Để trở thành đồng tiền quốc tế, NDT còn phải vượt qua con đường xa và không ít khó khăn. (Nguồn AFP) |
Trong phiên giao dịch mở đầu tuần mới, đồng NDT chỉ thay đổi nhẹ nhờ các biện pháp bình ổn tỷ giá của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC). Sáng 17/8, PBOC chỉ tăng nhẹ giá nội tệ thêm 0,1%, lên 6,3969 NDT đổi 1 USD. Tuần trước, từ 11-13/8, cơ quan này liên tiếp hạ giá mạnh NDT 1,9%, 1,6% và 1,1% so với USD khiến đồng tiền này giảm giá mạnh nhất trong 2 thập kỷ qua. Động thái này của PBOC không chỉ khiến giá nội tệ trên thị trường tự do lao dốc, còn đẩy nhiều đồng tiền châu Á như Rupiah Indonesia, Ringgit Malaysia xuống đáy so với USD. Thị trường chứng khoán toàn cầu cũng liên tục đi xuống trong thời gian ngắn.
Bước tiến quan trọng
Kể từ giữa tháng Ba, tỷ giá NDT/USD được duy trì ở mức ổn định, bởi các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc tập trung vào việc đưa NDT vào rổ tiền tệ dự trữ chính thức của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Tuy nhiên, trong báo cáo được công bố hồi cuối tháng Bảy về vấn đề này, IMF cho rằng, NDT được cho là đáp ứng các yêu cầu của một đồng tiền quan trọng trong thương mại quốc tế, nhưng chưa đáp ứng tiêu chí được “sử dụng tự do”. NDT hiện vẫn bị cho là một trong những đồng tiền được kiểm soát chặt chẽ nhất trên thế giới.
Cùng với đợt điều chỉnh mạnh tỷ giá NDT vừa qua, Bắc Kinh cũng tuyên bố sẽ cho phép thị trường đóng một vai trò quan trọng hơn trong quá trình quyết định tỷ giá tham chiếu hàng ngày. Theo đó, NDT được phép dao động 2% xung quanh tỷ giá tham chiếu.
Chặng đường dài
Như vậy, Trung Quốc đã dần nới lỏng các giới hạn đối với NDT, nhưng vẫn còn một quãng đường rất dài phía trước.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hiện chiếm hơn 10% thương mại toàn cầu, nhưng mới có khoảng 2% hoạt động thanh toán quốc tế lấy NDT làm đồng tiền thanh toán. Các nhà đầu tư cá nhân (kể cả Trung Quốc và nước ngoài) chỉ có thể chuyển tiền qua biên giới Trung Quốc một cách hợp pháp thông qua các chương trình được cấp phép với lượng hạn chế.
Tháng 11/2014, liên kết giữa hai sàn chứng khoán Hong Kong và Thượng Hải mới được mở, cho phép người nước ngoài lần đầu tiên bước chân vào thị trường tài chính Trung Quốc. Tuy nhiên, đây được cho là một trong những nguyên nhân tạo nên dòng vốn ồ ạt chảy vào thị trường chứng khoán Trung Quốc, trước khi bong bóng vỡ vào giữa tháng Sáu vừa qua.
Không giống như USD, Euro và Yen, NDT hiện không được ưa chuộng trên thị trường quốc tế. Nước xuất khẩu lớn nhất thế giới này đã “giấu” đồng bản tệ khỏi thị trường quốc tế và áp dụng những biện pháp hạn chế mua bán. Đây là biện pháp tạo nên một tấm lá chắn bảo vệ Trung Quốc trước dòng chảy vốn thất thường, đồng thời giúp hàng hóa của Trung Quốc có giá rẻ.
Giờ đây, để thúc đẩy tăng trưởng và vươn tới những tham vọng chính trị, Bắc Kinh đã có lý do để nới lỏng kiểm soát đối với NDT. Trung Quốc bắt đầu khuyến khích việc sử dụng NDT ở thị trường nước ngoài, trong lộ trình quốc tế hóa đồng tiền này. Đây là một trong những thay đổi lớn nhất đối với thị trường tiền tệ quốc tế, kể từ khi đồng tiền chung châu Âu (Euro) ra đời. Đây cũng được coi là cơ hội lớn đối với giới ngân hàng và đầu tư, nhưng cũng là một mối nguy đối với sự ổn định của kinh tế Trung Quốc.
Đích đến cuối cùng
Từ trước đến nay, Trung Quốc vẫn luôn do dự không muốn mở toang cánh cửa. Năm 1994, nước này áp dụng chế độ tỷ giá cố định neo NDT vào USD. Gần một thập kỷ sau, sau khi Trung Quốc gia nhập WTO năm 2001, một số ít các nhà đầu tư được phép mua vào các cổ phiếu niêm yết bằng NDT nhưng rất hạn chế. Năm 2005, NDT được thả nổi, nhưng sau đó lại được neo vào USD một cách không chính thức vào năm 2008, để bảo vệ Trung Quốc trước khủng hoảng tài chính toàn cầu. Năm 2010, kinh tế Trung Quốc vượt qua Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, NDT bắt đầu được sử dụng nhiều hơn.
Trung Quốc không đưa ra một lịch trình cải cách cụ thể nào cho NDT, nhưng một số nhà quan sát dự đoán, đến năm 2020, NDT sẽ trở thành đồng tiền hoàn toàn có khả năng chuyển đổi. Trung Quốc đã đặt trung tâm giao dịch NDT ở hơn 10 quốc gia, bằng cách ký các thỏa thuận hoán đổi giúp giao dịch dễ dàng hơn. Trung Quốc cũng đang nỗ lực thành lập ngân hàng đầu tư quốc tế mới đầu tiên, sau nhiều thập kỷ qua.
Giới quan sát cũng cho rằng, đồng NDT tiến sâu vào thị trường quốc tế thể hiện tham vọng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, muốn thách thức USD, cũng như trật tự kinh tế thế giới vốn đang được thống trị bởi Mỹ và châu Âu. Trung Quốc cũng đã có xu hướng đẩy nhanh cải cách trước kỳ đánh giá lại của IMF vào cuối năm nay.
Trên thực tế, đồng nội tệ được sử dụng rộng rãi hơn sẽ gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trong việc định giá các loại hàng hóa từ dầu mỏ đến quặng sắt, đồng thời đem đến cho các công ty của Trung Quốc và cả người dân của họ nhiều lựa chọn hơn đối với tiền tiết kiệm của họ. Tuy nhiên, để đến được đích là NDT hoàn toàn có khả năng chuyển đổi, kinh tế Trung Quốc còn phải vượt qua con đường xa và không ít khó khăn, đồng thời sẽ trở nên “mong manh dễ vỡ” trước các con sóng trên thị trường tiền tệ và dòng chảy khắc nghiệt của vốn sẽ là những vật cản khiến nền kinh tế giảm tốc.
M.C (theo Bloomberg)