Theo Ngoại trưởng Vương Nghị, quan hệ Trung – Nhật đã quay trở lại quỹ đạo tốt đẹp và đạt được những thành quả mới nhờ những nỗ lực chung của các nhà lãnh đạo và nhân dân hai nước. Đối thoại kinh tế cấp cao Trung – Nhật lần thứ tư, được tái khởi động hồi tháng 4/2018 sau 8 năm gián đoạn, đã tạo điều kiện thuận lợi cho giao lưu chính sách và hợp tác thực chất.
Theo người đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc, hai bên cần phải giữ vững sự đồng thuận mà lãnh đạo hai nước đã đạt được và cùng xây dựng các mối quan hệ kinh tế song phương để đáp ứng những yêu cầu của thời đại mới. Trung Quốc và Nhật Bản cần phải đạt được sự tiến triển vững chắc trong công tác thúc đẩy đầu tư song phương và hợp tác thương mại, cùng xây dựng Vành đai và Con đường, đồng thời tích cực tìm kiếm sự hợp tác thị trường bên thứ ba cũng như hợp tác giữa các địa phương.
Ngày 14/4, Ủy viên Quốc vụ, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono đã chủ trì đối thoại kinh tế cấp cao lần thứ 5 tại Bắc Kinh. (Nguồn: AP) |
Ông Vương Nghị cũng kêu gọi củng cố các kết quả hợp tác trong những lĩnh vực như bảo tồn năng lượng và bảo vệ môi trường, sáng tạo khoa học và kỹ thuật, chế tạo công nghệ cao, tài chính, kinh tế chia sẻ, chăm sóc sức khỏe và chăm sóc người cao tuổi; nhấn mạnh Trung Quốc và Nhật Bản cần phải thực hiện những nỗ lực chung nhằm thúc đẩy tự do và tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại và đầu tư, bảo vệ môi trường kinh doanh công bằng, bình đẳng và không phân biệt đối xử, đẩy mạnh các cuộc đàm phán về hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và hiệp định thương mại tự do Trung Quốc – Nhật Bản – Hàn Quốc, bảo vệ chủ nghĩa đa phương và cơ chế thương mại tự do.
Về phần mình, Ngoại trưởng Nhật Bản cho rằng, hợp tác kinh tế luôn là một nền tảng quan trọng và là lực lượng dẫn dắt các mối quan hệ Nhật – Trung. Đối mặt với tình trạng bất ổn nghiêm trọng trên toàn cầu, hai bên cần hợp tác bảo vệ cơ chế thương mại đa phương dựa trên pháp luật.
Trong cuộc đối thoại, các nhà lãnh đạo cấp cao hai nước trong lĩnh vực ngoại giao và kinh tế đã trao đổi các quan điểm và đạt được một loạt sự nhất trí về các chính sách kinh tế vĩ mô, hợp tác và trao đổi kinh tế song phương, hội nhập kinh tế khu vực và quản lý kinh tế toàn cầu.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nhật Bản Takeshi Osuga tại cuộc họp báo đêm ngày 14/4, trong cuộc đối thoại trên, phái đoàn Tokyo cũng đã đưa ra hai vấn đề trọng tâm trong các mâu thuẫn thương mại Trung – Mỹ gồm ép buộc chuyển giao công nghệ và bản quyền sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, phía Trung Quốc lưu ý các hoạt động của công ty Huawei tại Nhật Bản đã bị ảnh hưởng bởi một số chính sách nhất định. Về vấn đề này, ông Kono đã trả lời rằng, Tokyo chưa bao giờ thực hiện bất kỳ chính sách nào nhằm mục đích loại bỏ bất cứ doanh nghiệp hoặc sản phẩm nào.
Cũng theo Ngoại trưởng Kono, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có thể thăm Nhật Bản trong năm 2019 khi nước này tổ chức hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) tại thành phố Osaka. Nếu được xác nhận, đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của ông Tập Cận Bình tới Nhật Bản, kể từ khi lên nắm quyền lãnh đạo Trung Quốc, năm 2013.