Sau khi bị trì hoãn gần 2 giờ, vụ phóng đã được thực hiện vào lúc 20 giờ 43 phút (giờ địa phương, tức 19 giờ 43 phút theo giờ Hà Nội) tại Trung tâm Vũ trụ Văn Xương ở tỉnh Hải Nam, miền Nam Trung Quốc. Tên lửa đã đi vào quỹ đạo 30 phút sau đó. Trong lần phóng đầu tiên này, tên lửa đẩy Trường Chinh-5 mang theo vệ tinh Thực Tiễn-17 (Shijian-17) và tàu con thoi tầng trên nhiên liệu lỏng Viễn Chinh-2 (Yuanzheng-2) lớn nhất, do Trung Quốc phát triển. Vệ tinh Shijian-17 sẽ thẩm định công nghệ mới trong quỹ đạo địa tĩnh.
Tên lửa đẩy Trường Chinh-5. (Nguồn: 163) |
Tập đoàn Vệ tinh Viễn thông Trung Quốc sẽ cung cấp hoạt động truyền phát và viễn thông thông qua vệ tinh này cũng như kiểm tra công nghệ quan sát rác thải vũ trụ, các nguồn điện mới và động cơ điện. Trong khi đó, các nhà khoa học hy vọng việc kết hợp tàu Viễn Chinh-2 với tên lửa đẩy Trường Chinh-5 sẽ tăng cường khả năng của Trung Quốc trong việc phóng nhiều vệ tinh trên 1 tên lửa và đưa các vệ tinh trực tiếp vào quỹ đạo. Theo Tập đoàn Công nghệ và Khoa học Hàng không Vũ trụ (CASC) - đơn vị phát triển tên lửa Trường Chinh-5, mục tiêu chính của sứ mệnh này là thẩm định thiết kế và khả năng hoạt động của loại tên lửa mới này cũng như thử nghiệm chương trình bay của tên lửa. Tên lửa đẩy Trường Chinh-5 là tên lửa lớn, 2 tầng, với tải trọng 25 tấn lên quỹ đạo thấp của Trái Đất và 14 tấn lên quỹ đạo chuyển tiếp địa tĩnh - mức lớn nhất từ trước tới nay của các tên lửa đẩy do Trung Quốc sản xuất. Tải trọng của tên lửa đẩy Trường Chinh-5 gấp khoảng 2,5 lần so với mẫu tên lửa đẩy Trường Chinh hiện nay. CASC cho biết, tên lửa đẩy Trường Chinh-5 sử dụng 2 loại nhiên liệu, dầu hỏa/oxy hóa lỏng và hydro hóa lỏng/oxy hóa lỏng thay thế các nhiên liệu có độ độc hại cao, khiến tên lửa này trở nên thân thiện với môi trường hơn và ít chi phí hơn. Tên lửa dài khoảng 57m, có trọng lượng phóng 870 tấn, được trang bị 8 động cơ oxy hóa lỏng/dầu hỏa và 2 động cơ hydro hóa lỏng/oxy hóa lỏng trong tầng 1 và 2 động cơ khá nhỏ hydro hóa lỏng/oxy hóa lỏng ở tầng 2. Tên lửa đẩy Trường Chinh-5 là loại phức tạp nhất trong các dòng tên lửa Trường Chinh với hơn 100.000 chi tiết hợp thành thay vì hàng chục nghìn chi tiết trong các tên lửa Trường Chinh khác. Các nhà khoa học đã phải tiến hành hơn 7.000 cuộc thử nghiệm trong suốt 10 năm phát triển tên lửa đẩy Trường Chinh.