📞

Trung Đông: Đấu trường cạnh tranh giữa Mỹ - Pháp?

10:57 | 22/05/2017
Mối quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo “mới vào nghề” - tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump có ý nghĩa quan trọng đối với hợp tác xuyên Đại Tây Dương và cả với Trung Đông. Ông Macron và ông Trump sẽ hợp tác, đối đầu hay kiềm chế sự khác biệt giữa họ?  

Ông Macron chính thức tuyên bố ứng cử chỉ 1 tuần sau khi ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ. Thay đổi lớn này ở Mỹ, cũng như sự xuất hiện của Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu) đã trở thành lời kêu gọi thức tỉnh trên chính trường Pháp và khiến người dân nước này bắt đầu tranh cãi để tìm ra một ứng cử viên phù hợp nhằm đánh bại đối thủ cực hữu Marine Le Pen.

Do đó, chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp của ông Macron là sự phản bác của người Pháp đối với làn sóng chủ nghĩa dân túy và chống toàn cầu hóa ở London và Washington. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên mà đời sống chính trị ở cả Pháp và Mỹ vừa đan xen chặt chẽ vừa phân cực một cách công khai.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (bên trái) và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron. (Nguồn: New York Post)

Quan hệ giữa Mỹ và Pháp đã ở mức thấp trong giai đoạn 2003-2008 do sự phản đối của Tổng thống Jacques Chirac đối với cuộc chiến ở Iraq của Mỹ dưới thời Tổng thống George W Bush. "Tuần trăng mật" giữa hai Tổng thống Nicolas Sarkozy và Barack Obama cũng ngắn ngủi, và trong 8 năm qua, Mỹ đã ủng hộ Đức làm đối tác chính ở châu Âu. Trong khi đó, Tổng thống Trump từng khiến Pháp khó chịu vì cho rằng “Paris không còn là Paris” sau những vụ tấn công khủng bố của các phần tử Hồi giáo cực đoan.

Điểm đồng và khác biệt

Điểm chung giữa ông Macron và ông Trump là nền tảng kiến thức về kinh doanh. Cả hai đều là những nhà lãnh đạo phi truyền thống, phi lý tưởng và là những người tuyên bố lãnh đạo một phong trào. Là người theo đường lối trung dung độc lập, ông Macron vừa quan tâm đến các vấn đề xã hội vừa quan tâm đến những vấn đề kinh tế. Thách thức ở đây là liệu những khác biệt về thương mại và biến đổi khí hậu có làm suy yếu sự hợp tác giữa hai nước về mặt đối ngoại và các vấn đề ở khu vực Trung Đông?

Ngày 19/5, tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tới thành phố Gao, miền Bắc Mali để thăm các binh sỹ Pháp đang đóng quân tại quốc gia Tây Phi bất ổn này trong chuyến công du chính thức đầu tiên của ông kể từ khi nhậm chức. (Nguồn: Le Monde)

Ông Macron muốn Pháp là một nước "độc lập, nhân đạo, mang sức mạnh châu Âu", trong khi ông Trump giương cao khẩu hiệu "nước Mỹ trước tiên" và ủng hộ quyền lực cứng. Tuy nhiên, cả hai nhà lãnh đạo đều thận trọng tránh xung đột và chiến tranh. Sau Brexit, Pháp trở thành thành viên EU duy nhất nắm giữ quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ). Theo nhà phân tích chính sách Joe Macaron, điều này mang lại cho Paris vị thế cao hơn nhưng đôi khi có thể dẫn đến bất đồng với Washington. “Ông Macron tin rằng các nước lớn ở châu Âu nên lấp đầy khoảng trống quyền lực khi Mỹ dần rút khỏi các vấn đề của thế giới. Do đó, Pháp sẽ quan tâm đến hợp tác Mỹ - Nga và thậm chí thách thức quan hệ này khi cần thiết”, chuyên gia Joe Macaron nhận định.

Mặc dù ông Macron tin vào "logic xây dựng hòa bình" chứ không phải là "logic của sự can thiệp", ông cũng có xu hướng sử dụng sức mạnh quân sự khi cần thiết. Tân Tổng thống Pháp đã tuyên bố ủng hộ can thiệp quân sự vào Syria dưới sự bảo trợ của LHQ sau cuộc tấn công hóa học ở Khan Sheikhoun, thay vì đề xuất hướng “tiếp cận cân bằng” trong vấn đề Syria như hồi đầu năm.

Hợp tác Pháp – Mỹ ở Trung Đông

Vẫn còn quá sớm để đánh giá chính sách đối ngoại của Macron, nhưng ông nhận được sự hỗ trợ rộng rãi từ chính quyền tiền nhiệm. Ông Macron có quan điểm gần với chính quyền Mỹ hiện nay khi cho rằng việc lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad không phải là điều kiện tiên quyết cho mọi động thái ở Syria. Trọng tâm của ông là hợp tác với Mỹ để chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và al-Qaeda, trong khi cố gắng đảm bảo vai trò của Pháp trên bàn cờ thay vì để Washington và Moscow dẫn dắt cuộc chơi.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc gặp song phương với Quốc Vương Saudi Arabia Salman ngay sau khi đặt chân đến thủ đô Riyadh sáng 20/5, trong khuôn khổ chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi ông Trump trở thành chủ nhân Nhà Trắng. (Nguồn: The New York Times)

Giống như cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, tân Tổng thống Pháp không có lập trường rõ ràng đối với Thổ Nhĩ Kỳ và muốn đối xử bình đẳng với Iran và Saudi Arabia. Ông Macron có vẻ không dành nhiều sự quan tâm tới các quốc gia vùng Vịnh, khác với hai người tiền nhiệm François Hollande và Nicolas Sarkozy. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trong tương lai, ông Macron có thể sẽ thành công trong việc mang lại lợi ích kinh tế cho nước Pháp từ các quốc gia vùng Vịnh và Iran.

Bên cạnh đó, mục tiêu của tân Tổng thống Pháp là tập trung vào các sứ mệnh ở Bắc Phi, Sahel và châu Phi cận Sahara. Ông Macorn cho rằng, Libya là đất nước của khủng hoảng tị nạn và khủng bố. Điều này có thể sẽ khiến Pháp tăng cố vấn quân sự ở khu vực do phe của tướng Khalifa Haftar kiểm soát, đồng thời khuyến khích phe này hợp tác với Thủ tướng Libya Fayez al-Sarraj. Trong chiến dịch tranh cử, ông Macron đã mô tả quá khứ thuộc địa Pháp là "dã man". Điều này tạo lợi thế cho Paris trong việc tái khẳng định sức ảnh hưởng ở Bắc Phi, nơi vai trò của Washington được cho là sẽ suy giảm dưới chính quyền Tổng thống Trump.

(theo al-Jazeera)