Đầu tháng 7, Giấy chứng nhận đầu tư cho dự án sản xuất màn hình của Công ty TNHH Samsung Display tại Khu tổ hợp công nghệ Samsung Bắc Ninh với trị giá 1 tỷ USD đã nâng tổng vốn đầu tư của Samsung tại Việt Nam lên khoảng 6,8 tỷ USD. Lý giải nguyên do khiến người khổng lồ của Hàn Quốc từ chối đầu tư tại quê nhà, trong bài phân tích mới đây, nhật báo Hàn Quốc Donga Ilbo có đoạn: “Có lẽ đã đến lúc Chính phủ Hàn Quốc phải cân nhắc lại rằng thế giới đã trở nên quá nhỏ bé và không thể chỉ kêu gọi lòng yêu nước mà không làm gì để cải thiện môi trường kinh doanh để giữ chân các doanh nghiệp”.
Lợi thế quyết định
Lý do thứ nhất được đưa ra, năm 2008, Samsung muốn mở rộng sản xuất và đã xem xét hai lựa chọn hoặc mở rộng nhà máy sản xuất điện thoại di động ở Gumi (Bắc Gyeongsang, Hàn Quốc), hoặc xây dựng nhà máy mới ở nước ngoài. Cuối cùng, Samsung đã quyết định rời Hàn Quốc và tới Việt Nam. Giá lao động rẻ ở Việt Nam là một trong những lý do đưa tới lựa chọn này. Giá lao động của Việt Nam rẻ hơn hẳn so với Hàn Quốc. Chi phí thuê một lao động nữ tốt nghiệp trung học tại Việt Nam chỉ 353 USD/tháng (gồm cả tiền làm thêm giờ), trong khi đó mức chi phí tương tự ở ở Hàn Quốc là 3.715 USD/tháng.
Trong năm 2012, Samsung đã khá dễ dàng tuyển dụng được 19.665 lao động tại Việt Nam, trong khi nhà máy ở Gumi chỉ tuyển được có 175 người. Ở Hàn Quốc, thông báo tuyển dụng của Samsung đã được phát đi trong bán kính 200 km từ nhà máy, nhưng nhiều người vẫn không muốn tới làm việc vì họ thích tìm một công việc trong ngành công nghiệp dịch vụ ở Seoul hơn. Bởi vậy, không thể tìm được nhiều lao động trong nước là lý do thứ hai khiến Samsung muốn chuyển hướng đầu tư ra nước ngoài. Mặc dù, công nhân Hàn Quốc có trình độ ban đầu cao hơn, nhưng với các khóa đào tạo nghề cấp tốc ba tháng, các công nhân Việt Nam có thể nhanh chóng đáp ứng được yêu cầu.
Chính phủ Việt Nam đã lên tiếng cảm ơn Samsung vì đã tạo công ăn việc làm cho hơn 20.000 lao động. Việt Nam cũng đã dành nhiều ưu đãi cho Samsung như cấp miễn phí 112 ha đất, miễn thuế doanh nghiệp 4 năm đầu tiên, sau đó sẽ chỉ phải đóng 5%/năm thuế trong 12 năm và 10%/năm trong 34 năm tiếp theo. Chi phí này tiết kiệm hơn rất nhiều so với mức thuế 12%/năm mà Samsung phải đóng ở Hàn Quốc. Ngoài ra, Việt Nam cũng miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng cho Samsung. Chi phí điện, nước, thông tin liên lạc cũng rẻ bằng một nửa so với ở Hàn Quốc.
Doanh nghiệp Việt Nam tham gia rất ít
Câu chuyện Samsung đầu tư “khủng” vào Việt Nam gợi lại bài toán liên kết giữa các dự án nước ngoài với nền kinh tế. “Với các sản phẩm của Samsung, về mặt cơ khí khi tham gia chỉ có mấy chi tiết liên quan như khuôn ép nhựa làm vỏ, còn bảng vi mạch ta không làm được. Doanh nghiệp Việt Nam không hy vọng nhiều vì chỉ tham gia được rất ít”, ông Đào Phan Long - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam đã cho biết như vậy, khi bàn về câu chuyện các doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để tận dụng cơ hội khi Samsung hứa sẽ giúp phát triển công nghiệp phụ trợ trong nước.
Có lẽ đây là lần đầu tiên một doanh nghiệp FDI bàn kỹ tới việc sẽ cùng với các doanh nghiệp Việt Nam phát triển ngành công nghiệp phụ trợ. Đây là một cơ hội có thật dành cho các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, có thể nó sẽ lại bị bỏ lỡ, bởi lâu nay các dự án phát triển công nghiệp phụ trợ vẫn mới chỉ có trên giấy, chưa bắt tay vào làm thật.
Nhìn lại câu chuyện Samsung “bỏ” Hàn Quốc cho thấy, môi trường đầu tư thực sự là yếu tố quan trọng đối với quyết định của các nhà đầu tư. Tương lai, khi những ưu thế thu hút đầu tư không còn, giá lao động không quá chênh lệch, chi phí cơ sở hạ tầng tăng lên, ưu đãi về thuế kết thúc… lúc đó những thứ được đưa lên bàn cân của các nhà đầu tư chính là những yếu tố như công nghiệp phụ trợ.
Chưa biết câu chuyện làm nhà sản xuất thứ cấp cho Samsung sẽ đi đến đâu, song ít ra đây cũng là một hướng thuận để các doanh nghiệp Việt Nam thật sự có thể bắt tay tham gia vào chuỗi sản xuất của các nhà đầu tư nước ngoài.
Thủy Trúc