiện nay, tôi cho rằng ngoại giao chính trị là chưa đủ.
Chúng ta cần thúc đẩy hơn nữa các chính sách ngoại giao văn hóa, bởi thông qua văn hóa, con người học cách sống hòa hợp, thấu hiểu và tôn trọng lẫn nhau, từ đó gắn kết các cộng đồng riêng biệt.
Chúng tôi đánh giá cao và công nhận những nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy ngoại giao văn hóa, không chỉ ở khu vực mà còn mở rộng ra thế giới. Vì vậy, UNESCO sẵn sàng hỗ trợ những sáng kiến ngoại giao văn hoá của Việt Nam.
Ông đánh giá như thế nào về vai trò của thanh niên trong việc gìn giữ và quảng bá văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng?
Tại UNESCO, thanh niên luôn là nhóm được ưu tiên trong suốt 25 năm qua. Hai năm một lần, chúng tôi tổ chức Diễn đàn Thanh niên UNESCO tại Paris (Pháp), song song với cuộc họp Đại hội đồng UNESCO.
Các bạn trẻ từ khắp nơi trên thế giới tụ họp về đây để gặp gỡ, thảo luận và đề xuất các dự án, ý tưởng. Chúng tôi luôn hỗ trợ các bạn hết mình, vì đối với UNESCO, thanh niên là "chìa khóa" cho sự phát triển và chuyển mình của xã hội.
Tuy nhiên, các bạn trẻ cũng cần được trao tiếng nói và chịu trách nhiệm cho những lựa chọn của mình. Do đó, chúng tôi đã triển khai nhiều chương trình đào tạo, giáo dục và nâng cao nhận thức về các vấn đề xã hội cho thế hệ trẻ.
Nhưng trên hết, UNESCO tin rằng, ở mọi giai đoạn, các bạn trẻ đều cần có cơ hội để cất lên tiếng nói và lựa chọn tương lai cho riêng mình.
Ông kỳ vọng gì về sự hợp tác giữa Việt Nam và UNESCO trong tương lai, đặc biệt khi Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức toàn cầu như bảo vệ di sản, phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu?
Hiện nay, chúng ta đang đối mặt với nhiều vấn đề toàn cầu, cũng như vô vàn thách thức mới. Đặc biệt, trí tuệ nhân tạo, công nghệ mới, mạng xã hội - nếu sử dụng sai cách sẽ đem đến hậu quả vô cùng to lớn. Chính vì vậy, thông tin sai lệch, tin giả cũng là một trong những "vấn đề đau đầu" của xã hội hiện đại.
Chúng tôi kỳ vọng các quốc gia có nền tảng công nghệ phát triển như Việt Nam sẽ đưa những vấn đề này vào chính sách của mình, thúc đẩy việc sử dụng công nghệ một cách “đạo đức”, không thể để công nghệ tạo ra sự bất bình đẳng giữa người với người. Tất cả mọi người đều phải được tiếp cận công nghệ một cách công bằng nhất.
Bên cạnh đó, khi thông tin tràn lan trên mạng xã hội, nếu giới trẻ không có đủ nhận thức về cách sử dụng sẽ mang đến hậu quả khó lường. Chúng tôi hy vọng Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia tiên phong nâng cao hiểu biết cho thế hệ trẻ trong vấn đề thông tin, cùng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, tôi đánh giá cao những sáng kiến thú vị về phát triển bền vững, khu dự trữ sinh quyển… của Việt Nam. Chúng tôi tin tưởng, sự hợp tác giữa UNESCO và Việt Nam sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn trong các lĩnh vực này.
Xin cảm ơn ông!
Nhằm ghi danh những đóng góp của ông Firmin Edouard Matoko, Trợ lý Tổng giám đốc UNESCO về đối ngoại và ưu tiên châu Phi, UBND thành phố Hà Nội đã trao danh hiệu công dân danh dự cho ông. Ông Edouard Matoko đã có những đóng góp trong nhiều vai trò khác nhau cho sự hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và UNESCO, trong đó có việc hỗ trợ Hà Nội được công nhận là Thành phố vì hòa bình, Thành phố sáng tạo. Trợ lý Tổng giám đốc UNESCO cũng đã có hỗ trợ to lớn đối với hồ sơ bảo tồn Di sản Thế giới Hoàng thành Thăng Long kể từ khi được công nhận (năm 2010). |
| Lợi ích từ cấm bán thuốc lá cho thanh thiếu niên: Kết quả khoa học không thể chối cãi Theo kết quả một nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Lancet Public Health, việc cấm bán thuốc lá cho thanh thiếu niên ... |
| Kỳ 2: Bình đẳng giới trong phân công lao động - Chìa khóa đến từ người trong cuộc Để có bình đẳng giới thực chất và tạo cơ hội cho lao động nữ phát triển bản thân vẫn còn khá nhiều việc phải ... |
| Thị trường Halal - ‘chìa khóa’ mở thêm cánh cửa cho xuất khẩu nông thủy sản Việt Nam Với quy mô nền kinh tế Halal toàn cầu ước đạt 7.700 tỷ USD vào năm 2025, dự kiến sẽ tăng lên 10.000 tỷ USD ... |
| Biến mạng xã hội thành nền tảng chăm sóc sức khỏe thời 4.0 - Chia sẻ từ Dược sĩ Lê Giang Trong buổi chia sẻ vừa diễn ra, dược sĩ Lê Giang đã kể về hành trình của bản thân từ một Dược sĩ tại Đại ... |