Sản xuất tại các nhà máy không đạt mục tiêu là một trong những yếu tố làm giảm tăng trưởng Trung Quốc. (Nguồn: Reuters) |
Cải tổ các DNNN hoạt động kém hiệu quả hiện là một trong những nhu cầu cấp bách nhất của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Nhưng nếu xử lý không tốt, việc tái cơ cấu có thể dẫn đến bất ổn xã hội và hàng trăm ngàn người bị thất nghiệp. Theo Tân Hoa xã, các hướng dẫn (được ban hành bởi Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản và Hội đồng Nhà nước và Chính phủ Trung Quốc) bao gồm các kế hoạch làm trong sạch và sát nhập một số DNNN; triển khai tư nhân hóa; và "các kết quả quyết định" được dự kiến sẽ đưa ra vào năm 2020. Theo đó, Chính phủ sẽ không ép buộc doanh nghiệp phải có đa thành phần, cũng không đưa ra thời hạn và chỉ cho phép các công ty thực hiện khi các điều kiện chín muồi.
"Cuộc cải cách này sẽ nâng cao động lực cho nền kinh tế và giúp tăng trưởng bền vững hơn", Xu Hongcai, Giám đốc bộ phận nghiên cứu kinh tế tại Trung tâm Trao đổi Kinh tế Quốc tế (CCIEE) cho biết.
Cũng theo Tân Hoa Xã, việc cho phép tư nhân hóa một phần sẽ giúp thiết lập "kiểm tra và cân bằng các hệ thống được khuyến khích" tại các DNNN. Chính phủ Trung Quốc hiện quản lý hơn 100 doanh nghiệp thông qua Ủy ban giám sát và Quản trị tài sản Nhà nước (SASAC). Chính quyền địa phương sở hữu và quản lý khoảng 25.000 DNNN và sử dụng gần 7,5 triệu lao động.
DNNN sẽ được phép đưa vào "các nhà đầu tư khác nhau" để giúp đa dạng hóa việc sở hữu cổ phần và niêm yết trên thị trường chứng khoán, Tân Hoa Xã cho biết. Các nhà đầu tư tư nhân được khuyến khích mua cổ phần, cổ phần chuyển đổi và trái phiếu chuyển đổi phát hành bởi các DNNN... Những bước cải cách này sẽ được giám sát chặt chẽ để hạn chế tham nhũng.
Các DNNN sẽ được phân loại thành các doanh nghiệp thương mại và doanh nghiệp phúc lợi công. Dầu khí, điện, đường sắt và viễn thông được xác định là những lĩnh vực thích hợp cho đầu tư phi nhà nước. Tuy nhiên, Bắc Kinh sẽ phải thuyết phục nhiều nhóm lợi ích, từ cấp trung ương đến địa phương, từ bỏ một số kiểm soát đối với các DNNN và thu hút các nhà đầu tư mua cổ phiếu.
Việc tư nhân hóa hoàn toàn không có trong chương trình cải tổ và chính phủ nước này đang hướng đến "nuôi dưỡng một số lượng lớn các DNNN trụ cột có khả năng sáng tạo và cạnh tranh quốc tế". Kế hoạch trên cũng đặt ra yêu cầu phải có một hệ thống trả công linh hoạt và dựa trên cơ chế thị trường tại các DNNN, thông qua kiểm soát lương với kết quả hoạt động của công ty.
Chi tiết của kế hoạch cải tổ đã được ban hành sau khi Chính phủ Trung Quốc thông báo tăng trưởng trong đầu tư và sản lượng sản xuất tại các nhà máy không đạt được mục tiêu dự báo của tháng Tám. Những yếu tố này, cộng với các số liệu thương mại và lạm phát yếu, càng làm tăng nguy cơ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm xuống dưới 7% trong quý III năm nay.
Lệ Chi (theo Reuters)