Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương nhấn mạnh điều đó trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba ngày 16/3.
Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương tham dự một cuộc họp báo bên lề Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC) tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 7/3/2023. (Nguồn: Reuters) |
Trung Quốc, vốn không lên án chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, đã kêu gọi cả hai bên đồng ý giảm leo thang và đi đến ngừng bắn toàn diện trong tài liệu 12 điểm về "giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine".
Theo tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Tần Cương nêu rõ: “Trung Quốc hy vọng tất cả các bên bình tĩnh, hành xử chừng mực và kiềm chế, cũng như nối lại các cuộc hòa đàm càng sớm càng tốt”.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc bày tỏ hy vọng Kiev-Moscow sẽ không khép lại cánh cửa dẫn đến giải pháp chính trị và Bắc Kinh sẵn sàng đóng vai trò xây dựng nhằm chấm dứt các hành động thù địch.
Trong khi đó, chia sẻ trên trang Twitter về cuộc điện đàm với người đồng cấp Tần Cương, Ngoại trưởng Dmytro Kuleba cho biết, hai ông đã thảo luận về “nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ” và các ý tưởng của Kiev nhằm giải quyết cuộc xung đột hiện nay.
Ông Kuleba “nhấn mạnh tầm quan trọng” của các đề xuất giải quyết xung đột do Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đưa ra và Kiev gọi đây là “công thức hoà bình”.
Cuộc điện đàm giữa hai Ngoại trưởng diễn ra trong bối cảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến thăm Nga vào tuần tới và tổ chức cuộc gặp trực tuyến với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Các nhà phân tích nhận định, Trung Quốc sẽ khó thuyết phục được Nga và Ukraine ngồi vào bàn đàm phán, nhưng vẫn có quan điểm cho rằng Chủ tịch Tập Cận Bình có thể đóng vai trò là "kênh hỗ trợ" để bắt đầu động lực hướng tới các cuộc đàm phán giữa hai bên.
Liên quan đến xung đột Nga-Ukraine, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 24/2 công bố tài liệu lập trường về giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine gồm 12 điểm, trong đó phản đối sử dụng vũ khí hạt nhân, kêu gọi Nga và Ukraine ngừng bắn và nối lại đàm phán.
12 nội dung cơ bản được ra trong tài liệu bao gồm: tôn trọng chủ quyền của các quốc gia; từ bỏ tư duy Chiến tranh Lạnh; ngừng bắn và đình chiến; nối lại đàm phán hòa bình; giải quyết khủng hoảng nhân đạo; bảo vệ dân thường và tù binh chiến tranh; bảo vệ an toàn cho các nhà máy điện hạt nhân; giảm thiểu rủi ro chiến lược; đảm bảo vận chuyển lương thực; chấm dứt trừng phạt đơn phương; bảo đảm ổn định chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng; thúc đẩy tái thiết sau xung đột.