Sắc lệnh trên của Quốc vụ viện Trung Quốc đã được Thủ tướng Lý Khắc Cường ký phê chuẩn và có hiệu lực tại thời điểm công bố ngày 29/10.
Theo sắc lệnh, Trung Quốc cấm tất cả các hoạt động liên quan việc sử dụng hoặc buôn bán tê giác, hổ cũng như các sản phẩm làm từ hai loài động vật này, ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt được quy định trong sắc lệnh. Các sản phẩm có thành phần liên quan tới hổ và tê giác cũng sẽ nằm trong danh mục cấm.
Sừng tê giác bị thu giữ. |
Đối với các trường hợp ngoại lệ, sắc lệnh quy định sẽ cấp phép sử dụng các phẩm làm từ tê giác và hổ nuôi nhốt phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học, chữa bệnh cứu người, điều tra nguồn gốc, giáo dục, bảo tồn cổ vật, trao đổi văn hóa và thực thi luật pháp.
Bên cạnh đó, chỉ những bác sỹ tại các bệnh viện được Cục Quản lý Y dược Cổ truyền Trung Quốc công nhận mới được phép sử dụng các dạng bột tán từ sừng tê giác và hổ cốt.
Tất cả các sản phẩm tê giác và hổ được cất giữ trong kho hoặc nằm trong bộ sưu tập cá nhân đều phải có giấy tờ cấp phép rõ ràng. Những sản phẩm không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ sẽ bị tịch thu, sung công.
Trong khi đó, phần còn lại bao gồm các sản phẩm có nguồn gốc hợp pháp cần phải được bảo vệ nghiêm ngặt, đề phòng mất trộm, đồng thời không nên bán hoặc sử dụng vì các mục đích thương mại.
Sắc lệnh cũng nêu rõ cần xử lý nghiêm các hành vi buôn bán trái phép sản phẩm tê giác và hổ, với việc tập trung kiểm tra hoạt động sử dụng, buôn bán và vận chuyển, đồng thời yêu cầu bảo vệ tốt hơn các loài tê giác và hổ thông qua chú trọng tới hoạt động giáo dục cộng đồng.
Các nhà bảo vệ động vật hoang dã cho rằng sắc lệnh trên của Chính phủ Trung Quốc được xem là nới lỏng lệnh cấm suốt 25 năm qua đối với việc buôn bán cao hổ cốt và sừng tê giác.