📞

(Trực tuyến): Tọa đàm giữa các Trưởng CQĐD Việt Nam ở nước ngoài và Doanh nghiệp

07:56 | 10/08/2018
Lần đầu tiên Trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao thường kỳ, Bộ Ngoại giao tổ chức Tọa đàm giữa Thủ trưởng các cơ quan đại diện Việt Nam (CQĐD) ở gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ với doanh nghiệp, nhằm trao đổi thẳng thắn và thực chất để các vị Đại sứ, Tổng Lãnh sự nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp, từ đó xác định phương thức và xây dựng mô hình hiệu quả để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển trong giai đoạn mới.

11h20: Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu kết thúc Tọa đàm.

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn gửi lời cảm ơn tới các đồng chí nguyên Lãnh đạo Nhà nước, đại diện các Bộ ngành và đông đảo Hiệp hội và doanh nghiệp đã tới dự Tọa đàm với chúng tôi hôm nay. Đặc biệt, Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan và Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga đã tới chia sẻ với Tọa đàm.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu kết thúc Tọa đàm. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Theo Thứ trưởng, những bài học, câu chuyện thực tế và chia sẻ của các đồng chí cho thấy, từ nhiều thập kỷ qua, ngành Ngoại giao đã đồng hành với người dân, doanh nghiệp.

Thứ trưởng tái khẳng định, tổ chức Tọa đàm này là sáng kiến hết sức có ý nghĩa trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao. Thành công của sự kiện hôm nay một lần nữa khẳng định tính đúng đắn của “Ngoại giao kiến tạo” trong đó là lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Thứ trưởng mong rằng sự kiện này sẽ trở thành hoạt động thường xuyên tại các kỳ Hội nghị của ngành tới đây.

Kết quả khảo sát do Vụ Tổng hợp Kinh tế cho thấy, nội dung chia sẻ của các Trưởng CQĐD cùng với ý kiến đóng góp của chuyên gia kinh tế, đại diện một số doanh nghiệp như VASEP, TH True Milk, FPT, Up Co-working Space hết sức cụ thể và xác đáng.

Theo Thứ trưởng, những ý tưởng, đề xuất này không chỉ làm rõ thêm những mong mỏi của các doanh nghiệp đối với ngành Ngoại giao nói chung, các CQĐD nói riêng, mà còn giúp Bộ Ngoại giao điều chỉnh, cải tiến và làm tốt hơn công tác Ngoại giao kinh tế.

Từ những trao đổi này, Thứ trưởng đưa ra một số nội dung cần nghiên cứu triển khai trong giai đoạn tới: Thứ nhất, các doanh nghiệp hãy tận dụng thế mạnh đặc thù của các CQĐD một cách “hiệu quả” nhất. Với nguồn lực có hạn, các CQĐD mong muốn mang đến sự hỗ trợ có “giá trị gia tăng lớn nhất” cho doanh nghiệp. 

Thứ hai là câu chuyện thông tin.“Thương trường là chiến trường, thông tin là vũ khí”. Hiểu rõ thế giới, nắm vững tiềm năng hợp tác, sâu sát địa bàn sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng chiến lược, kế hoạch thâm nhập thị trường hiệu quả.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phát biểu tại Tọa đàm. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Thứ ba là hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, xúc tiến và kết nối. Cách tiếp cận này sẽ giúp chúng ta sử dụng nguồn lực tối ưu hơn bởi sự hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ chủ quản, Bộ Ngoại giao, cơ quan đại diện, hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đó. Bộ Ngoại giao sẽ nghiên cứu và đẩy mạnh phương thức này trong thời gian tới. 

Thứ tư là hỗ trợ tháo gỡ khó khăn và vướng mắc. Đây là một trong những lĩnh vực doanh nghiệp trông đợi nhiều ở CQĐD. Bộ Ngoại giao sẽ nỗ lực hơn nữa để hỗ trợ doanh nghiệp, theo 2 cấp độ ở cấp độ quốc gia và ở cấp độ doanh nghiệp.

Thứ năm là tạo môi trường, khuôn khổ hợp tác, mạng lưới hậu thuẫn thuận lợi nhất cho doanh nghiệp vươn ra thế giới. Đây vẫn luôn là nhiệm vụ ưu tiên của ngành Ngoại giao, và cũng sẽ được triển khai toàn diện trên ba cấp độ: đa phương, song phương và địa phương.

Với những cách tiếp cận trên đây, Thứ trường nhấn mạnh, thời gian tới, các cán bộ Ngoại giao dù ở cương vị nào, ở trong nước hay tại CQĐD cũng sẽ “kịp thời trong tham mưu, nhanh nhạy trong hành động, đồng bộ trong triển khai” nhằm đồng hành hiệu quả cùng doanh nghiệp Việt phát triển và hội nhập quốc tế.  

Đặc biệt, nhân dịp này, Thứ trưởng đã nhấn mạnh lời cam kết của Bộ Ngoại giao. Theo đó, Đồng hành, cùng các Bộ/ngành đẩy mạnh hơn nữa nghiên cứu, đánh giá, dự báo từ đó cung cấp nhiều hơn, sát hơn thông tin về thế giới, khu vực, thị trường cho các doanh nghiệp; Quảng bá, ngành Ngoại giao nói chung, trưởng các CQĐD nói riêng sẽ thực sự thành “đại sứ” của hàng hóa, dịch vụ và con người Việt Nam; Hỗ trợ, chia sẻ, nơi đâu có CQĐD của Việt Nam, nơi đó doanh nghiệp Việt Nam sẽ được hỗ trợ.


09h30: Các diễn giả bước vào phiên thảo luận trực tiếp giữa các Đại sứ với Lãnh đạo doanh nghiệp. Các diễn giả tham gia thảo luận trực tiếp trên sân khấu gồm:

Phiên thảo luận trực tiếp giữa Đại sứ với Lãnh đạo Doanh nghiệp. (Ảnh: Nguyễn Hồng

-  Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Hà Kim Ngọc

- Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường

- Đại sứ Việt Nam tại Đức Đoàn Xuân Hưng

- Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Vũ Quang Minh

- Đại sứ Việt Nam tại Israel Cao Trần Quốc Hải

- Đại diện Hiệp hội xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) Lê Hằng

- Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam Phạm Nguyên Hạnh

- Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn TH True Milk Ngô Minh Hải

- Phó Tổng Giám đốc FPT Software, kiêm Chủ tịch FSOFT Hà Nội Nguyễn Khải Hoàn

- Chủ tịch/ Đồng sáng lập Up Co-working  Space Đỗ Hoài Nam


09h15: Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế, Bộ Ngoại giao Đoàn Phương Lan trình bày Báo cáo về kết quả điều tra nhu cầu cần được hỗ trợ của doanh nghiệp.

Bà Đoàn Phương Lan cho biết, Bộ Ngoại giao đã tiến hành bản điều tra doanh nghiệp với hình thức điều tra đa dạng trên nhiều lĩnh vực như xuất khẩu, thủy sản, cao su,… với nội dung khảo sát chia làm 5 cụm, trong đó có cụm về nhu cầu hỗ trợ thông tin, quảng bá, giải quyết vưỡng mắc.

Bà Đoàn Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế công bố  kết quả điều tra nhu cầu cần được hỗ trợ của doanh nghiệp. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Theo bà Phương Lan, kết quả điều tra cho thấy doanh nghiệp Việt Nam quan tâm nhiều tới nhu cầu thông tin và nhu cầu giải quyết vướng mắc. Về cụm nhu cầu thông tin, bà Phương Lan cho biết, các doanh nghiệp quan tâm nhiều tới các dạng thông tin về: thông tin cảnh báo biến động, phòng vệ thị trường, thông tin về tiềm năng hợp tác, nhu cầu hợp tác cụ thể, tập quán kinh doanh và thị hiếu tiêu dùng.

Thông tin về hội nhập, cam kết trong các FTA của Việt Nam, tác động của các cam kết đối với lĩnh vực, ngành hàng, thông tin xuất nhập khẩu, đầu tư, cung ứng dịch vụ cũng được doanh nghiệp chú trọng. Các doanh nghiệp quan tâm và mong các cơ quan đại diện tạo điều kiện để quảng bá hàng hóa ngay tại trụ sở cơ quan đại diện hoặc thông qua Website của Sứ quán.

Bà Phương Lan cho biết, hỗ trợ giải quyết vướng mắc được xác định là trọng tâm và được doanh nghiệp quan tâm nhiều nhất. Doanh nghiệp muốn được các cơ quan đại diện cảnh báo rủi ro tại địa bàn, giới thiệu đối tác như các công ty luật, vận động chính quyền sở tại tháo gỡ khó khăn. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng mong muốn được kết nối với cộng đồng người Việt tại nước sở tại.


08h50: Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia Việt Nam về Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương, Phó Chủ tịch Nhóm xây dựng tầm nhìn APEC sau năm 2020 tham luận về Giai đoạn mới của hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam - cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp.

Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga tham luận tại Tọa đàm. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Chia sẻ về chủ đề "Bước chuyển quan trọng của hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam: Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp”, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga cho rằng, vấn đề lớn nhất hiện nay là doanh nghiệp phải làm gì trong bối cảnh mới và ngành Ngoại giao cần phải làm gì để phục vụ hiệu quả hơn cho cộng đồng doanh nghiệp.

Theo Đại sứ, doanh nghiệp Việt Nam đã làm rất tốt và trưởng thành trong hơn 30 năm đổi mới, nhưng thời gian tới sẽ có nhiều thay đổi. Về cơ bản, hiện nay phần lớn doanh nghiệp vẫn đang tập trung vào thị trường trong nước và 10 năm tới, doanh nghiệp cần vươn ra bên ngoài. “Ba năm tới rất quan trọng, không chỉ là thời điểm kết thúc Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011- 2020, mà còn có ý nghĩa rất lớn trong việc phát triển, đổi mới đất nước và phát triển của doanh nghiệp”, Đại sứ Nguyệt Nga nhấn mạnh.

Theo đánh giá của Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, giai đoạn 2018 - 2021 sẽ là bước chuyển quan trọng hội nhập kinh tế và sẽ tác động rất mạnh đến doanh nghiệp Việt Nam cũng như công tác ngoại giao. Nếu doanh nghiệp muốn đi mạnh hơn và chủ động hơn trong thời gian tới, một trong những yêu cầu lớn là phải nhìn ra thế giới.

Có 5 xu thế, theo Đại sứ Nguyệt Nga, cơ hội và thách thức đang tạo ra rất cơ bản. Thứ nhất, nền tảng kinh tế thế giới thay đổi căn bản gắn với quá trình số hoá toàn cầu. Quá trình số hoá này gắn liền với cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 – cuộc cách mạng sâu sắc và toàn diện nhất trong số các cuộc cách mạng của nhân loại.

Về cơ cấu ngành nghề, một trong những nhân tố khiến các doanh nghiệp đang quan tâm hiện nay là những thay đổi về ngành nghề. Trong những năm tới, 60-80% nghề nghiệp sẽ thay đổi và một cuộc cách mạng nữa sẽ xuất hiện, đó là cuộc cách mạng về đào tạo nguồn nhân lực, từ cấp lãnh đạo chứ không chỉ người lao động.

Thứ hai, thế giới đang bước vào thời kỳ phát triển mới, đem lại rất nhiều cơ hội, thách thức cho các doanh nghiệp và nền kinh tế trong nước. Xu thế trong việc đổi mới doanh nghiệp cũng gia tăng trong vài năm gần nay. Doanh nghiệp cần lưu ý đến các yếu tố như đối tác ngân hàng, nhân tố xã hội… Bên cạnh đó, tính nhân văn trong việc phát triển kinh doanh và đề cao người lao động cũng rất lớn và đây là yếu tố mà các doanh nghiệp cần phải quan tâm và đẩy mạnh.

Đối với doanh nghiệp, hiện nay có hai chiều hướng trong kinh doanh mà các nước chú trọng nhiều là cách tiếp cận đa chiều trong quản trị kinh doanh, hợp tác doanh nghiệp, không chỉ đổi mới sáng tạo mà còn là vấn đề bảo mật, dữ liệu thông tin trong an ninh số hiện nay; chủ động tham gia vào xây dựng luật lệ, xử lý các vấn đề pháp lý đa chiều.

Thứ ba, sau 10 năm khủng hoảng, chu kỳ phát triển kinh tế đã bước vào một chu kỳ phát triển mới, đây là điểm thuận lợi cho các doanh nghiệp. Các trung tâm kinh tế lớn hiện nay là Nhật, Mỹ hay Trung Quốc đang phát triển vững chắc,vai trò năng động, đầu tàu của châu Á  - Thái Bình Dương được chú trọng. Ngoài những trung tâm kinh tế lớn, các cơ chế trong khu vực đang thay đổi rất mạnh, không chỉ là các diễn đàn mà còn cả các thực thể tham gia hợp tác phát triển kinh tế.

Thứ tư, theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), trong 10 nền kinh tế tiềm năng, Việt Nam là một trong bốn nước ASEAN bao gồm Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam được thế giới đánh giá là tiềm năng. Tình hình phát triển đó cũng tạo ra những xu thế mới tác động tới kinh tế, thương mại của Việt Nam. Đó là xu thế hội nhập đa tầng nấc với rất nhiều tầng cho các nước vừa và nhỏ, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có cơ hội tham gia. 

Cuối cùng, cơ chế khu vực ngày càng liên kết sâu rộng, tạo không gian cách biệt và cơ hội cho các doanh nghiệp phát triển. Thậm chí, hội nhập hợp tác liên kết ở xu thế trong 5 - 10 năm qua được chú trọng và lồng ghép vào các vấn đề quốc gia. Các cơ chế khu vực phát triển mạnh mẽ và ngày càng gia tăng thể hiện nhu cầu hợp tác lớn. Điều tác động mạnh đến các doanh nghiệp Việt Nam sẽ là sự cạnh tranh gay gắt và tính đa chiều.


08h30: Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan chia sẻ về tình hình thế giới và tác động sâu sắc của nó tới nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam. 

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhấn mạnh, thế giới đang phải đối mặt với cuộc chiến tranh thương mại đang bùng phát rất mạnh, tác động tới tất cả các quốc gia và doanh nghiệp sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng trước tiên. Ngoài cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, thế giới cũng đang phải đối mặt với nhiều cuộc chiến tranh thương mại khác nhau: Mỹ - các đồng minh của Mỹ (như Canada, Mexico…); các nước phương Tây – Nga; Mỹ - Iran...

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan phát biểu tại Toạn đàm. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

“Tình hình này đặt ra rất nhiều câu hỏi. Tính chất của cuộc chiến tranh này như thế nào? Nguyên nhân tại sao lại bùng phát như vậy và tác động của nó ra sao? Nên ứng phó thế nào?”, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đặt vấn đề.

Theo nhận định của Nguyên Phó Thủ tướng, các cuộc chiến tranh thương mại đều rất rộng về phạm vi, rộng về lĩnh vực, từ thương mại, tiền tệ, tài chính, chính trị đến khoa học - công nghệ… với những đòn rất mạnh về thương mại. Trong khi chiến tranh thương mại đang diễn ra, chiến tranh tiền tệ đã bắt đầu manh nha, có dấu hiệu đáng lo ngại, kèm theo đó là chiến tranh về chính trị, an ninh… Về địa lý, hiện tượng này đang lan ra cả 3 lục địa lớn châu Á, châu Mỹ, châu Âu.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đưa ra dự báo, những tác động đến kinh tế thế giới: GDP thế giới giảm; sự xáo động về tiền tệ, cuộc rượt đuổi về tỷ giá; giá dầu lửa lên cao tác động mạnh tới giá cả; xáo trộn trong mối quan hệ giữa đối tác, thị trường và mặt hàng; thể chế, luật lệ đa phương... đều có thể bị điều chỉnh.

Theo đó, Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã nêu rõ bốn tác động đối với Việt Nam. Trước hết, phần lớn doanh nghiệp thường chỉ quan tâm tới những vấn đề sát sườn mà không nghiên cứu tới chính sách. Đây là một thực trạng đáng lo ngại, vì vậy, doanh nghiệp nên cử người có trình độ, thuê chuyên gia tư vấn để có thông tin vĩ mô, từ đó nắm bắt được chiều hướng.

Ngoài ra, doanh nghiệp phải đề phòng những động thái có thể đưa mũi nhọn tấn công vào thị trường Việt Nam. “Nếu chúng ta không cảnh giác thì nước ngoài sẽ dùng Việt Nam như một vùng trũng để tuồn hàng sang.

Bình luận về những ý tưởng là Việt Nam nên lấp vào chỗ trống khi các bên cạnh tranh, tuy nhiên, đây cũng là một thách thức lớn và phải rất thận trọng”, Nguyên Phó Thủ tướng cảnh báo.

Cuối cùng, theo Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, thời điểm này đặt ra cho Chính phủ, doanh nghiệp câu hỏi là phải kết bạn với ai, tập hợp lực lượng như thế nào?, đây là câu chuyện nhạy cảm, tinh tế. “Thế giới biến động và chúng ta cần phải hiểu nó và tìm ra các biện pháp ứng phó thích hợp với nó”, nguyên Phó Thủ tướng nhấn mạnh.  


08h15: Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu dẫn đề về Ngoại giao phục vụ phát triển đồng hành cùng doanh nghiệp theo tinh thần Chính phủ kiến tạo.

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn phát biểu dẫn đề Toạ đàm. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Phát biểu dẫn đề Tọa đàm, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn chia sẻ, đã thành thông lệ, trước khi lên đường nhận nhiệm vụ, các Trưởng CQĐD luôn dành nhiều thời gian gặp gỡ, trao đổi để tìm hiểu những quan tâm và nhu cầu hỗ trợ của doanh nghiệp, đồng thời xây dựng mạng lưới quan hệ với các doanh nghiệp Việt đang vươn ra thế giới. Tuy nhiên, đây là dịp rất đặc biệt khi cộng đồng doanh nghiệp có thể gặp gỡ hơn 90 Đại sứ và Tổng lãnh sự của Việt Nam ở tất cả các khu vực trên thế giới.

Theo Thứ trưởng, việc hỗ trợ và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển luôn là nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình hành động của Chính phủ từ sau Đại hội Đảng XII. Nghị quyết 35 ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp và mới nhất là Nghị quyết 19 ngày 15/5/2018 về tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là minh chứng tiêu biểu nhất cho quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, lấy doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ.

Bộ Ngoại giao luôn xác định, các CQĐD cần chú trọng đóng góp thúc đẩy thương mại, đầu tư, hợp tác lao động; ưu tiên hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp hội nhập quốc tế; thường xuyên cung cấp thông tin về thị trường, chính sách phòng vệ thương mại và rào cản kỹ thuật của các nước đối với hàng hoá của Việt Nam. Đây cũng là nội dung cốt lõi khi Bộ ban hành Chương trình hành động triển khai Nghị quyết 35 của Chính phủ và xây dựng Chỉ thị 03 của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao về công tác Ngoại giao kinh tế vì mục tiêu phát triển bền vững giai đoạn 2017-2020.

“Đóng góp then chốt nhất của ngoại giao thời gian qua là duy trì và củng cố môi trường quốc tế thuận lợi cho doanh nghiệp làm ăn với các đối tác nước ngoài. Ngoại giao đã phối hợp cùng các Bộ ngành thiết lập và nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược và toàn diện với 27 đối tác, thúc đẩy đàm phán và ký kết 16 hiệp định thương mại tự do. Đây là những tiền đề chính trị, kinh tế và pháp lý đặc biệt giá trị để doanh nghiệp Việt Nam có thể kinh doanh bình đẳng, có lợi và được ưu đãi đáng kể trên thị trường quốc tế”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Đồng thời, Thứ trưởng cho biết, Bộ Ngoại giao đã chủ động tạo điều kiện để doanh nghiệp đóng vai trò chủ chốt hơn, tận dụng cơ hội để quảng bá tốt hơn trong nhiều hoạt động đối ngoại lớn. Lần đầu tiên bên lề những Hội nghị cấp cao như APEC 2017 hay Hội nghị Thượng đỉnh Tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 6, Bộ Ngoại giao đã tổ chức hai Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh, thu hút hơn 2.500 doanh nghiệp, tạo cơ hội để doanh nghiệp đối thoại với lãnh đạo các nền kinh tế trong khu vực, tìm hiểu cơ hội hợp tác và kết nối. Các chuyến thăm cấp cao cũng trở thành cơ hội để doanh nghiệp thường xuyên hiện diện, tham gia các diễn đàn kinh tế và ký kết những hợp đồng, dự án lớn, trị giá hàng trăm triệu, hàng tỉ USD.

 Chặng đường hội nhập trước mắt của đất nước sẽ còn nhiều thách thức khó lường, Thứ trưởng cho rằng, doanh nghiệp sẽ là đối tượng đầu tiên hứng chịu những rủi ro ấy. Chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, rủi ro từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và cách mạng công nghiệp lần thứ tư chỉ là ba trong số những xu thế lớn hứa hẹn sẽ tác động sâu sắc đến kinh tế Việt Nam. Chỉ riêng cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã chứa đựng nhiều hệ quả lớn mà chúng ta đang chứng kiến hàng ngày: sự phát triển của kinh tế chia sẻ (Grab, Airbnb), của thương mại điện tử, của khởi nghiệp sáng tạo, của các sản phẩm thông minh. Sự phát triển của tự động hóa đi cùng trí tuệ nhân tạo khiến ta mất lợi thế cạnh tranh trong các ngành thâm dụng nhân công giá rẻ. Năng lực xuất khẩu của đất nước càng tăng thì nguy cơ doanh nghiệp bị áp thuế, bị kiện, bị bôi nhọ cũng càng lớn.

Mặt khác, chỉ vài năm nữa, chúng ta sẽ tham gia tổng cộng 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) với 59 đối tác, và đến thời hạn thực hiện nhiều cam kết mở cửa đã ký kết. Làm thế nào để tiến lên giữa ma trận những quy định, luật lệ, ưu đãi ấy cũng là một câu hỏi lớn cho mọi doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Các đại biểu trao đổi trước thềm Tọa đàm. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Trước thực tiễn đó, Thứ trưởng chia sẻ, trong quá trình hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, bản thân Bộ Ngoại giao cũng ghi nhận được không ít khó khăn, cả khách quan lẫn chủ quan. Trước hết, nhu cầu của doanh nghiệp hết sức đa dạng. Mỗi ngành nghề đều có những đặc thù riêng, nhưng trong cùng một ngành nghề, giữa các vùng miền, giữa khu vực tư nhân và nhà nước, giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ, nhu cầu cũng rất khác nhau và không dễ đáp ứng.

Đó có thể là hỗ trợ xúc tiến, có thể là cung cấp thông tin, có thể là tư vấn pháp lý, có thể là giới thiệu đối tác, cũng có khi là hỗ trợ thủ tục xuất nhập cảnh. Vậy nên để chuẩn bị cho tọa đàm này, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các hiệp hội ngành thực hiện một cuộc khảo sát nhằm tìm hiểu, thống kê và đánh giá tổng quát nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp. Kết quả cuộc khảo sát sẽ được công bố sau đây.

“Rõ ràng, trong bối cảnh mới, nhu cầu của doanh nghiệp sẽ nhiều hơn, phức tạp hơn và cũng khó đáp ứng hơn. Mục tiêu của tọa đàm hôm nay, vì vậy, là tìm ra công thức tối ưu để các cơ quan đại diện có thể thật sự kề vai sát cánh cùng doanh nghiệp”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Trên tinh thần ấy, Thứ trưởng mong muốn Tọa đàm có thể giải đáp ba câu hỏi sau: thứ nhất, Bộ Ngoại giao cần đổi mới phương thức làm việc ra sao, tập trung vào những nội dung gì, để tối ưu hóa hiệu quả hỗ trợ? Nói đơn giản là làm sao để bằng nguồn lực ít nhất mà giúp được nhiều nhất cho doanh nghiệp. 

Thứ hai, doanh nghiệp cần làm gì để tự nâng cao nhận thức, tự trang bị kỹ năng và thông tin cho mình? Như vậy cũng là cách giúp công tác hỗ trợ của cơ quan đại diện thuận lợi hơn, dễ dàng hơn.

Thứ ba, hai bên cần thiết lập cơ chế trao đổi thông tin, mô hình phối hợp như thế nào để mạng lưới cơ quan đại diện và cộng đồng doanh nghiệp trở thành hai đối tác chiến lược đáng tin cậy, đồng hành trên con đường phát triển bền vững của đất nước.


 Tham  gia buổi Tọa đàm có Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia Việt Nam về Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương, Phó Chủ tịch Nhóm xây dựng tầm nhìn APEC sau năm 2020, hơn 100 Đại sứ, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại nước ngoài, khoảng 100 đại biểu đại diện các Bộ, ngành, địa phương và hơn 300 đại biểu là đại diện Hiệp hội và doanh nghiệp.

Toàn cảnh buổi Tọa đàm. (Ảnh: Tuấn Anh)

Người ta thường nghĩ, ngoại giao là lễ tân, đón tiếp, hay tổ chức các sự kiện ngoại giao… Trên thực tế, trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, ngoại giao đã đóng góp vào quá trình thiết lập khung khổ pháp lý, cơ chế hợp tác cho quan hệ kinh tế cùng có lợi với các nước, vùng lãnh thổ và các thể chế kinh tế khu vực và quốc tế. Cùng với một số Bộ, ngành, Ngoại giao đã đi sâu nghiên cứu về cơ cấu tổ chức, tôn chỉ, mục đích và sự vận hành của các thể chế kinh tế khu vực và quốc tế, từ đó đề xuất các chủ trương, chính sách thích hợp nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế đối ngoại và toàn bộ tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Khi các doanh nghiệp Việt Nam chủ động kết nối, đàm phán, xây dựng cơ chế riêng của mình đối với các đối tác thương mại, thì các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài cũng có nhiệm vụ rất quan trọng, nếu như không muốn nói là cầu nối duy nhất của nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng như nước ngoài khi mong muốn hợp tác sản xuất, kinh doanh, đầu tư.

Về những đóng góp của ngành ngoại giao trong phát triển kinh tế đất nước, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế, Bộ Ngoại giao Nguyễn Văn Thảo khẳng định, ngoại giao Kinh tế đã góp phần kiến tạo những điều kiện cần cho chuyển tiếp kinh tế Việt Nam trong giai đoạn phát triển tới, đặc biệt là việc duy trì giá trị cốt lõi của thương mại, đầu tư tự do và mở, ủng hộ cho hệ thống thương mại đa phương. Việt Nam đang tích cực thực hiện công cuộc Cách mạng 4.0 xây dựng một xã hội phát triển và văn minh. Ngoại giao càng trở nên quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế quốc tế, đóng góp thực chất và hiệu quả cho nền kinh tế Việt Nam.

Các đại biểu dự Hội nghị. (Ảnh: Tuấn Anh)

Theo kế hoạch, sau khi kết thúc phiên Tọa đàm, Ban tổ chức sẽ bố trí các bàn làm việc để Doanh nghiệp và các Trưởng Cơ quan Đại diện các nước trực tiếp kết nối, trao đổi các vấn đề quan tâm của doanh nghiệp và hướng hỗ trợ của các Cơ quan đại diện tại nước sở tại. Buổi kết nối sẽ được chia theo 4 khu vực: châu Á – Thái Bình Dương, châu Âu, châu Mỹ, Trung Đông – châu Phi. 

Duy trì và kiến tạo môi trường hòa bình, thuận lợi phục vụ phát triển luôn là nhiệm vụ chủ chốt, lâu dài của ngành ngoại giao từ những ngày đổi mới. Trong giai đoạn 2016-2018, để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ ấy, Bộ Ngoại giao đã xây dựng cách tiếp cận mềm dẻo, linh hoạt với bốn trọng tâm:

- Nỗ lực mở rộng và nâng cấp mạng lưới đối tác chiến lược và toàn diện, tranh thủ hiệu quả các chuyến thă cấp cao để thúc đẩy hợp tác kinh tế;

- Phát hiện, cảnh báo, tích cực xử lý các vướng mắc, giảm thiểu bất đồng, đưa quan hệ với các đối tác phát triển ổn định, cân bằng, lành mạnh và đi vào chiều sâu;

- Kiện toàn và nâng cao hiệu quả của những cơ chế hợp tác song phương (các Ủy ban liên chính phủ, Ủy ban hỗ hợp);

- Thúc đẩy đàm phán, hoàn tất và ký kết nhiều FTA thế hệ mới như CP-TPP, EVFTA, RCEP… để chiếm lĩnh vị trí thuận lợi và duy trì động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.