TIN LIÊN QUAN | |
Ông Trump đã châm ngòi khủng hoảng nợ ở Trung Quốc | |
Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung? |
Đáng chú ý, cuộc gặp giữa lãnh đạo EU và Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh Brussels đã dần mất lòng tin với Tổng thống Mỹ Donald Trump sau Hội nghị Thượng đỉnh khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tuần trước. Do đó, cuộc gặp với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker là cơ hội để lãnh đạo Bắc Kinh khẳng định vị thế một cường quốc cởi mở, sẵn sàng duy trì trật tự thương mại quốc tế dựa trên các quy tắc, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và ủng hộ thương mại tự do toàn cầu.
Trong một động thái tương tự, Trung Quốc tiếp tục mở rộng ảnh hưởng kinh tế của mình thông qua chuyến thăm Trung Đông và châu Phi 10 ngày của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (19 – 28/7) tới Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), Senegal, Rwanda, Nam Phi và Mauritius. Dự kiến, ông Tập sẽ ở lại Johannesburg từ ngày 25 – 28/7 để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh các nước BRICS lần thứ 10. Theo Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Khổng Huyễn Hựu, chuyến thăm là bước đi mang tính ngoại giao lớn của Bắc Kinh nhằm xây dựng quan hệ với các quốc gia đang phát triển tại châu Phi, trong bối cảnh tình hình thế giới đang có nhiêu biến động lớn.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa) cùng Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk (trái) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tại Thượng đỉnh EU - Trung Quốc ngày 16/7 ở Bắc Kinh. (Nguồn: THX) |
Niềm vui không trọn vẹn
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc – EU lần thứ 20, lãnh đạo các bên, gồm Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã nhất trí bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và ủng hộ tự do thương mại toàn cầu trước chính sách bảo hộ thương mại của Washington. Hai bên cũng trao đổi về các đề nghị tiếp cận thị trường lẫn nhau, hướng tới xây dựng thỏa thuận đầu tư song phương. Tuy nhiên, giữa Trung Quốc và EU vẫn còn một khoảng cách vô hình trong việc tìm kiếm một lập trường chung, nhằm chống lại các chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ.
Đầu tiên, tuyên bố chung sau Thượng đỉnh chỉ dừng ở việc nhắc lại những cam kết của các bên về bảo đảm tự do và công bằng thương mại dựa trên quy tắc chung, chứ không đề cập đến việc thành lập một “liên minh” chống lại chính sách bảo hộ thương mại đơn phương của Mỹ. Cả Bắc Kinh và Brussels khó có thể xác định Washington là “đối thủ” chung khi Mỹ vẫn là bạn hàng lớn nhất của Trung Quốc, còn EU thì phụ thuộc nhiều vào bảo đảm an ninh do Mỹ cung cấp.
Thêm vào đó, bản chất của cạnh tranh Mỹ - Trung khác với xung đột thương mại giữa Mỹ - EU. Quan hệ Washington – Bắc Kinh là cạnh tranh chiến lược giữa hai cường quốc và không chỉ giới hạn trong vấn đề kinh tế. Trong khi đó, xung đột giữa Mỹ và EU vẫn đơn thuần là thương mại. Thêm vào đó, EU và Mỹ có nhiều điểm tương đồng về lợi ích mà quan hệ Trung Quốc – EU khó lòng đạt được.
Bên cạnh đó, Brussels cũng tỏ ra khá dè dặt khi “chìa tay” ra với Bắc Kinh, nhất là khi nguồn vốn đầu tư của nước này đang ồ ạt đổ vào châu Âu. Trong 10 năm qua, con số này đã đạt mức 320 tỷ USD, chiếm một nửa trong số 678 dự án đầu tư nước ngoài, với năm 2016 – 2017 chứng kiến mức tăng kỷ lục (gần 80%). Quan ngại rằng ảnh hưởng kinh tế - chính trị ngày càng lớn của Trung Quốc có thể gây chia rẽ EU đã khiến giới lãnh đạo Brussels “chùn tay” khi đến Bắc Kinh.
Mở rộng vành đai
Tuy nhiên, Bắc Kinh có nhiều lý do để an tâm với chuyến công du Trung Đông - châu Phi sắp tới của Chủ tịch Tập Cận Bình. Một trong những điểm đến đáng chú ý của nhà lãnh đạo Trung Quốc là UAE. Theo Đại sứ Trung Quốc tại UAE Ni Jian, ông Tập sẽ gặp gỡ Tổng thống UAE Sheikh Khalifa bin Zayed Al Nahyan, bàn thảo về duy trì và đẩy mạnh hợp tác song phương thời gian tới. UAE hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc trong nhóm các nước Ả rập, với thương mại hai chiều đạt mức 41 tỷ USD trong năm 2017.
Quan trọng hơn, UAE cho rằng hai bên có thể hợp tác chặt chẽ, phát triển Chiến lược Vành đai và Con đường, mang lại lợi ích cho cả Abu Dhabi và Bắc Kinh. Thêm vào đó, các doanh nghiệp dầu khí của UAE, trong đó có Công ty Dầu khí Quốc gia Abu Dhabi (ADNOC), đã bày tỏ mong muốn tiếp tục mở rộng hợp tác với phía Trung Quốc, qua đó phần nào giải quyết mối lo về thiếu nhiên liệu cho quốc gia hơn một tỷ dân này.
Một điểm đáng chú ý khác trong hành trình của ông Tập là cả bốn quốc gia châu Phi mà ông ghé thăm (Senegal, Rwanda, Nam Phi và Mauritius) đều là những nước đi đầu về kinh tế biển tại châu Phi, với tiềm năng to lớn để phát triển giao thương hàng hải. Do đó, trong chuyến đi lần này, ông Tập sẽ tập trung xây dựng và thúc đẩy quan hệ với cả bốn nước, tạo tiền đề cho các doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng đầu tư, tận dụng vị trí địa lý thuận lợi.
Bên cạnh đó, BRICS cũng là cơ hội để ông Tập Cận Bình khẳng định vai trò dẫn dắt của Trung Quốc trong khối, tăng cường hợp tác để cùng Ấn Độ, Brazil, Nam Phi và Nga phát triển tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của từng nước. Với những bước đi tích cực, Bắc Kinh tiếp tục tăng cường uy tín quốc tế của mình, điều Washington đang dần đánh mất.
Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm đối với tập đoàn ZTE của Trung Quốc Ngày 13/3, Mỹ đã chính thức dỡ bỏ một lệnh cấm bán phần mềm và linh kiện cho tập đoàn viễn thông ZTE của Trung ... |
Bốn lý do Chiến tranh Lạnh Mỹ-Trung sẽ không xảy ra Cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang gây tổn hại cho trật tự thương mại mở toàn cầu, thậm chí có ... |
Mỹ sẵn sàng leo thang, Trung Quốc không ngại trả đũa Tổng thống Donald Trump từng xác nhận, ông sẵn sàng leo thang mạnh trong cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất ... |