Tân Chủ tịch CSRC Liu Shiyu. (Nguồn: FT) |
Ai có thể xoay chuyển tình thế
Cách chức Chủ tịch Ủy ban Quản lý Giám sát Các hoạt động Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) của ông Xiao Gang là một quyết định mới của Bắc Kinh trong bối cảnh chính quyền nước này đang nỗ lực ngăn chặn tình trạng bất ổn kéo dài nhiều tháng qua trên thị trường chứng khoán.
Cựu Chủ tịch Chứng khoán Xiao Gang (57 tuổi) là chuyên gia pháp lý có kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính. Ông Xiao Gang từng giữ chức Chủ tịch Ngân hàng Trung Quốc và được bổ nhiệm vào cương vị Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hồi tháng 3/2013.
Ông Xiao là đảm nhận chức vụ trên khi các thị trường tài chính Trung Quốc rơi vào cơn hỗn loạn hồi giữa năm 2015. Việc xử lý yếu kém cuộc khủng hoảng khiến ông bị mang tội “thổi bong bóng” cho thị trường chứng khoán. Dưới quyền của ông Xiao, đã có lúc thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến mất giá tới 40%. Cơ chế “ngắt mạch” nhằm củng cố sự ổn định của thị trường chứng khoán được triển khai vào đầu năm 2016 đã khiến nhà đầu tư càng trở nên hoảng loạn.
Ngày 21/2, Bắc Kinh đã quyết định bổ nhiệm ông Liu Shiyu là Tân Chủ tịch CSRC. Ông Liu hiện là Chủ tịch Ngân hàng Nông nghiệp - một trong bốn ngân hàng hàng đầu của Trung Quốc. Ông này từng giữ chức Phó Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (2006 – 2014). Đã có nhiều bình luận về khả năng xoay chuyển tình hình của ông Liu. Tuy nhiên, cũng có không ít bình luận tỏ ra không mấy tin tưởng. Họ cho rằng vấn đề của chứng khoán Trung Quốc không nằm ở việc ai là Chủ tịch.
Vốn vẫn tiếp tục tháo chạy
Vụ cách chức ông Xiao Gang được cho là tạm khép lại một giai đoạn biến động mạnh của thị trường tài chính Trung Quốc. Tuy nhiên, giới đầu tư cho rằng, cuộc tháo chạy của vốn trên thị trường chứng khoán nước này mới chỉ bắt đầu. Kể cả trong tình hình hiện nay, khi Nhân dân tệ (NDT) đang trên đà tăng giá, thì nó cũng không phải là tín hiệu cho thấy dòng vốn tháo chạy khỏi Trung Quốc đã kết thúc.
Theo tính toán của Goldman Sachs, trong nửa đầu năm 2015, đã có 550 tỷ USD bị rút khỏi Trung Quốc và rằng NDT cứ giảm giá 1% thì có thêm 100 tỷ USD tháo chạy. Trong khi đó, đà tăng 0,9% của NDT trong tháng này chưa thể ngăn các nhà phân tích dự đoán NDT sẽ giảm thêm 3,4% vào cuối năm 2016. Goldman Sachs cảnh báo rằng việc phá giá hơn nữa NDT sẽ khiến dòng vốn tháo chạy khỏi Trung Quốc tăng nhanh hơn.
Commerzbank cho biết, các khoản cho vay mới bằng NDT đạt kỷ lục trong tháng 1/2016 cho thấy các công ty Trung Quốc đang huy động vốn để thanh toán nợ nước ngoài. Doanh số bán trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường nội địa từ đầu năm đến nay tăng hơn hai lần, trong khi phát hành trái phiếu bằng USD tại nước ngoài giảm 30%.
Nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á của Tập đoàn tài chính Daiwa - Kevin Lai thì cho rằng, thị trường Trung Quốc mới chỉ trải qua một nửa đường dòng vốn tháo chạy. NDT đang bị nhà đầu tư bán ra ồ ạt. Trung Quốc đang đối mặt với kịch bản giảm phát trên diện rộng.
Cùng quan điểm trên, trong phân tích của Goldman Sachs, rủi ro ở đây là bất kỳ cú sốc nào làm xói mòn niềm tin vào đồng nội tệ, cũng như chính sách điều hành cũng có thể làm tăng áp lực rút vốn và khiến nỗ lực ổn định thị trường không còn hiệu quả. Nhiều biện pháp kiểm soát vốn được đưa ra nhằm ổn định một số mục tiêu tài chính đều khiến niềm tin của nhà đầu tư sụt giảm và khi đó tình trạng dòng vốn tháo chạy càng trầm trọng hơn.
Theo ước tính của Bloomberg, dòng vốn tháo chạy khỏi Trung Quốc năm 2015 tăng lên 1.000 tỷ USD, gấp bảy lần so với năm 2014.
Xu hướng mua USD đang trở thành lựa chọn an toàn. (Nguồn: Reuters) |
Vấn đề hiện nay là người ta không thể biết NDT có thể giảm giá đến đâu. Bởi vậy, xu hướng mua ngoại tệ vì sợ những điều không lường trước đang khá phổ biến. Theo ước tính của Goldman Sachs, tổng nợ nước ngoài của các công ty Trung Quốc trong sáu tháng đầu năm 2015 giảm khoảng 140 tỷ USD xuống còn 169.000 tỷ USD. Nhưng con số đó chẳng bõ bèn gì so với 370 tỷ USD người Trung Quốc sử dụng để mua ngoại tệ.