Quyết định cuối cùng thuộc về chỉ huy là con người nhằm đề phòng các lỗi bắt nguồn từ bản chất hộp đen của AI. (Nguồn: Shutterstock) |
"AI phải hoạt động song song với những người ra quyết định để tối ưu hóa hiệu quả chỉ huy, tăng cường chứ không phải để thay thế con người", một bài báo được đăng trên tờ People's Liberation Army Daily ngày 31/12/2024 cho hay.
Bài báo cho biết, AI có thể được sử dụng để tăng cường khả năng của con người – thông qua phân tích dữ liệu, mô phỏng hoặc lập kế hoạch – nhưng không thể thay thế vai trò của chúng ta.
"Khi AI phát triển, nó vẫn là một công cụ được hướng dẫn bởi phán đoán của con người, bảo đảm trách nhiệm giải trình. Tính sáng tạo và khả năng thích ứng chiến lược vẫn là ưu tiên hàng đầu trong quá trình ra quyết định của quân đội", bài báo bình luận.
Cũng theo bài báo, tính tự chủ và tính sáng tạo của con người là yếu tố không thể thiếu trên chiến trường. Nếu con người nắm vai trò chỉ huy có thể phản ứng với các tình huống một cách năng động và khai thác điểm yếu của kẻ thù, thì AI hoạt động trong các ranh giới thuật toán được xác định trước và các phản ứng của công nghệ này thường thiếu tính độc đáo.
PLA đã đề xuất mô hình mà "con người lập kế hoạch và AI thực hiện" trong đó, công nghệ được sử dụng để thực hiện các chiến lược và chiến thuật do chỉ huy phát triển và vẫn giữ yếu tố giám sát của con người.
Tuy nhiên, "quyết định cuối cùng thuộc về chỉ huy là con người nhằm đề phòng các lỗi bắt nguồn từ bản chất hộp đen của AI".
PLA cho rằng, một điểm yếu khác của công nghệ là không có khả năng chịu trách nhiệm về các quyết định đưa ra, không giống như việc con người làm chỉ huy có thể điều chỉnh kế hoạch để ứng phó linh hoạt với các tình huống.
Bài báo cũng cho biết, ngay cả các thiết bị tiên tiến, đơn cử như hệ thống phòng thủ tên lửa tự động, vẫn thường dựa trên sự điều hành của con người để đưa ra quyết định cuối cùng nhằm bảo đảm trách nhiệm giải trình.
Trung Quốc là quốc gia ủng hộ mạnh mẽ việc quản lý việc sử dụng AI trong quân đội và trước đây đã đệ trình các tài liệu lên Liên hợp quốc về chủ đề này cũng như nhấn mạnh đến nhu cầu "kiểm soát công nghệ của con người".
Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh nhu cầu kiểm soát công nghệ và trong cuộc gặp gần đây nhất với người đồng cấp Hoa Kỳ Joe Biden tại Peru hai tháng trước, hai cường quốc đã nhất trí rằng "con người chứ không phải AI nên quyết định cách thức sử dụng vũ khí hạt nhân".
Báo cáo thường niên mới nhất của Lầu Năm Góc về quân đội Trung Quốc, được công bố vào tháng trước, cho biết PLA đang nỗ lực hợp tác giữa con người và máy móc, hướng tới "cuộc chiến thuật toán" và "chiến tranh lấy mạng làm trung tâm" vào năm 2030.
Báo cáo ghi nhận các khoản đầu tư đáng kể của PLA vào xe tự hành, bảo trì dự đoán, nhận dạng mục tiêu tự động và máy bay không người lái tàu ngầm. Đồng thời, PLA đang tìm cách sử dụng các sáng kiến AI dân sự trong các lĩnh vực như máy bay không người lái, nhận dạng hình ảnh và ra quyết định thông minh.
Hoa Kỳ cũng đang tìm cách sử dụng công nghệ này. Tháng trước, Giám đốc Kỹ thuật số và AI của Lầu Năm Góc Radha Plumb tiết lộ thông tin chi tiết về một kế hoạch tích hợp công nghệ vào các hoạt động chiến đấu, mà theo mô tả của bà là "nỗ lực lớn đầu tiên nhằm triển khai AI tiên tiến để hỗ trợ nhu cầu của binh lính trong thời gian thực".
Bà cảnh báo, việc Hoa Kỳ sở hữu công nghệ này từ "các đối thủ" như Trung Quốc, Nga, Iran và Triều Tiên "đang tăng tốc và gây ra rủi ro đáng kể cho an ninh quốc gia".