TIN LIÊN QUAN | |
Trung Quốc ban hành cảnh báo mưa lũ trên sông Dương Tử | |
Trung Quốc nâng cảnh báo mưa lũ mức cao nhất ở hạ nguồn đập Tam Hiệp |
Người dân khiêng bao cát ngăn kịch bản nước lũ dâng cao ở huyện Bà Dương, Giang Tây hôm 12/7. (Nguồn: Thời báo Hoàn cầu) |
Theo Thời báo Hoàn cầu, trong bối cảnh mực nước tại hồ Bà Dương ở Giang Tây - lưu vực lớn của sông Dương Tử - đã vượt qua ngưỡng kỷ lục ghi nhận năm 1998, phía cơ quan thời tiết đang bày tỏ lo ngại mưa sẽ tiếp tục xảy ra ở khu vực trung lưu và hạ lưu con sông dài nhất Trung Quốc.
Bắc Kinh hôm qua đã nâng cảnh báo phản ứng với lũ lụt lên mức cao thứ 2, trong khi công chúng đang theo dõi sát sao xem liệu công trình đập Tam Hiệp có thể chặn được lũ và liệu Trung Quốc có đối mặt với thiệt hại như trận lũ lụt 22 năm về trước hay không.
Các chuyên gia Trung Quốc hiện tỏ ra lạc quan về khả năng ngăn lũ của Tam Hiệp và họ cho rằng, những tiến bộ trong hậu cần, điều phối nguồn lực và công nghệ có thể giúp quốc gia này vượt qua một thảm họa lớn với tác động tối thiểu.
Tình hình căng thẳng
Vào nửa đêm ngày 11/7, mực nước tại một trạm thủy văn của hồ Bà Dương vượt qua mốc 22,52 m, mức cao kỷ lục, vượt qua cả mốc cao nhất ghi nhận trong trận lụt năm 1998, vốn khiến 4.150 người chết và gây ra thiệt hại 22,9 tỷ USD.
Tỉnh Giang Tây đã được đặt trong “chế độ thời chiến” và nâng mức phản ứng khẩn cấp để kiểm soát lũ và thiên tai lên mức cao nhất. Quan chức huyện Bà Dương, Giang Tây Wang Zhonghua hôm 12/7 nói với Thời báo Hoàn cầu rằng, các trưởng làng và quan chức địa phương gần như túc trực ở phía bờ hồ, liên tục theo sát bờ kè và đê xung quanh hồ để ngăn nguy cơ vỡ đê. Người dân trong khi đó chất bao cát lên hộ đê để phòng nguy cơ mực nước tiếp tục tăng lên.
Những người sống gần khu vực nguy hiểm đã được sơ tán và hàng hóa, lương thực đã được chuẩn bị.
Quan chức Xia Shiwei ở Bà Dương dự đoán rằng, mực nước có thể sẽ vượt ngưỡng cảnh báo nguy hiểm trong một tháng tới trong bối cảnh mưa lớn tại Giang Tây và các tỉnh khác làm nước lũ thoát chậm hơn bình thường.
Ngoài Giang Tây, một số tỉnh ở trung lưu và hạ lưu sông Dương Tử như Hồ Bắc, Hồ Nam cũng đang chứng kiến lũ lụt tồi tệ. Hiện thời, thảm họa tự nhiên đã khiến 141 người chết hoặc mất tích, 2,2 triệu người phải di cư và gần 12 tỷ USD thiệt hại về kinh tế, theo Thời báo Hoàn cầu.
Phép thử cho đập Tam Hiệp
Hồ chứa đập Tam Hiệp ở Hồ Bắc. |
Trên sông Dương Tử, lượng mưa và lũ lớn nhất thường xuất hiện vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8. Tình trạng thời tiết đáng báo động hiện tại đã khiến nhiều người đặt ra câu hỏi, liệu trận lũ lụt lịch sử năm 1998 có lặp lại hay không?
Các nhà phân tích cho rằng, với đập Tam Hiệp, công trình đi vào vận hành năm 2003 và đóng vai trò quan trọng trong việc điều phối mực nước, một thảm họa có quy mô tương tự như năm 1998 sẽ có ít khả năng xảy ra ở dòng chính.
Zhang Boting, một nhà phân tích tại Hiệp hội Kỹ thuật Thủy điện Trung Quốc cho rằng, với dự án đập Tam Hiệp, mực nước dòng chính sẽ được duy trì ở mức thấp bằng cách giữ nước ở phần trên của hồ chứa, trong khi hồ Bà Dương và các nhánh khác có thể xả nước vào nhánh chính của sông Dương Tử.
Tuy nhiên, ông Gao Jianguo, quan chức của Bộ Quản lý tình trạng khẩn cấp cảnh báo, dù đập Tam Hiệp có thể làm giảm áp lực kiểm soát lũ lụt ở dòng chính, tuy nhiên, khu vực hạ lưu vẫn phải đối mặt với những thách thức lớn từ lượng mưa trong từng khu vực và có thể dẫn tới các trận lũ quy mô nhỏ hơn hoặc tình trạng ngập úng.
Một mối quan ngại khác là vào mùa mưa bão, thường xảy ra vào tháng 8, có thể bị trùng lặp với mùa lũ trên sông Dương Tử, gây ra mối đe dọa cho khu vực hạ lưu sông và khu vực đồng bằng.
Công cuộc hộ đê ở Giang Tây hôm 12/7. (Nguồn: VCG) |
Theo Thời báo Hoàn cầu, nếu so sánh với năm 1998, sự phát triển của các công trình dọc theo sông Dương Tử đồng nghĩa với lũ lụt, ngập úng trên cùng một quy mô có thể gây thiệt hại kinh tế gấp 10 lần. Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng, công nghệ và những đổi mới tiến bộ của Trung Quốc liên quan tới hệ thống ứng phó khẩn cấp có thể tăng cường khả năng xử lý lũ lụt và làm giảm thiểu tác động từ thiên tai.
Ông Gao nói với Thời báo Hoàn cầu rằng, Trung Quốc hiện đã có những sự chuẩn bị tốt hơn cho tình hình bão lụt, với sự giám sát chính xác hơn, cũng như khả năng kiểm soát và dự đoán dữ liệu thủy văn và khí tượng.
Một người dân làng Nanlin nói với Thời báo Hoàn cầu hôm 12/7 rằng, vào năm 1998, hầu hết người dân đều sống ở những căn nhà thấp, dễ ngập úng. Tuy nhiên, các gia đình hiện đều sống ở các ngôi nhà 2-3 tầng và có thể chờ đợi để được giải cứu nếu bị mắc kẹt khi lũ bất ngờ ập tới.
Theo các chuyên gia, lượng mưa lớn và lụt lội dữ dội dọc sông Dương Tử không chỉ là một phép thử cho dự án Tam Hiệp, mà còn là phép thử cho cơ chế ứng phó thảm họa của Trung Quốc.
Mặc dù vậy, ông Gao cảnh báo rằng, do thời điểm mưa lũ cao điểm ở Trung Quốc xảy ra vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8, nên thách thức lớn nhất vẫn đang còn ở phía trước.
| Ảnh ấn tượng tuần (29/6-5/7): Nỗi lo vỡ đập Tam Hiệp, ông Trump ‘làm dáng’ và Covid-19 càn quét thế giới TGVN. Mưa lớn gây lũ lụt nghiêm trọng ở Trung Quốc khiến đập Tam Hiệp phải xả lũ, ông Trump tạo dáng với gậy bóng ... |
| Chuyên gia lý giải ảnh hưởng đến Việt Nam từ việc đập Tam Hiệp xả lũ TGVN. Trước băn khoăn của nhiều người về việc đập thủy điện Tam Hiệp trên sông Dương Tử (Trung Quốc) xả lũ có khả năng ... |
| Trung Quốc nâng mức ứng phó khẩn cấp lũ ở lưu vực sông Dương Tử TGVN. Trung Quốc ngày 4/7 đã nâng mức độ ứng phó khẩn cấp nhằm kiểm soát lũ ở lưu vực sông Dương Tử lên mức ... |