Cảnh đánh bắt cá nhộn nhịp trên mặt hồ đóng băng. |
Đến hẹn lại lên, vào thời điểm lạnh nhất trong năm khi mặt hồ đóng băng thì cũng là lúc lễ hội đánh cá trên hồ Chagan ở tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc, lại vào dịp nhộn nhịp.
Không chỉ quy tụ những ngư dân lành nghề, lễ hội đánh cá trên sông băng còn có sự góp mặt của du khách từ khắp nơi đổ về.
Tất cả hòa trong bầu không khí náo nhiệt của người, xe ngựa thồ kéo và không thể thiếu những dụng cụ đánh bắt chuyên dụng - máy khoan cắt băng bên cạnh những mảnh lưới dày.
Bất chấp thời tiết ngoài trời đã hạ sâu xuống -26 độ C, dòng người đổ về mỗi lúc một đông. Trên thực tế, kể từ giữa tháng 12/2020 tới tháng 2 năm nay, khu vực này đã vô cùng náo động.
Theo người dân địa phương, truyền thống đánh bắt cá trên băng đã có từ hơn 1.000 năm trước, từ triều đại nhà Liêu (916 - 1125) và được gìn giữ kế thừa cho tới ngày nay.
Đánh bắt cá trên sông băng khác với bình thường. Việc chọn vị trí khoan hố băng để đánh bắt dựa vào kinh nghiệm lâu năm của mỗi ngư dân. Ông Zhang Wen, một ngư dân với bề dày lâu năm cho biết, ông thường dựa trên hướng gió và luồng cá.
Khoan lỗ trên mặt hồ đóng băng để bắt cá. |
Người dân tại đây vẫn sử dụng các phương tiện hỗ trợ thô sơ như trước kia. Đó là sự trợ giúp của xe ngựa thồ, giúp kéo lượng cá lớn lên hỏi mặt hồ.
Theo chia sẻ, dù tình hình dịch bệnh đang diễn ra, nhưng năm nay lại là mùa bội thu. Từ giữa tháng 12/2020 tới nay, ngư dân và du khách đã thu hoạch gần 500 tấn cá.
Trong đó, khoảng 20% sản lượng cá sẽ bán ngay tại chợ ngoài trời gần đó. Số còn lại sẽ bán trực tuyến qua các kênh cho thực khách trên khắp Trung Quốc.
Được biết, con cá lớn nhất đánh trong lễ hội sẽ được mang ra đấu giá làm từ thiện.
Hồ Chagan theo tiếng Mông Cổ còn mang nghĩa "hồ nước thần thánh" hay "hồ nước màu trắng". Đây là một trong những hồ nước trong lành và lớn tại Trung Quốc.
Hồ nước ngọt này quy tụ hơn 70 loài cá tôm cá loại. Nơi đây sở hữu hệ sinh thái đa dạng với trữ lượng cá tôm lớn.
Lễ hội đánh bắt cá trên hồ lưu truyền từ nhiều đời nay, được tổ chức thường niên. Người dân địa phương tin rằng, ngày hội là dịp họ cầu xin trời đất ban tặng một mùa đánh bắt bội thu.
Hiện tại, ngày hội là hoạt động di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh Cát Lâm.