📞

Trùng phùng giữa sóng gió Trường Sa. Ghi chép của phóng viên TG&VN.

Nguyễn Hồng 08:00 | 26/06/2019
TGVN. Sau gần 2 ngày rẽ sóng hướng ra Trường Sa là những giây phút vỡ òa cảm xúc của những cuộc gặp gỡ sau bao ngày xa cách. Những tiếng gọi “mẹ ơi” bật lên hòa trong tiếng cười và cả những giọt nước mắt cùng những cái ôm thật chặt…. 
Chị Bùi Thị Ngần nước mắt trào dâng khi chia tay con. (Ảnh: NH)

Tôi may mắn có mặt trên chuyến tàu HQ-571 chở Đoàn công tác số 15 cùng 116 thân nhân các chiến sĩ đang canh giữ biển đảo thiêng liêng của tổ quốc. Đoàn công tác do Phó Chủ nhiệm chính trị Vùng 4 Hải quân Đại tá Nguyễn Văn Thắng làm trưởng đoàn. Trên chuyến tàu ấy, tôi đã có dịp trò chuyện với những người cha, người mẹ, được chứng kiến những phút hội ngộ rồi chia ly thật xúc động.

Cuộc gặp sau 11 năm

Trong các cuộc trò chuyện với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Sáu và chị Bùi Thị Ngần không giấu nổi xúc động, luôn nhắc đi nhắc lại “Tôi không nghĩ mình sẽ được gặp con ở giữa Trường Sa thế này”.

Chị Nguyễn Thị Sáu từ Bắc Ninh đến quân cảng Cam Ranh và cùng những cha mẹ, vợ của những cán bộ, chiến sĩ khác lên đường mang hơi ấm, tình mẫu tử thiêng liêng từ đất liền đến hải đảo xa xôi. Chị Nguyễn Thị Sáu có con là Tô Văn Tuyên, nhập ngũ từ tháng 7/2018 và hiện đang là chiến sĩ trên đảo Trường Sa lớn. Năm Tuyên 9 tuổi, chị Sáu đã phải rời xa chồng con để sang Hàn Quốc lao động vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Tháng 9/2018, chẳng may chồng bị bệnh nặng, chị quyết định trở về quê để chăm sóc anh.

Chị Sáu nhớ lại ngày Tuyên quyết định nhập ngũ và chọn ra đảo mặc dù đã thi đỗ Đại học Nông nghiệp, chị vừa mừng vừa tủi. Mừng vì Tuyên có có cơ hội được đến làm nhiệm vụ tại Trường Sa, nơi tuyến đầu của Tổ quốc, góp sức trai trẻ của mình để bảo vệ biển đảo quê hương và sẽ trưởng thành hơn. Nhưng tủi vì hôm đó, chị chẳng thể tiễn con lên đường nhập ngũ.

Chị Sáu kể, trước ngày lên tàu đi thăm con trai, chị nôn nao cả đêm không chợp mắt được, chỉ mong sao thời gian trôi nhanh để có thể sớm đến Trường Sa, để gặp con sau 11 năm nghìn trùng xa cách.

Vài phút trước khi tàu cập cảng Trường Sa lớn, tất cả thân nhân tràn ra dọc mạn tàu, hướng tầm mắt về phía đảo. Chỉ ít phút nữa, họ - những hậu phương vững chắc ấy sẽ được ôm “tiền tuyến” vào ngay lòng mình giữa biển trời mênh mông sóng vỗ. Bên tai, từng con gió vẫn rít lên từng hồi.

Chị Sáu đứng sát mép tàu, tay giữ chắc túi quà mang theo cho con trai, mắt không rời đảo một giây phút nào. Tàu cập cảng. Bên mạn tàu, chị Sáu đưa mắt tìm kiếm con. Trong khi những người vợ đã gặp chồng, cha mẹ đã gặp con thì chị Sáu vẫn chưa nhìn thấy con. “Tôi nhìn mãi mà chẳng thấy con đâu”, chị Sáu nghẹn ngào.

Tàu cập cảng. Trời nắng nóng, nhưng chẳng thể nào nóng như lòng chị Sáu. Chị Sáu không khỏi sốt sắng, đi lên rồi lại đi xuống khắp cầu cảng. “Tôi đi khắp cầu cảng chẳng thấy đâu, hết đi lên rồi lại đi xuống, tìm khắp nơi mà vẫn chẳng thấy con đâu”.

Mắt chị Sáu mờ đi vì nước mắt cứ thế trào ra. Đứng giữa đường băng rộng lớn trên đảo, chị Sáu hết nhìn trước rồi lại nhìn sau, giữa cái nắng nóng nơi hải đảo, chị Sáu mong nghe một tiếng gọi “Mẹ” từ con trai.

“Mẹ ơi”! Một người lính rắn rỏi cất tiếng gọi mẹ. Là Tuyên! Mắt chị Sáu ầng ậc nước. Hai mẹ con ôm chầm lấy nhau, mừng mừng tủi tủi.

“Lần cuối cùng tôi ôm nó là lúc nó 9 tuổi khi tôi bắt đầu đi xuất khẩu lao động, bây giờ nó đã 20 tuổi rồi, nhưng sao tôi vẫn thấy nó như một đứa trẻ trong lòng tôi vậy. Tình cảm mẹ con lúc đó sao mà dạt dào, thiêng liêng”, chị Sáu không giấu nổi xúc động.

Mỗi lần mẹ con nói chuyện qua điện thoại, chị Sáu đều nghẹn ngào nhưng vẫn động viên Tuyên chuyên tâm công tác, dù vất vả, khó khăn nhưng phải luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, huấn luyện tốt.

Đợt đó, chị Sáu có 10 ngày được ở bên con trai sau 11 năm chỉ “gặp” con qua điện thoại. Trên chuyến tàu ra thăm đảo, chị Sáu tận mắt nhìn thấy một phần đất nước mình. Giữa biển cả mênh mông đảo nổi lên, những con người nơi đây hiên ngang giữa đất trời, cùng nhau sinh sống, cùng nhau làm nhiệm vụ canh giữ biển đảo thiêng liêng của tổ quốc, tăng gia sản xuất.

Chị Nguyễn Thị Sáu chia tay con trai Tô Văn Tuyên. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Đảo là nhà

Cuộc chia tay giữa chị Ngần và con trai trên cầu cảng khiến tôi không thể rời đi. Khi tiếng loa cất lên gọi tên từng thân nhân trở lại tàu, chị Bùi Thị Ngần bỗng bật khóc nức nở, nắm chặt áo con trai.

Chị Ngần từ Quảng Ninh ra thăm con Nguyễn Ngọc Nam (20 tuổi) là chiến sĩ đảo Trường Sa lớn. “Mong mãi mới tới ngày ra gặp con, mà sao thấy 10 ngày trôi qua nhanh quá”, chị Ngần vừa bước lên tàu vừa nói trong nước mắt.

Những ngày trước đó, chị Ngần tham gia vào những cuộc đón, tiễn các đoàn công tác thăm đảo. Khi ấy, chị thấy mình như là một phần máu thịt của đảo, cùng chiến sĩ, người dân hô vang “chúng tôi yêu đất liền” và rồi nhận lại tình cảm từ “đất liền yêu hải đảo, nhiều hơn, nhiều hơn và nhiều hơn nữa”. Nhưng hôm nay, chị Ngần lại là những người lên tàu, về đất liền. Trong cảm xúc ấy, chị Ngần thấy “đảo như là nhà”.

Chị Ngần nghẹn ngào nói về ngày chia tay: “Tôi thấy mình không còn một vị khách chia tay đảo, mà là một người sắp xa nhà thì đúng hơn, chỉ tạm xa những đứa con, những chiến sĩ, người dân trên đảo”.

Nhớ lại 10 ngày sống trên đảo, chị Ngần không thể quên được lễ chào cờ mỗi khi có đoàn công tác ra thăm đảo. Giữa đường băng nóng như đổ lửa, những khuôn mặt nghiêm nghị, sạm đen nắng gió cất lời hát hào hùng, mạnh mẽ như có thép, truyền lửa từ quân dân trên đảo sang người ở đất liền. Cờ Tổ quốc đỏ tươi bay giữa bầu trời Trường Sa xanh ngắt mới đẹp và thiêng liêng đến nhường nào.

Dự lễ chào cờ, trong lòng chị Ngần trào dâng những cảm xúc mãnh liệt khó gọi thành tên. “Tôi xúc động quá, không hát hết câu, bởi đó thật sự là khoảnh khắc thiêng liêng nhất trong cuộc đời tôi”. Có lẽ sự thiêng liêng ấy đã không còn trừu tượng nữa, mà đã hiện hữu cụ thể, sống động trong nhịp đập trái tim, hơi thở của quân dân từ hải đảo đến đất liền.

Sau chuyến đi này, chị Ngần lại có thêm những người con là lính đảo. Những chàng lính trẻ không có gia đình ra thăm lần này cứ gặp chị và những người cha người mẹ khác lại “con chào bố”, “con chào mẹ”. “Chia tay rồi tôi nhớ và thương chúng như thương con trai tôi vậy”, chị Ngần tâm sự

Ngày chia tay, những chàng lính trẻ tất tả chạy ra và nói “Bố mẹ ơi, chúng con vừa xong việc là lập tức ra tiễn bố mẹ luôn đây”. Giây phút ấy khiến chị Ngần và những cha mẹ khác muốn ôm tất cả vào lòng như con ruột.

Có lẽ, đây là lần duy nhất chị Ngần được trải nghiệm sống trong quân ngũ cùng con và đồng đội, rồi cùng chứng kiến những khó khăn, khắc nghiệt của thời tiết, những thiếu thốn mà những người lính ở nơi đầu sóng ngọn gió phải vượt qua.

10 ngày qua chứng kiến con trong quân ngũ trưởng thành, chững chạc hẳn lên khiến một người mẹ ấy yên tâm và tự hào lắm. Chị Ngần nhớ về những ngày đầu khi con trai quyết định đi ra đảo. Chị ủng hộ đầu tiên và mong con, khi còn trẻ, cứ làm điều mình muốn, đóng góp được gì cho xã hội thì hãy hết mình, sau này nhất định sẽ không bao giờ hối tiếc về một phần tuổi trẻ ấy. Bởi lẽ đó mà Nam cũng như những đồng đội trẻ khác, đã có một tuổi trẻ đáng hãnh diện và tự hào.

Tàu rời cảng, hình bóng các chiến sĩ mờ dần, chị Ngần vội chạy qua mạn bên kia con tàu để kịp nhìn lại đảo, tay vẫn không ngừng vẫy chào.