Các ứng viên tại một điểm thi tuyển công chức ở Trung Quốc. (Nguồn: Xinhua) |
Theo dữ liệu từ công ty dạy kèm Offcn, số người đăng ký thành công cho kỳ thi năm nay, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 11, đã vượt 2,6 triệu, con số cao nhất từng được ghi nhận. Đây là năm thứ năm liên tiếp số lượng đơn đăng ký đạt mức cao mới.
Mặc dù chính phủ tiếp tục mở rộng hạn ngạch tuyển dụng nhưng sự cạnh tranh để giành được các vị trí ngày càng khốc liệt hơn mỗi năm.
Theo Offcn, vào năm 2023, trung bình có hơn 66 người nộp đơn cho một vị trí. Con số này cao hơn 24% so với 5 năm trước.
Kỳ thi công chức của Trung Quốc được sử dụng để sàng lọc các ứng viên xin việc tại các cơ quan chính phủ. Bất kỳ ai trong độ tuổi từ 18-35 có bằng đại học và không có tiền án tiền sự đều có thể nộp đơn.
Đầu tiên, thí sinh làm bài kiểm tra trắc nghiệm để đánh giá kiến thức tổng quát và kỹ năng suy luận logic, sau đó viết một bài luận về một vấn đề liên quan đến chính sách. Ba ứng viên có điểm cao nhất cho mỗi vị trí sau đó sẽ được chọn để phỏng vấn xin việc.
Trong những thập kỷ trước, kỳ thi công chức có xu hướng ít cạnh tranh gay gắt hơn vì nhiều sinh viên tốt nghiệp đã chọn tìm kiếm những công việc lương cao hơn trong khu vực tư nhân. Nhưng những năm gần đây, công việc được đảm bảo chắc chắn và những phúc lợi hậu hĩnh của khu vực công đã bắt đầu trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết.
Sinh viên tốt nghiệp ngày nay thường dành hàng tháng trời để ôn thi công chức bởi họ biết rằng chỉ khi đạt điểm siêu cao mới có cơ hội được phỏng vấn. Các công ty dạy kèm đã xuất hiện với trọng tâm duy nhất là huấn luyện sinh viên tốt nghiệp cách vượt qua kỳ thi công chức.
Trên nền tảng xã hội Douban, nhiều người tìm kiếm đối tác ôn thi công chức với cam kết ôn tập ít nhất 10 giờ mỗi ngày. Có sinh viên đã phàn nàn về việc thi lại 6 lần mà không thành công hoặc phát hiện ra rằng họ đang phải cạnh tranh với 1.000 ứng viên khác để xin việc.
Dữ liệu từ Huatu Education - một công ty dạy kèm chuyên nghiệp khác - cho thấy, sự cạnh tranh đặc biệt gay gắt ở khu vực miền Trung và miền Tây Trung Quốc.
Tỷ lệ nộp đơn xin việc có xu hướng cao hơn ở phía Tây - Tây Tạng, Ninh Hạ và Quý Châu - so với các khu vực thịnh vượng hơn, như Quảng Đông, Giang Tô và Thượng Hải.
Ngoại lệ duy nhất là Bắc Kinh - nơi có hầu hết các cơ quan chính phủ trung ương - nơi có số lượng đơn đăng ký cực kỳ cao.