Cờ của Ukraine và Liên minh châu Âu tại Quảng trường châu Âu ở Kiev, ngày 24/6/2022. (Nguồn: AFP) |
Ngày 8/5, Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga. Nếu được thông qua, đây sẽ là gói trừng phạt thứ 11 mà Liên minh châu Âu (EU) áp đặt đối với Moscow kể từ khi xảy ra xung đột Ukraine-Nga hồi tháng 2/2022.
Theo AFP, Giám đốc điều hành của EU khuyến nghị ngừng xuất khẩu các công nghệ nhạy cảm cho 8 công ty Trung Quốc vì nghi ngờ họ bán cho Nga.
Các đại sứ EU sẽ gặp nhau vào ngày 10/5 để bắt đầu thảo luận về các đề xuất mới nhất.
Liên minh châu Âu gồm 27 quốc gia đã trừng phạt Moscow bằng một loạt biện pháp chưa từng có kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động xung đột với Ukraine vào tháng 2 năm ngoái. Tính đến nay, EU đã triển khai 10 vòng trừng phạt, bao gồm các hạn chế về tài chính, thương mại cũng như các biện pháp trừng phạt cá nhân. Trong đó có các biện pháp nhằm vào một số hoạt động xuất khẩu quan trọng của Nga như xuất khẩu dầu mỏ.
Tuy nhiên, các quan chức ngoại giao EU trước đó cũng thừa nhận hiện không còn nhiều lĩnh vực để tiếp tục đưa ra các vòng trừng phạt. Họ cho rằng, khối hiện đã gần đạt đến giới hạn đối với các biện pháp và lĩnh vực mà tất cả các nước EU sẵn sàng đồng ý.
Hiện nay, EU đang chuyển sự chú ý của mình sang khắc phục các lỗ hổng trong các biện pháp trừng phạt đã có. Họ muốn ngăn chặn việc tái xuất khẩu sang Nga thông qua các nước thứ ba những công nghệ nhạy cảm có thể được sử dụng trên chiến trường, chẳng hạn như vi mạch, chip bán dẫn.
Các quan chức châu Âu phàn nàn rằng một số quốc gia bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, hay các quốc gia thuộc Liên Xô cũ và Trung Á đang nhập khẩu một lượng hàng hóa lớn thuộc danh sách bị trừng phạt.
Các công ty ở Armenia, Iran, Uzbekistan và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất cũng nằm trong danh sách những công ty mà Ủy ban này đề xuất hạn chế xuất khẩu.
Trong gói trừng phạt mới, EU tìm cách hợp lý hóa những thủ tục rườm rà trong khi “truy quét” các quốc gia liên quan đến hành vi lách luật. Khối này đang thúc đẩy thiết lập cơ chế cho phép hạn chế xuất khẩu một số hàng hóa sang các nước thứ ba bị nghi ngờ đóng vai trò là đường dẫn đến Nga.
Bên cạnh đó, ông Eric Mamer cũng cho biết Chủ tịch EC Ursula von der Leyen dự kiến có cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại thủ đô Kiev vào ngày 9/5. Đây sẽ là chuyến đi thứ 5 của bà Ursula von der Leyen tới Ukraine kể từ tháng 2/2022.
Theo ông Mamer, chuyến thăm tập trung vào sự toàn diện của mối quan hệ EU-Ukraine, đồng thời tái khẳng định sự ủng hộ vững chắc của EU đối với Kiev. Ông Mamer cho biết thêm chuyến thăm được thực hiện vào "Ngày châu Âu" - ngày đánh dấu sự ra đời và hình thành của EU. Trong bối cảnh đó, khối liên minh hoan nghênh việc Kiev từ nay cũng công nhận "Ngày châu Âu" là một ngày lễ tại Ukraine.