📞

Trung Quốc ‘giáng đòn đau’, Australia không hề lo sợ

Linh Chi 08:15 | 04/06/2021
Những biện pháp trừng phạt kinh tế mà Trung Quốc áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Australia không gây thiệt hại như dự báo, bởi Australia đã tìm được "bến đỗ" mới cho hàng hóa của mình.
Trung Quốc đã áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt kinh tế cho Australia trong một năm qua. (Nguồn: DW)

Căng thẳng giữa Trung Quốc-Australia đã tăng vọt trong những tháng gần đây và xấu đi đáng kể sau khi Canberra ủng hộ sáng kiến mở một cuộc điều tra độc lập liên quan đến nguồn gốc của đại dịch Covid-19 và cách xử lý của Bắc Kinh.

Kể từ đó, Trung Quốc đã thực hiện hàng loạt biện pháp hạn chế hàng nhập khẩu của Australia, từ áp dụng thuế quan đến áp đặt các lệnh cấm và hạn chế khác. Điều đó đã ảnh hưởng đến hàng hóa của Australia bao gồm lúa mạch, rượu vang, thịt bò, bông và than đá.

Theo Viện Lowy có trụ sở tại Australia, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Australia và quốc gia này sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi các lệnh hạn chế.

Tuy nhiên, trái ngược với hầu hết các dự báo, Canberra đã cố gắng kiềm chế thiệt hại bằng cách chuyển hướng nhiều mặt hàng xuất khẩu sang các quốc gia khác.

Roland Rajah, nhà kinh tế hàng đầu tại Viện Lowy nhận định: “Xuất khẩu sang Trung Quốc có thể bị suy giảm trong các lĩnh vực bị trừng phạt, nhưng phần lớn các mặt hàng này đã tìm được 'bến đỗ' tại thị trường mới".

Cơ hội mới tại những thị trường mới

Than là một trong những mặt hàng phát triển mạnh, bất chấp lệnh cấm của Trung Quốc.

Nhà kinh tế Rajah cho biết, các nhà xuất khẩu than của Australia dường như đã khá thành công trong việc chuyển hướng sang các thị trường khác. Ban đầu, than xuất khẩu sang các thị trường chỉ tăng nhẹ do Trung Quốc lần đầu tiên giảm nhập khẩu than vào giữa năm 2020. Tuy nhiên, đến tháng 10/2020, xu hướng này tăng nhanh khi Trung Quốc nhắm mục tiêu cụ thể vào than Australia.

"Các nhà xuất khẩu than của Australia dường như đã khá thành công trong việc chuyển hướng sang các thị trường khác". - Roland Rajah, nhà kinh tế hàng đầu tại Viện Lowy.

Vào tháng 1/2021, xuất khẩu than của Australia sang phần còn lại của thế giới đã tăng 9,5 tỷ USD về giá trị hàng năm so với trước khi có lệnh cấm.

Đáng chú ý, than của Australia đã và đang giành được thị phần ở Ấn Độ.

Đồng tình với nhận định của ông Roland, Marcel Thieliant, nhà kinh tế cấp cao của Australia và New Zealand cho hay, trong khi xuất khẩu quặng sắt của Australia sang Trung Quốc đã giảm 40% trong năm 2020 thì các công ty khai thác than đã có thể chuyển các chuyến hàng sang các thị trường khác.

Nhà kinh tế Thieliant khẳng định: “Kết quả là cuộc xung đột không gây thiệt hại cho nền kinh tế Australia như nhiều người nghĩ".

Không chỉ than hay quặng sắt, nhà kinh tế Rajah thông tin, các mặt hàng xuất khẩu khác như lúa mạch, bông, hải sản và gỗ cũng đã chuyển hướng kinh doanh, tìm thấy cơ hội ở những thị trường mới.

Ông Rajah nhấn mạnh: “Sau khi các lệnh trừng phạt của Trung Quốc gia tăng vào cuối năm 2020, doanh số bán các sản phẩm này sang các thị trường khác đã tăng mạnh. Dường như đây là sự thay đổi mạnh mẽ, báo hiệu kết quả tốt đẹp của quá trình chuyển hướng thương mại”.

Không "ngồi im chịu trận"

Tuy nhiên, các nhà phân tích lưu ý rằng, Australia đã gặp khó khăn trong việc vận chuyển thịt bò và rượu vang.

Nhà kinh tế Rajah lưu ý: “Ngành công nghiệp rượu vang của Australia đã phải vật lộn để bù đắp cho sự mất mát của thị trường cao cấp Trung Quốc. Đầu năm nay, Trung Quốc đã áp thuế chống bán phá giá lên tới 218% đối với một số loại rượu vang của Australia và cho rằng, quốc gia này đã bán phá giá và trợ cấp cho việc xuất khẩu rượu. Điều này có thể làm tổn hại đến ngành rượu nội địa của Trung Quốc".

Thịt bò cũng bị ảnh hưởng sau tuyên bố ngừng nhập khẩu của Bắc Kinh.

"Chúng tôi cũng luôn tìm kiếm các cơ hội khác mà chúng tôi có thể theo đuổi, cho dù đó là thông qua các đối tác thương mại hiện tại hoặc bằng cách mở ra những con đường mới". Bộ trưởng Thương mai Australia Dan Tehan.

Nhưng cả hai nhà kinh tế Rajah và Thieliant đều cho rằng, khó khăn đối với những mặt hàng này có thể không chỉ do căng thẳng thương mại với Trung Quốc, có thể phần lớn là do vấn đề nguồn cung do đại dịch Covid-19 gây ra.

Nhà kinh tế Thielant: “Đáng chú ý là xuất khẩu đồng đã không tăng nhiều ngay cả khi giá đồng đã tăng 1/3 so với mức trước đại dịch. Điều đó cho thấy, Australia đã gặp khó khăn trong việc vận chuyển đồng".

Điều quan trọng nhất là Australia "không ngồi im chịu trận". Quốc gia này đang ráo riết săn lùng các thị trường mới khi quan hệ căng thẳng với Trung Quốc không có dấu hiệu giảm bớt.

Phó thủ tướng Australia Michael McCormack khẳng định, quốc gia này đang tìm cách đa dạng hóa thị trường.

Khi Bắc Kinh áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với lúa mạch, Canberra đã tìm đến thị trường Mexico và vừa gửi chuyến hàng lúa mạch đầu tiên đến thị trường này.

Tuần trước, Bộ trưởng Thương mại Australia Dan Tehan cho biết, quốc gia này sẽ yêu cầu Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thành lập một hội đồng giải quyết tranh chấp để giải quyết những hạn chế của Trung Quốc đối với lúa mạch.

Bộ trưởng Thương mại Australia cho hay, nước này cũng đang xem xét liệu có yêu cầu WTO tham gia vào tranh chấp rượu vang đang diễn ra với Trung Quốc hay không.

Ông Tehan nhấn mạnh: "Chúng tôi đang tìm cách tìm kiếm thị trường mới cho các sản phẩm của mình. Australia hiện đang đàm phán một Hiệp định Thương mại tự do với Anh và Liên minh châu Âu (EU). Chúng tôi luôn tìm kiếm những cơ hội khác mà chúng tôi có thể theo đuổi, cho dù đó là thông qua các đối tác thương mại hiện tại hay bằng cách mở ra những con đường mới".

(theo CNBC)