Các đại biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Tại Hội nghị, bà Trịnh Thị Thu Hiền, đại diện Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, đã trình bày về “Quy tắc xuất xứ trong CPTPP và vấn đề tận dụng ưu đãi trong các FTA”.
Bà Hiền đã nêu một số nguyên tắc cơ bản của Quy tắc xuất xứ CPTPP với một số ví dụ trong mặt hàng dệt may và thực tiễn vấn đề tại một số nước như Canada, Mexico, Peru.
Bên cạnh đó, bà Hiền cũng nêu ra nhiều khuyến nghị liên quan đến tận dụng ưu đãi FTA. Đại diện của Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương cho rằng các doanh nghiệp trong nước cần nâng cao kiến thức về xuất xứ hàng hóa.
Hội nghị có sự tham dự của khoảng 300 đại biểu. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Sau bài trình bày của bà Trịnh Thị Thu Hiền, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, câu chuyện liên quan đến xuất xứ nguồn gốc sản phẩm là yêu cầu cơ bản khi xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài. Các thị trường nhập khẩu có quyền lựa chọn doanh nghiệp và cấp phép nhập khẩu, từ thị trường Trung Quốc nhập khẩu nông sản cho đến thị trường châu Âu nhập khẩu thủy, hải sản. Vì vậy, các cơ quan quản lý cần hoàn thiện luật pháp để đáp ứng nhu cầu thị trường. Doanh nghiệp cần đồng hành với cơ quan quản lý nhà nước để định hướng thị trường, chủ động tham gia để mở ộng thị trường. Về quản lý chất lượng sản phẩm, theo Bộ trưởng, cần quản lý nghiêm khắc, đáp ứng yêu cầu, vì lợi ích quốc gia và cộng đồng doanh nghiệp. Trong các chương trình hành động của Chính phủ đều nêu rất rõ yêu cầu và Bộ Công Thương sẽ hành động quyết liệt để quản lý và phát triển thị trường.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại Hội nghị. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Trong phần trình bày của mình, ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên - Bộ Công Thương, đã cung cấp một bức tranh khái quát về quy mô thị trường các nước CPTPP và quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các nước này; quy định về mở cửa thị trường và các cam kết đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang các nước CPTPP; các cam kết đối với một số mặt hàng xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam.
Ông Lương Hoàng Thái. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Theo ông Lương Hoàng Thái, các nước cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực khoảng từ 78-95% số dòng thuế; và xóa bỏ hoàn toàn từ 97-100% dòng thuế. Các mặt hàng còn lại sẽ có lộ trình xóa bỏ thuế trong vòng 5-10 năm, trừ một số mặt hàng nhạy cảm có lộ trình trên 10 năm hoặc áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào thị trường CPTPP được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực hoặc sau 3-5 năm như nông sản, thủy sản, một số mặt hàng dệt may, giày dép, đồ gỗ, hàng điện, điện tử, cao su…
Ông Lương Hoàng Thái cho rằng, với sự cạnh tranh gay gắt trên thế giới hiện nay, việc tham gia CPTPP cũng đòi hỏi sự chuẩn bị kĩ lưỡng từ các doanh nghiệp.
Ông Lương Hoàng Thái trả lời câu hỏi tại Hội nghị. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Trả lời câu hỏi của Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ Bình Dương liên quan đến cải thiện năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), ông Thái cho rằng việc này cần một số yếu tố như: cung cấp thông tin đầy đủ cho các SMEs, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, tạo ra các doanh nghiệp vệ tinh, các chuỗi cung ứng mới trong khu vực.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, Bộ Công Thương sẽ có biện pháp thực thi môi trường kiến tạo, cải cách hành chính, cắt giảm thủ tục kinh doanh. Đây là nội dung quan trọng để doanh nghiệp Việt Nam có môi trường công bằng, minh bạch, thuận lợi. Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật, các chương trình hành động.
(Ảnh: Tuấn Anh) |
TS. Vũ Như Thăng - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính đã chia sẻ về cam kết mở cửa thị trường, cắt giảm thuế quan của Việt Nam cho các nước thành viên CPTPP.
Theo đó, ông Thăng đã trình bày về các cam kết của Việt Nam trong thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu với các ví dụ cụ thể trong các mặt hàng như ô tô, rượu bia, sắt thép, xăng dầu,…
Ông Vũ Như Thăng. (Ảnh: TA) |
Ông Thăng cũng giới thiệu về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện Hiệp định CPTPP, do Bộ Tài chính xây dựng và dự kiến áp dụng từ 2019 – 2022.
Tại Hội nghị, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, đã chia sẻ về "Các vấn đề đặt ra đối với việc phát triển nhóm ngành công nghiệp chế tạo, chế biến khi Việt Nam tham gia CPTPP và các FTA khác".
Ông Phạm Tuấn Anh cho biết, trong năm 2018, ngành công nghiệp tiếp tục thể hiện vai trò quan trọng trong bức tranh phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam với các sản phẩm công nghiệp xuất khẩu chủ lực, thiết yếu phục vụ sản xuất và tiêu dùng duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Đây là kết quả của việc thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy đầu tư sản xuất, kinh doanh trong thời gian qua của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đồng thời là kết quả của việc vận dụng hiệu quả cơ hội của các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương đã ký kết, góp phần mở rộng thị trường, gia tăng đầu tư để mở rộng sản xuất trong nước, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam.
Ông Phạm Tuấn Anh. (Ảnh: TA) |
Năm 2019, phát triển sản xuất công nghiệp có một số yếu tố thuận lợi. Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực từ ngày 14/1/2019 hứa hẹn mở ra cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu cho nhiều ngành hàng, trong đó có nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, CPTPP cũng đặt ra không ít thách thức, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cũng như chiến lược dài hạn nâng cao sức cạnh tranh trên trường quốc tế.
"Ký kết CPTPP là bước tiến mới của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Việc tham gia CPTPP giúp Việt Nam đa phương hóa các quan hệ kinh tế, thương mại, tránh được những rủi ro do phụ thuộc vào một vài thị trường lớn. Trong CPTPP, mức độ cam kết mở cửa mà các đối tác dành cho Việt Nam là sâu hơn và nhanh hơn so với những cam kết của Việt Nam với đối tác", ông Phạm Tuấn Anh nhấn mạnh.
Ông Phạm Tuấn Anh cho biết, CPTPP sẽ tạo cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và các sản phẩm chế biến từ gỗ đẩy mạnh xuất khẩu khi các sản phẩm như ván dán, ván ghép, khung tranh, khung cửa và nhất là đồ nội thất có thuế nhập khẩu dao động từ 6% đến 9,5% sẽ được xóa bỏ ngay.
Với ngành dệt may, mức thuế xuất khẩu hàng dệt may tới các thị trường chưa có FTA chung hiện nay trung bình là trên 10%, khi CPTPP có hiệu lực, các sản phẩm Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật chung sẽ được hưởng thuế suất 0%. Khi đó, sản phẩm dệt may Việt Nam sẽ được củng cố lợi thế cạnh tranh về giá.Đó cũng là động lực để các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển ngành nguyên phụ liệu, công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam. Từ đó, thiết lập sự liên kết trong chuỗi dệt – may hiệu quả hơn, tạo nền tảng cho ngành dệt may Việt Nam phát triển bền vững.
"CPTPP mở ra cơ hội rất lớn cho các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, nhưng cơ hội đó có trở thành những con số cụ thể trong gia tăng kim ngạch, giá trị xuất khẩu hay không lại là vấn đề khác, phụ thuộc rất nhiều vào năng lực tận dụng ưu đãi của các doanh nghiệp", Cục phó Cục Công nghiệp nói.
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, chia sẻ về tình hình thực tế triển khai Hiệp định CPTPP trong ngành dệt may. Bên cạnh những mặt tích cực mà Hiệp định mang lại, ông Giang cũng thẳng thắn nói về những bất cập, thách thức trong kinh doanh.
Ông Vũ Đức Giang cũng đưa ra nhiều đề nghị đối với lãnh đạo Bộ Công Thương trong việc hỗ trợ doanh nghiệp liên quan đến cơ chế chính sách, luật pháp,...
Ông Vũ Đức Giang. (Ảnh: TA) |