📞

Trong bầu cử Tổng thống Ukraine, người Ukraine chọn sự thay đổi

Chu Văn 21:00 | 25/04/2019
Chiến thắng của ứng cử viên Vladimir Zelensky trong cuộc bầu cử Tổng thống Ukraine phản ánh mong muốn của người dân quốc gia này về sự thay đổi triệt để trong nền chính trị.

Theo kết quả kiểm phiếu sơ bộ ngày 22/4, tỷ lệ phiếu của chính trị gia “nghiệp dư” Vladimir Zelensky đạt 73%, vượt xa so với Tổng thống đương nhiệm Petro Poroshenko khoảng 50%. Trả lời báo chí sau khi kết quả được công bố, Tổng thống đắc cử Zelensky cam kết sẽ tái khởi động tiến trình hòa đàm với các bên theo Thỏa thuận Minsk, đồng thời khẳng định điều quan trọng nhất hiện nay là chấm dứt xung đột ở miền Đông Ukraine.

Từ sân khấu đến đời thực

Bầu cử Tổng thống Ukraine năm nay diễn ra khi cục diện bên ngoài đất nước diễn biến phức tạp, trong khi tình hình kinh tế - xã hội trong nước gặp nhiều khó khăn. 5 năm đã trôi qua kể từ sự kiện “Cách mạng Maidan” lật đổ chính quyền Yanukovich thân Nga, chuyển sang định hướng hội nhập Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tuy nhiên, theo khảo sát của Bloomberg công bố trước thềm bầu cử, nhiều người dân thất vọng vì cách mạng không đem lại kết quả như mong muốn. Căng thẳng ở vùng Donbass chưa hề lắng xuống, trong khi tham nhũng tràn lan đến nhức nhối dư luận, đời sống người dân ngày càng chật vật,… Ukraine vẫn thuộc nhóm nước nghèo nhất châu Âu.

Tổng thắng đắc cử Ukraine Vladimir Zelensky. (Nguồn: Reuters)

Chính sự thất vọng ấy của người dân đã giúp ông Zelensky, 41 tuổi, đạt được chiến thắng. Người Ukraine đang cần một sự thay đổi, một gương mặt lãnh đạo mới; và lãnh đạo đảng “Người phục vụ nhân dân” - cũng là tên chương trình truyền hình mà Zelensky đóng vai chính – nhắm trúng nhu cầu đó, cho dù ai cũng biết ông không phải là chính khách và cũng không hề có chương trình hành động cụ thể.

Tâm lý chán nản và bất bình của người dân Ukraine đối với những cam kết suông của Tổng thống Poroshenko khiến cử tri gửi gắm niềm tin vào một danh hài với vốn liếng chính trị gần như bằng không. Trước đó, trên truyền hình, ông Zelensky từng vào vai một giáo viên Lịch sử, quá bức xúc nên có những phát ngôn chống tham nhũng, rồi trở nên nổi tiếng và được bầu làm Tổng thống. Vì vậy, Oleksiy Haran - Giáo sư Chính trị học (Đại học Kiev-Mohyla) nhận định: “Zelensky dường như đã lấy hình ảnh của ông ấy để vận vào đời thực. Đó là một chiến lược tâm lý”.

Giới phân tích nhận định, chiến dịch tranh cử của ông Zelensky mang màu sắc dân túy, thu hút sự ủng hộ của những người thu nhập thấp, người về hưu, và đặc biệt là giới trẻ. Thay vì tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri hay đưa ra các bài diễn văn chính trị, ông tập trung vào các video vui vẻ, gần gũi trên mạng xã hội. Ông tránh bày tỏ quan điểm công khai, tránh các cuộc phỏng vấn lớn, và hiếm khi tổ chức họp báo. Chuyên gia Ukraine Alexander Palyi cho rằng, ông Zelensky đã tranh cử bằng cách đi ngược lại tất cả đối thủ khác, trong đó có các ứng viên “nặng ký” với phong cách chính trị truyền thống như Petro Poroshenko hay Yulia Timoshenko.

Niềm tin “tạm ứng”

Tuy nhiên, khi không có nhiều kinh nghiệm chính trường, ông Zelensky sẽ phải đối mặt với không ít thách thức khi trở thành Tổng thống tiếp theo của Ukraine. Một khi “cơn cuồng nhiệt” gương mặt mới qua đi, ông phải trả lời nhân dân bằng hành động, trong bối cảnh hàng loạt khó khăn bủa vây.

Đầu tiên, khi cuộc bầu cử Quốc hội Ukraine sẽ được tổ chức vào tháng 9 tới, ông Zelensky phải gấp rút xây dựng lực lượng chính trị “Người phục vụ nhân dân” của mình - vốn chỉ được thành lập cách đây vài tháng - thành một đảng chính trị đúng nghĩa.

Thứ hai, chủ trương “sẵn sàng đàm phán với Nga” của ông sẽ khó thực hiện do tâm lý chống Moscow vẫn còn gay gắt trong Quốc hội Ukraine. Bản thân Nga cũng dè chừng trước những tuyên bố của ông Zelensky. Người Phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga sẽ chỉ tính đến khả năng hợp tác nếu Ukraine có những hành động thực chất nhằm cải thiện quan hệ.

Bên cạnh đó, dù thất bại nhưng “tỷ phú sôcola” Poroshenko vẫn không rời chính trường, nhất là khi ông có đội ngũ thân hữu rất có ảnh hưởng trong xã hội. Công chúng Ukraine vì thế đang hoài nghi khả năng ông Zelensky có thể chống lại thế lực đầu sỏ chính trị có tầm ảnh hưởng của Ukraine, cũng như thương lượng với những lãnh đạo châu Âu và Nga. “Điện ảnh và thực tế là hai thứ hoàn toàn khác nhau”, AFP nhận định.

Cuối cùng, ông Zelensky phải rút bài học từ chiến thắng – điều mà ông Poroshenko đã không nhận ra. Người dân đã bỏ phiếu chống lại Tổng thống Poroshenko, cũng là chống lại đường lối mà Kiev đi theo suốt 5 năm qua: đường lối của chiến tranh, của những cải cách không hiệu quả, của tâm lý dân tộc chủ nghĩa chia rẽ hai miền Đông – Tây Ukraine.

Vì thế, tỷ lệ phiếu bầu rất cao mà ông Zelensky nhận được chỉ là niềm tin “tạm ứng” của nhân dân và nó cần được đền đáp xứng đáng. Tân Tổng thống Ukraine phải hiểu và thực hiện những hy vọng của cử tri, trong chính sách đối nội lẫn đối ngoại, để đưa quốc gia Đông Âu này vượt lên trên những thách thức sống còn. Nếu không như thế, số phận chính trị của ông Zelensky có thể sẽ không khác so với Poroshenko - một ví dụ đáng buồn cho một vị Tổng thống từng chiến thắng vang dội nhưng rồi đánh mất niềm tin nhân dân.