📞

Trung Quốc sẽ tiếp tục khuấy đảo thị trường thép?

21:39 | 22/09/2016
Cơ quan giám sát tài sản quốc gia Trung Quốc đã nhất trí với kế hoạch sáp nhập hai nhà sản xuất thép hàng đầu nước này, tạo thành nhà sản xuất thép lớn thứ hai thế giới.

Hãng AFP vừa đưa lại thông tin của tờ China Business News cho biết Cơ quan giám sát tài sản quốc gia Trung Quốc đã nhất trí với kế hoạch sáp nhập hai nhà sản xuất thép hàng đầu nước này là Baosteel Group và Wuhan Iron & Steel Group, tạo thành nhà sản xuất thép lớn thứ hai thế giới. Kế hoạch đã được đệ trình lên Quốc vụ viện Trung Quốc để nhận được sự thông qua cuối cùng.

Thế giới đã phải vật lộn với tình trạng “ngập lụt” nguồn cung thép từ Trung Quốc. (Nguồn: WS)

Hiện hai công ty quốc doanh này của Trung Quốc lần lượt xếp thứ 5 và thứ 11 về sản lượng thép trên thế giới. Theo Hiệp hội Thép Thế giới, tổng sản lượng của cả hai công ty trên đã đạt 60,7 triệu tấn trong năm 2015. Với con số này, công ty mới mang tên China Baowu Iron & Steel Group sẽ chỉ đứng sau đế chế thép lớn nhất thế giới ArcelorMittal (Luxembourg).

Năm 2015, Trung Quốc đứng đầu thế giới về sản lượng thép (803,8 triệu tấn), trong đó, sản lượng xuất khẩu đạt 111,6 triệu tấn thép. Trước “cơn lốc” thép Trung Quốc, các thị trường thế giới buộc phải vật lộn với tình trạng “ngập lụt” nguồn cung, do sự dư thừa công suất tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tại Mỹ, vừa qua, Chính phủ nước này đã chọn phương án đánh thuế gấp 5 lần với sản phẩm thép cuộn nguội của Trung Quốc, sau khi cáo buộc các nhà sản xuất thép Trung Quốc bán sản phẩm dưới giá thị trường. Các nhà sản xuất thép lớn của Mỹ còn gửi thư lên Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) đề nghị cấm hoàn toàn nhập khẩu thép Trung Quốc sau khi cho rằng khoảng 12.000 công nhân của ngành thép Mỹ đã mất việc làm trong 1 năm qua do sự cạnh tranh không bình đẳng của thép Trung Quốc.

Trước đó, hồi tháng 3, Ủy ban Châu Âu (EC) đã ra công bố mạnh mẽ, tăng cường phòng vệ thương mại đối với hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc. EC cũng kêu gọi các nước thành viên EU ngăn chặn bằng cách có thể áp thuế cao hơn các sản phẩm bán phá giá của Trung Quốc. 

Là những “hàng xóm” chịu ảnh hưởng gần nhất, ngay tại buổi làm việc đầu tiên Hội nghị & Triển lãm của Viện Sắt thép Đông Nam Á (SEAISI) hồi tháng 6, một quan chức của Liên đoàn Sắt thép Malaysia đã cay đắng cho rằng “các nhà máy thép của chúng tôi đang dành tất cả thời gian để tự bảo vệ mình thay vì tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh cốt lõi”. Trong khi đó, dù các nước thành viên của SEAISI đã gây sức ép lên phía Trung Quốc nhưng kết quả là các nước ASEAN đã không thể ngăn chặn được làn sóng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Sự chống chọi yếu ớt của thị trường ASEAN đã không thể ngăn được một lượng lớn thép Trung Quốc tràn qua biên giới. Năm 2015, chỉ trong một năm, con số nhập khẩu thép Trung Quốc của khu vực này đã tăng tới 33%.