Trung Quốc tiếp tục có đại diện trong đoàn thẩm phán của Tòa án quốc tế về Luật Biển. |
ITLOS gồm 21 thẩm phán, được bầu chọn từ những ứng viên do các nước tham gia Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 đề cử. Mỗi quốc gia thành viên UNCLOS 1982 đề cử không quá 2 ứng viên.
Theo điều lệ của Tòa, không có 2 thẩm phán trở lên mang cùng quốc tịch. Cứ 3 năm 1 lần, 1/3 số thẩm phán sẽ được bầu mới. Cuộc bầu chọn lần này có 10 ứng viên tham gia, được tiến hành để bổ sung 7 thẩm phán sắp hết nhiệm kỳ vào cuối tháng 9 tới đây.
Trong lần bầu mới này, ông Đoàn Khiết Long cùng các đại diện David J. Attard (Cộng hòa Malta), Ida Caracciolo (Italy), Maria Teresa Infante Caffi (Chile), Maurice Kengne Kamga (Cameroon) và Markiyan Kulyk (Ukraine) đã trúng cử ngay vòng đầu tiên. Một ghế còn khuyết dự kiến được bầu chọn trong ngày 25/8 giữa hai đại diện của nhóm Mỹ Latinh và Caribbean là Jamaica và Brazil.
Như vậy, với việc ông Đoàn Khiết Long trúng cử nhiệm kỳ 2020-2029, Trung Quốc luôn có đại diện trong số các thẩm phán của ITLOS từ khi Tòa được thành lập năm 1996 đến nay, trước đó gồm Triệu Liên Hải (1996 - 2000), Từ Quang Kiếm (2001 - 2007), Cao Chi Quốc (2008 - 2020).
Các cuộc bỏ phiếu của ITLOS thường diễn ra trong im ắng và ít thu hút sự chú ý của quốc tế. Tuy nhiên, những căng thẳng gần đây giữa Mỹ và Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông đã khiến cuộc bầu chọn lần này nhận được sự quan tâm của quốc tế.
Hồi tháng 7, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ David R. Stilwell đã thúc giục các nước không bỏ phiếu cho ứng viên họ Đoàn: "Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia tham gia cuộc bầu cử lựa chọn vào tòa án quốc tế đánh giá cẩn thận thông tin đăng ký của ứng cử viên người Trung Quốc và xem xét liệu một thẩm phán người Trung Quốc sẽ giúp đỡ hay cản trở luật hàng hải quốc tế. Với hồ sơ của Bắc Kinh, câu trả lời phải rõ ràng".
Năm 2016, tòa trọng tài thường trực ở The Hague (Hà Lan) đã bác bỏ yêu sách của Trung Quốc, trong đó đòi hỏi chủ quyền đối với 90% diện tích Biển Đông, là không có căn cứ dựa theo các nguyên tắc của UNCLOS. Mặc dù là một bên tham gia đàm phán và phê chuẩn UNCLOS nhưng Trung Quốc cho đến nay vẫn từ chối chấp thuận hoặc công nhận phán quyết của tòa.
Trước cuộc bầu chọn, GS Alexander Proelss, Chủ tịch về luật Biển quốc tế và luật Môi trường quốc tế thuộc Trường Luật của Đại học Hamburg (Đức), cho rằng: “ITLOS phải và sẽ thực thi quyền lực của mình một cách vô tư. Đây là điều kiện mà mỗi thẩm phán phải tuân thủ. Để đảm bảo tính chí công vô tư, luật của ITLOS quy định những hoạt động mà thẩm phán không được phép làm (điều 7) và lập ra những điều kiện liên quan đến sự tham gia của mỗi thành viên vào một vụ cụ thể (điều 8)".
Ông Proeless nói rõ: "Mỗi thẩm phán, dĩ nhiên, sẽ tìm cách thuyết phục các thành viên khác trong hội đồng về lập trường luật pháp của mình, không thể có chuyện một vị thẩm phán lại có thể, trong một hội đồng hòa giải tranh chấp gồm 21 thành viên, áp đặt quan điểm của riêng mình lên các thành viên khác”.
Tuy nhiên, ông cũng nói thêm: “Mỗi thẩm phán được tự do đưa vào ý kiến riêng hoặc bất đồng với các thẩm phán và quyết định và qua đó có thể cố gắng gây ảnh hưởng lên việc phát triển luật quốc tế trong trường hợp có liên quan”. Đây chính là một thực tế đáng ngại khi đại diện Trung Quốc trở thành thẩm phán của ITLOS.