Sự "đứt gãy" các mối quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ có thể sẽ là một thảm họa. Tạp chí Bloomberg đánh giá các mối quan hệ giữa hai nước là "quá lớn để có thể dừng lại". Trong khi đó, Tổng thống đắc cử Trump muốn áp thuế tới 45% đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc.
Việc ông Trump tuyên bố rút khỏi TPP là một món quà tuyệt vời dành cho Trung Quốc. (Nguồn: CNN) |
Tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) diễn ra cuối tuần qua tại Peru, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhận định rằng, các mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ đang ở "giai đoạn bản lề". Trước khi gặp Tổng thống Mỹ đương nhiệm Barack Obama, ông Tập Cận Bình tuyên bố: "Tôi hy vọng hai bên sẽ làm việc cùng nhau để cùng tập trung kết nối hợp tác, thu hẹp khác biệt và đảm bảo một sự chuyển tiếp tốt đẹp".
Nhằm chủ động trước những biện pháp bảo hộ mà ông Trump dự định, Bắc Kinh muốn nhanh chóng đạt được các thỏa thuận thương mại tự do với các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lý Bảo Đông nhận định: "Chủ nghĩa bảo hộ đang lên ngôi và khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang phải đối mặt với sự tăng trưởng yếu". Theo tạp chí Financial Times, Trung Quốc cho rằng châu Á - Thái Bình Dương cần phải thiết lập một kế hoạch mới để đáp ứng những mong đợi của lĩnh vực công nghiệp và duy trì đà cho việc khởi động nhanh chóng một khu vực thương mại tự do.
Trong khuôn khổ các cuộc gặp tại Peru hồi cuối tuần qua, ông Tập Cận Bình đã khẳng định: "Việc xây dựng một khu vực tự do thương mại của châu Á - Thái Bình Dương là một sáng kiến chiến lược sống còn đối với sự thịnh vượng của khu vực trong dài hạn. Chúng ta phải quyết tâm thực hiện nó một cách mạnh mẽ".
Từng bị gạt ra ngoài khuôn khổ của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một hiệp định được đánh giá là nhằm làm giảm ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực, Trung Quốc đang muốn tận dụng cơ hội Mỹ rút khỏi TPP (theo tuyên bố của ông Trump) để thúc đẩy hai hiệp định lớn khác thay thế: Một là, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Các cuộc đàm phán về RCEP đã được đưa ra năm 2012 giữa 10 quốc gia thành viên ASEAN và các đối tác thương mại khu vực của ASEAN như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản,… Hai là, Hiệp định Thương mại Tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP), được đề cập từ năm 2014. Việc đạt được RCEP được coi như một giai đoạn then chốt để tiến tới thực hiện FTAAP. FTAAP tập hợp một khu vực với 21 nền kinh tế của APEC, chiếm tới 60% thương mại thế giới và 40% dân số thế giới.
Có thể nói, việc ông Trump tuyên bố rút khỏi TPP là một món quà tuyệt vời dành cho Trung Quốc và Trung Quốc không thể bỏ lỡ cơ hội này. Ngày 21/11, Chính phủ Trung Quốc đã công bố ý định tái khởi động các cuộc đàm phán về mối quan hệ đối tác kinh tế khu vực tổng thể với 9 quốc gia châu Á và châu Đại Dương khác, trong đó có Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và Hàn Quốc.