📞

Trung Quốc muốn gì từ các 'kỳ lân' khởi nghiệp Đông Nam Á?

Thái An 07:00 | 10/10/2019
TGVN. Sự bão hòa của thị trường nội địa cùng những cơ hội tiềm năng từ nền kinh tế số tại các quốc gia Đông Nam Á đã tạo nên một làn sóng đầu tư mạnh mẽ từ Trung Quốc vào các công ty khởi nghiệp ở khu vực này…    
Các chuyên gia công nghệ dự báo, quy mô nền kinh tế số khu vực Đông Nam Á dự kiến sẽ đạt 300 tỷ USD vào năm 2025. (Nguồn: SCMP)

Những thương vụ “khủng”

Nghiên cứu mới đây của Công ty Công nghệ tài chính (fintech) Refinitiv cho thấy, trong 7 tháng đầu năm nay, đầu tư của Trung Quốc vào các công ty khởi nghiệp (startup) khu vực Đông Nam Á đã lên tới 1,78 tỷ USD, cao gấp 8 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Giới phân tích nhận định, chính sự bão hòa của thị trường công nghệ Trung Quốc cũng như những cơ hội đến từ nền kinh tế số ngày càng nhiều tại khu vực Đông Nam Á là yếu tố chính dẫn đến sự gia tăng mạnh mẽ của dòng vốn đầu tư từ nền kinh tế số một châu Á.

Các “kỳ lân công nghệ” (các startup được định giá từ 1 tỷ USD trở lên) của khu vực Đông Nam Á được nhận định là sẽ là những đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất. Hồi tháng Bảy, công ty đầu tư mạo hiểm của Trung Quốc Gobi Partners đã phối hợp cùng Teleport - công ty dịch vụ vận chuyển hàng hóa và hậu cần của AirAsia, đầu tư 10,6 triệu USD vào Công ty chuyên cung cấp nền tảng về dịch vụ chuyển phát nhanh Easy Parcel của Malaysia.

Trước đó, vào tháng Năm, mạng xã hội YY của Trung Quốc cũng mua lại nền tảng phát video trực tiếp (livestream) nổi tiếng Bigo của Singapore với giá 1,45 tỷ USD. Một số thương vụ quy mô “khủng” khác từ các nhà đầu tư Trung Quốc gần đây phải kể đến thương vụ mua lại nền tảng thương mại điện tử Lazada của Alibaba hay Tập đoàn Tencent đầu tư vào Công ty Sea (Singapore), JD.com đầu tư 19 triệu USD vào nhãn hiệu thời trang Pomelo (Thái Lan)...

Gần đây nhất, trong nỗ lực thâm nhập thị trường Đông Nam Á, 2 quỹ đầu tư mạo hiểm lớn nhất Trung Quốc là Qiming Ventures và GGV đã quyết định mở văn phòng tại Singapore.

Các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử tại Indonesia cũng nhận được khoản đầu tư lớn từ các “đại gia công nghệ” Trung Quốc. Tháng 12 năm ngoái, Tokopedia đã nhận được khoản đầu tư 1,1 tỷ USD từ Alibaba và SoftBank (Nhật Bản), Bukalapak nhận tiền đầu tư từ Ant Financia.

Theo Giáo sư Boh Wai Fong tại Đại học Kinh doanh Nanyang (Singapore), thị trường công nghệ Trung Quốc đang ngày càng bão hòa với sự tham gia của hàng trăm công ty lớn nhỏ, khiến các nhà đầu tư mạo hiểm Trung Quốc muốn chuyển hướng đầu tư sang các nước khu vực Đông Nam Á do những điểm tương đồng giữa hai thị trường này.

Bà Boh Wai Fong cho rằng, Trung Quốc đang phát triển rất thành công bởi nền kinh tế di động và Đông Nam Á là khu vực năng động với lực lượng dân số trẻ, thích nghi nhanh, đặc biệt là các ứng dụng kỹ thuật trên di động.

“Người dân Trung Quốc đang phản ứng rất nhanh nhạy với nèn kinh tế di động. Vì vậy, giới đầu tư Trung Quốc đang kỳ vọng kinh tế di động sẽ là xu hướng phát triển nhanh tại khu vực Đông Nam Á trong thời gian tới”.

Một báo cáo gần đây của Tập đoàn đầu tư Singapore Temasek, Google và Bain & Company cho thấy, lượng người dùng internet tại Đông Nam Á đã tăng vọt. Khoảng 90% người dân khu vực này sử dụng điện thoại thông minh có thể kết nối internet trên di động. Đây là con số tăng trưởng ấn tượng khi chỉ một thập kỷ trước, cứ 5 người thì chỉ 4 người không sử dụng điện thoại di động thông minh có kết nối internet.

Thị trường tiềm năng

Các chuyên gia công nghệ dự báo, quy mô nền kinh tế số khu vực Đông Nam Á dự kiến sẽ đạt 300 tỷ USD vào năm 2025. Đây cũng là điểm hấp dẫn đặc biệt đối với các nhà đầu tư Trung Quốc.

Ông Chua Joo Hock, Giám đốc quản lý của Vertex Ventures thị trường Đông Nam Á và Ấn Độ nhận định, đối với giới đầu tư Trung Quốc, Đông Nam Á được xem là thị trường mới với tốc độ tăng trưởng GDP mạnh mẽ và nền kinh tế vĩ mô khá tương đồng. Ngoài ra, yếu tố dân số trẻ, tầng lớp trung lưu đang gia tăng nhanh chóng và tỷ lệ sử dụng mạng xã hội cao cũng là những “điểm cộng” cho khu vực này.

“Rất có thể các nhà đầu tư mạo hiểm Trung Quốc nghĩ rằng họ có thể dùng kinh nghiệm và mô hình từ Trung Quốc để áp dụng tại các công ty khởi nghiệp của Đông Nam Á”, ông Chua Joo Hock cho hay.

Theo Giám đốc quản lý của Gobi tại Đông Nam Á Kay-Mok Ku, tham vọng của các nhà đầu tư Trung Quốc luôn là mở rộng thị trường ra ngoài lãnh thổ Trung Quốc. “Các công ty Trung Quốc không bao giờ hài lòng với vị trí số 1 ở Trung Quốc. Alibaba và Tencent – hai Tập đoàn hàng đầu Trung Quốc đều đang không ngừng mở rộng”, ông Kay-Mok Ku nói.

Ông Kay-Mok Ku cho biết, giới đầu tư Trung Quốc được phân làm 3 đối tượng: Các tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc, các quỹ đầu tư mạo hiểm có liên kết với các đối tác khu vực Đông Nam Á và các công ty đầu tư mạo hiểm mới nổi.

Chuyên gia này dự báo, Đông Nam Á sẽ là điểm dừng chân đầu tiên, tiếp theo đó sẽ là Trung Đông và châu Phi – nơi dòng vốn đầu tư vẫn còn khá nhỏ giọt.

“Trong vòng 10 năm qua, Trung Quốc đã đi từ thị trường đang phát triển chuyển sang thị trường phát triển. Và người Trung Quốc đã chứng kiến sự đổi mới nhanh chóng từ những nỗ lực này. Đây có thể được ví như chuyến đi ngược về quá khứ đối với giới đầu tư Trung Quốc”, ông Kay-Mok Ku ví von.

Hiện giới đầu tư Trung Quốc chủ yếu rót vốn vào các lĩnh vực từng phát triển mạnh mẽ tại Trung Quốc như thương mại điện tử, cho thuê xe, tài chính cá nhân… Đặc biệt, những công ty khởi nghiệp có mô hình kinh doanh dương đồng với các doanh nghiệp từng thành công tại Trung Quốc cũng đặc biệt hấp dẫn các nhà đầu tư Trung Quốc.

(theo SCMP)