Theo thông báo của hội nghị thường niên quan trọng nhất của Trung Quốc về công tác kinh tế, sự hỗ trợ tài chính cho các lĩnh vực và dự án lớn sẽ được đảm bảo trong khi giảm chi thường xuyên.
Giáo sư kinh tế Zhao Xijun tại Đại học Nhân dân Trung Quốc cho biết, so với các năm trước, khi chính sách tài khóa chủ động cũng được thực thi, ưu tiên cho năm 2018 sẽ là đầu tư cho các khâu như giáo dục, y tế, an sinh xã hội và dịch vụ công.
Nợ của các chính quyền địa phương ở Trung Quốc tăng vọt trong "cơn sốt" đầu tư và xây dựng sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. (Nguồn: Visual China) |
Vị giáo sư này cho rằng, nên tăng đầu tư cho đổi mới và doanh nghiệp cũng như các ngành công nghiệp mới để gia tăng khả năng cạnh tranh chiến lược của quốc gia.
Theo nhà kinh tế trưởng của Industrial Bank, Lu Zhengwei, đầu tư cho cơ sở hạ tầng trong năm 2018 được cho là sẽ giảm, trong khi đầu tư cho các dự án môi trường và giảm nghèo sẽ tăng.
Do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã khiến Chính phủ Trung Quốc phải chi một số tiền lớn để ngăn chặn rủi ro, lợi nhuận và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp giảm trong gần một thập niên.
Các nhà phân tích tin rằng, chính sách tài khóa tập trung nhiều hơn vào phân phối thu nhập và huy động nguồn lực xã hội trong năm tới sẽ thúc đẩy hơn nữa chất lượng và sự bền vững trong tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.
Thêm vào đó, theo thông báo của hội nghị, các biện pháp cụ thể sẽ được thực hiện nhằm tăng cường quản lý nợ công. Nợ của các chính quyền địa phương ở Trung Quốc tăng vọt trong "cơn sốt" đầu tư và xây dựng sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Nhận thức rõ về rủi ro này, các nhà chức trách đã tiến hành một loạt các biện pháp để giảm gánh nặng nợ. Nợ chưa thanh toán của các chính quyền địa phương ở mức 15.860 tỷ NDT (2.400 tỷ USD) tính đến ngày 30/6, tăng nhẹ so với mức 15.320 tỷ NDT vào cuối năm 2016, nhưng ở dưới mức trần 18.820 tỷ NDT mà Chính phủ đề ra.
Về chính sách tiền tệ, Trung Quốc sẽ vẫn duy trì chính sách trung lập và thận trọng trong năm tới, duy trì thanh khoản thích hợp nhưng tránh bơm quá nhiều. Hội nghị công tác kinh tế trung ương năm 2016 đã đề ra chủ trương thực hiện chính sách này trong năm 2017, trong khi cải thiện các cơ chế giúp duy trì thanh khoản ổn định.
Ông Lu Zhengwei cho rằng, so với năm 2017, Trung Quốc quyết tâm hơn trong việc thực hiện chính sách trung lập và thận trọng trong năm 2018, coi đó là một ưu tiên để ngăn chặn những rủi ro tài chính.
Trung Quốc đã duy trì chính sách tiền tệ thận trọng kể từ năm 2011. Tuy nhiên, việc thực hiện được nới lỏng hơn do sức ép suy giảm trong tăng trưởng kinh tế.
Khi tình hình nền kinh tế tiếp tục được cải thiện, các nhà hoạch định đã thông báo duy trì chính sách trung lập và thận trọng trong năm 2018.
Theo các nhà phân tích, sự chuyển hướng đó cho thấy Trung Quốc sẽ có hướng thắt chặt chính sách tiền tệ nếu cần kiểm soát bong bóng tài sản hay giảm thiểu rủi ro tài chính.