📞

Trung Quốc nhận tin vui bất ngờ, liệu có đủ sắc 'xoa dịu' nỗi lo về khủng hoảng nhân khẩu học?

Hồng Lam 18:24 | 17/11/2023
Trung Quốc có thể chấm dứt chuỗi 9 năm liên tục sụt giảm tỷ lệ đăng ký kết hôn trong năm nay, với sự gia tăng nhanh chóng về số lượng cặp đôi mới cưới trong 3 quý đầu năm, đưa tổng số cặp đôi "về chung một nhà" hàng năm lên trên 7 triệu.
Trung Quốc có thể chấm dứt chuỗi 9 năm liên tục sụt giảm tỷ lệ đăng ký kết hôn trong năm nay, với sự gia tăng nhanh chóng về số lượng cặp đôi mới cưới trong 3 quý đầu năm. (Nguồn: Tân Hoa xã)

Tia hy vọng cho cuộc khủng hoảng nhân khẩu học

Theo dữ liệu vừa được Bộ Nội vụ công bố tuần trước, trong 9 tháng đầu năm 2023, đã có 5,69 triệu cặp đôi đăng ký kết hôn, đánh dấu mức tăng trưởng đáng chú ý 245.000 cuộc so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2022, chỉ có 6,83 triệu cặp đôi đăng ký kết hôn, chỉ bằng gần một nửa so với kỷ lục 13,47 triệu vào năm 2013 và chỉ cao hơn mức 6,37 triệu vào năm 1979.

Việc gia tăng tỷ lệ các cặp đôi đăng ký kết hôn đã mang lại tia hy vọng cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhất là trong bối cảnh tỷ lệ sinh giảm đáng kể và dân số già đi nhanh chóng tạo nên thách thức lớn về nhân khẩu học cho nền kinh tế Trung Quốc.

Peng Peng, Chủ tịch điều hành của Hiệp hội Cải cách Quảng Đông nhận định: “Số lượng cặp đôi mới cưới tăng lên một phần là do bị hoãn lại từ đại dịch Covid-19, bắt đầu có dấu hiệu hồi phục trong năm nay khi trạng thái bình thường mới được thiết lập".

Theo bà Peng, trong bối cảnh kinh tế kém thuận lợi, hôn nhân đang nổi lên như một giải pháp tương đối dễ tiếp cận so với việc tìm việc làm hoặc mua nhà, mang đến cho các cặp vợ chồng cơ hội tập hợp nguồn lực, chia sẻ chi phí sinh hoạt và giảm thiểu rủi ro tài chính.

“Chúng ta vẫn cần thêm dữ liệu của năm tới trước khi có thể đánh giá chính xác liệu xu hướng tăng này có tiếp tục hay không”, bà Peng nói, đồng thời nhấn mạnh giá nhà đất tăng cao, chi phí chăm sóc con cái leo thang và môi trường kinh tế đầy thách thức là những yếu tố chính ảnh hưởng đến sự nhiệt tình của giới trẻ Trung Quốc đối với việc kết hôn.

Với tỷ lệ sinh con giảm dần sau giai đoạn bùng nổ kể từ cuối những năm 1980, số lượng người trẻ trong độ tuổi kết hôn vì thế cũng giảm theo. Theo Niên giám điều tra dân số Trung Quốc năm 2020, độ tuổi trung bình kết hôn lần đầu ở Trung Quốc đã tăng đáng kể từ 24,89 năm 2010 lên 28,67 vào năm 2020.

Ngay cả trong số các cặp vợ chồng đã kết hôn, xu hướng muốn sinh con cũng giảm dần. Tỷ lệ sinh con đầu lòng của Trung Quốc – số con trung bình mà một phụ nữ có trong đời – đã giảm từ 0,7 vào năm 2019 xuống 0,5 vào năm 2022. Sự suy giảm này kéo theo sự gia tăng độ tuổi trung bình của phụ nữ sinh con đầu lòng từ 26,4 lên 27,4 trong cùng thời kỳ.

Lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại, số lượng trẻ sơ sinh ở Trung Quốc giảm xuống dưới 10 triệu vào năm ngoái, giảm xuống còn 9,56 triệu từ mức 10,62 triệu vào năm 2021.

Sự bất bình đẳng về giới tính cũng cản trở ngày càng nhiều phụ nữ trẻ kết hôn, trong khi các chính sách cũng chưa thực sự tạo thuận lợi cho phụ nữ độc thân có con. Sự mất cân bằng nhân khẩu học ngày càng tăng đã làm dấy lên lo ngại rằng tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục chậm lại khi nợ chính phủ tăng vọt để đáp ứng chi phí y tế và phúc lợi ngày càng tăng bởi tình trạng dân số già.

Nâng cao vai trò của phụ nữ

Mới đây, trong cuộc gặp với đội ngũ lãnh đạo mới của Liên đoàn Phụ nữ Toàn Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề cao vai trò quan trọng của phụ nữ đối với sự “tiến bộ quốc gia” và kêu gọi phụ nữ tạo ra “xu hướng gia đình mới”.

Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng, những việc phụ nữ cần làm tốt là "giữ gia đình hoà thuận, hòa hợp xã hội, phát triển đất nước”, đồng thời cần “tích cực nuôi dưỡng một nền văn hóa mới về hôn nhân và sinh con".

Bà Shen Yiqina, Ủy viên Hội đồng Nhà nước và là Chủ tịch mới đắc cử của Liên đoàn Phụ nữ toàn Trung Quốc, đã viết trên Qiushi, tạp chí hàng đầu của Trung Quốc xuất bản ngày 16/11 rằng phụ nữ cần thể hiện sức mạnh của "một nửa bầu trời". “Phụ nữ nắm giữ một nửa bầu trời” vốn là câu nói nổi tiếng của cố Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông phản ánh cam kết của chính phủ trong việc thúc đẩy quyền phụ nữ.

Vị quan chức hàng đầu của Trung Quốc về các vấn đề về phụ nữ này cũng cam kết thúc đẩy vai trò của một nửa thế giới trong gia đình và đưa ra hướng dẫn cho thế hệ trẻ có một lộ trình đúng hướng từ hẹn hò, lập gia đình, kết hôn đến lúc sinh con và xây dựng một nền tảng gia đình hạnh phúc.

"Chủ tịch Tập Cận Bình đã chỉ ra rằng chỉ khi có một gia đình hòa thuận và đạo đức, con cái chúng ta mới có thể lớn lên và xã hội của chúng ta mới phát triển một cách lành mạnh”, bà Shen Yiqina dẫn chứng.

Để đạt được mục tiêu này, bà Shen Yiqina cho rằng, tất cả các cấp liên đoàn nên hỗ trợ phụ nữ nhiều hơn trong công việc, dù làm việc trong lĩnh vực đổi mới công nghệ hay làm chủ một doanh nghiệp.

Bà đề xuất nên có những sự kiện, cuộc thi nhằm tìm kiếm những “gia đình kiểu mẫu" nhằm truyền cảm hứng cho các nhân viên nữ, tạo môi trường an toàn thân thiện cho bà mẹ và trẻ em, đồng thời giảm bớt gánh nặng chăm sóc gia đình cho phụ nữ.

Lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại, số lượng trẻ sơ sinh ở Trung Quốc giảm xuống dưới 10 triệu vào năm 2022. (Nguồn: Reuters)

Liên đoàn Phụ nữ toàn Trung Quốc cũng lần đầu tiên sửa đổi điều lệ sau 5 năm trong quá trình cải tổ, nhấn mạnh vai trò của tổ chức dưới sự lãnh đạo của đảng và thúc đẩy công việc của phụ nữ trong việc xây dựng đất nước và gia đình.

Tuy vậy, Carl Minzner, một chuyên gia về luật pháp và quản trị Trung Quốc tại Đại học Fordham ở New York và Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR), cho biết, những quan điểm mới của Bắc Kinh về hôn nhân và gia đình có thể vấp phải phản ứng từ một bộ phận giới trẻ Trung Quốc (đặc biệt là các nữ thanh niên), vốn quen với một cuộc sống độc lập tự chủ và không mặn mà với việc kết hôn.

Trong bối cảnh những lo ngại về nhân khẩu học ngày càng tăng, Bắc Kinh cũng đã có những điều chỉnh chính sách, cho phép người dân ở 21 tỉnh, thành có thể đăng ký kết hôn xuyên địa giới kể từ tháng 6/2023, xoá bỏ rào cản trước đây yêu cầu người trẻ phải đăng ký kết hôn ở các tỉnh nơi họ sinh ra do hệ thống đăng ký hộ khẩu kiểm soát quyền tiếp cận các dịch vụ công.

Theo Bộ Nội vụ Trung Quốc, tính đến cuối tháng 9/2023, đã có 197.000 cuộc hôn nhân xuyên tỉnh đã được đăng ký ở Trung Quốc, hơn 35% trong số đó diễn ra sau khi chính sách trên được ban hành.

(theo SCMP, The Telegraph)