📞

Trở thành người dẫn đầu về chuyển đổi công nghiệp ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương

Xuân Sơn 08:11 | 27/09/2024
Đại diện HDBank, Techcombank và Trung tâm Thị trường giáo dục (Malaysia) chia sẻ bên lề Diễn đàn Kinh tế TP. HCM 2024 ngày 25/9 về triển vọng chuyển đổi công nghiệp tại Việt Nam.

Tiếp cận vốn

Ông Marcin Miller, Giám đốc chiến lược HDBank (SOVICO) cho rằng các công ty ở Việt Nam muốn chuyển đổi công nghiệp vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn đầu tư. (Ảnh: Nguyễn Bình)

Đề xuất chính sách chuyển đổi công nghiệp, ông Marcin Miller, Giám đốc chiến lược của HDBank (SOVICO) cho biết, chính phủ có thể áp dụng một số cơ chế hỗ trợ quá trình chuyển đổi công nghiệp, đổi mới kỹ thuật số và triển khai sáng kiến về tính bền vững và chuyển đổi xanh. “Điều quan trọng nhất là khả năng tiếp cận vốn, vì các công ty ở Việt Nam vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn đầu tư chuyển đổi”, ông Marcin Miller nhận định.

Do đó, chính phủ cùng với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể thực hiện một số biện pháp nhằm cung cấp thêm nguồn tài trợ, có thể dưới dạng bảo lãnh, khoản vay lãi suất thấp hoặc các khoản trợ cấp khác dành cho doanh nghiệp. Theo Giám đốc chiến lược HDBank, doanh nghiệp cần được cung cấp các ưu đãi bằng tiền và phi tiền mặt, cũng như giảm bớt gánh nặng về thủ tục hành chính để có thể đầu tư dự án chuyển đổi xanh và chuyển đổi công nghiệp.

“Chính sách tiếp theo mà tôi đề xuất là tập trung vào giáo dục nhằm tạo ra nguồn nhân lực phù hợp để thực hiện tất cả các sáng kiến liên quan đến chuyển đổi xanh và chuyển đổi số. Vì vậy, tôi muốn nói về giáo dục STEM, giáo dục nghề nghiệp, cùng các chương trình học tập liên quan mà chúng ta nên triển khai”, ông Marcin Miller đề cập.

Tại Việt Nam, việc đưa các sáng kiến chuyển đổi vào chu kỳ lập kế hoạch rất cần thiết. Vì vậy, khi chuẩn bị kế hoạch tổng thể về kinh tế - xã hội cho đất nước và các tỉnh thành, Việt Nam nên đưa biện pháp phát triển bền vững vào mục tiêu tổng thể đặt ra cho nền kinh tế. Nghĩa là chúng ta không chỉ tập trung vào tăng trưởng GDP, mà còn tập trung vào cơ cấu GDP và cải thiện chất lượng cuộc sống người dân.

Giám đốc chiến lược HDBank khẳng định: “Tôi nghĩ nếu thực hiện tất cả những biện pháp này, chúng ta không chỉ có thể theo kịp tốc độ phát triển toàn cầu trong các lĩnh vực đó, mà còn có thể trở thành người dẫn đầu về tính bền vững và chuyển đổi công nghiệp ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và có thể là trên toàn cầu”.

Nhận định về vai trò của ngành ngân hàng trong quá trình chuyển đổi công nghiệp của thành phố, ông Marcin Miller cho hay, ngành ngân hàng nhà nước lẫn tư nhân đều đóng vai trò then chốt trong việc tạo điều kiện tiếp cận vốn cho các sáng kiến chuyển đổi công nghiệp. Thông qua hợp tác với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các ngân hàng sẽ có nguồn tài trợ và tín dụng, cũng như nhận thêm ưu đãi để thực hiện chương trình cùng một số tổ chức phát triển nước ngoài.

Triển vọng tài chính xanh

Ông Prasenjit Chakravarti, Giám đốc khối chiến lược và chuyển đổi ngân hàng Techcombank nhấn mạnh, Techcombank đã đầu tư rất nhiều trong vòng 3-5 năm qua để xây dựng cơ sở hạ tầng số và dữ liệu cho ngành ngân hàng. (Ảnh: Nguyễn Bình)

Chia sẻ về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt chuyển đổi số và nâng cao năng lực cạnh tranh, ông Prasenjit Chakravarti, Giám đốc khối chiến lược và chuyển đổi ngân hàng Techcombank nói: “Ngân hàng Techcombank là một trong những ngân hàng dẫn đầu trong chuyển đổi số của ngành tài chính. Chúng tôi đã đầu tư rất nhiều trong vòng 3-5 năm qua để xây dựng cơ sở hạ tầng số và dữ liệu cho ngành ngân hàng”.

Techcombank đang mang đến những công cụ số rất đơn giản mà các doanh nghiệp có thể sử dụng để quản lý hoạt động kinh doanh hằng ngày, giúp họ phát triển doanh nghiệp, tiếp cận hệ sinh thái rộng lớn và có thêm khách hàng.

Về triển vọng tài chính xanh trong ngành ngân hàng Việt Nam, theo ông Prasenjit Chakravarti, tài chính xanh sẽ giúp Việt Nam thu hút nhiều đầu tư nước ngoài và có thể hỗ trợ phát triển kinh tế đất nước theo đúng lộ trình tăng trưởng kinh tế xanh với cường độ carbon thấp mà chính phủ đề ra.

“Trong vấn đề này, ngành ngân hàng đóng vai trò rất quan trọng vì tất cả khoản đầu tư vào đất nước phần lớn đều thông qua ngân hàng. Chính phủ, cùng các bộ ngành, bao gồm Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang thảo luận về chủ đề này và chúng tôi mong đợi các chính sách mới hỗ trợ tài chính xanh, tăng trưởng xanh ở Việt Nam”, Giám đốc khối chiến lược và chuyển đổi ngân hàng Techcombank khẳng định.

Thu hút nhân tài

Ông Carmelo Ferlito, Giám đốc điều hành Trung tâm Thị trường giáo dục (Malaysia) cho rằng, những sáng kiến tốt sẽ khuyến khích nhân tài phát triển và chính quyền nên cố gắng thu hút đúng nhóm nhân tài đến với đất nước. (Ảnh: Nguyễn Bình)

Trong khi đó, theo ông Carmelo Ferlito, Giám đốc điều hành Trung tâm Thị trường giáo dục (Malaysia), chính quyền TP. HCM cần lưu ý việc cải cách cơ chế bảo vệ, thực thi, phát triển và hỗ trợ quyền sở hữu, đặc biệt là quyền sở hữu tài sản, cần bảo đảm an ninh cho quyền sở hữu tài sản, cả quyền sở hữu vật chất và quyền sở hữu trí tuệ. Những sáng kiến tốt sẽ khuyến khích nhân tài phát triển và chính quyền nên cố gắng thu hút đúng nhóm nhân tài đến với đất nước.

Ông Carmelo Ferlito cho hay: “Chúng ta không chỉ tập trung câu chuyện về đổi mới, trí tuệ nhân tạo hay kinh tế tuần hoàn, mà còn phải đặc biệt chú ý đến chuyển đổi công nghiệp trong các ngành truyền thống, đặc biệt là hiện đại hóa nông nghiệp, vì sản xuất nông nghiệp là nền tảng của mọi cuộc chuyển đổi công nghiệp bền vững”.

Chia sẻ về mô hình tiêu biểu trong chuyển đổi công nghiệp ở Đông Nam Á, Giám đốc điều hành Trung tâm Thị trường giáo dục nhận định, cách đây vài thập kỷ, chính phủ Malaysia đã thực hiện một cải cách, theo đó nếu công ty nước ngoài thiết lập trụ sở hoạt động tại Malaysia, họ sẽ được hưởng các ưu đãi đặc biệt về visa và các lợi ích tài chính như miễn thuế. Chính quyền TP. HCM có thể lấy cảm hứng từ chương trình đó và áp dụng cho cả công ty nước ngoài và nội địa.