Tàu vũ trụ chở hàng Thiên Châu 2, nhằm tiếp tế cho công tác xây dựng Trạm vũ trụ Thiên Cung dự kiến sẽ được phóng vào sáng sớm ngày 20/5.
Tuy nhiên, Trạm Điều khiển Không gian Trung Quốc đã thông báo rằng sứ mệnh này sẽ bị trì hoãn, nhưng không xác định thời điểm chính xác sẽ thực hiện phóng lại.
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: CCTV) |
Đây sẽ là đợt tiếp tế đầu tiên dành cho module lõi Thiên Hà, đã được phóng vào ngày 29/4.
Trung Quốc cũng đã lên kế hoạch cho 10 lần phóng khác, nhằm cung cấp thêm 2 module, các bộ phận và vật tư hỗ trợ công tác thi công trạm Thiên Cung, đồng thời đưa một phi hành đoàn gồm 3 người lên trạm.
Vụ phóng module Thiên Hà được coi là một thành công lớn trong ngành công nghệ vũ trụ của Trung Quốc. Mặc dù vậy, quốc gia này đã hứng nhiều chỉ trích vì không kiểm soát được quỹ đạo của tên lửa đẩy Trường Chinh 5B và để các mảnh vỡ rơi tự do xuống Trái đất.
Tại thời điểm đó, Giám đốc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), Cựu Thượng nghị sĩ Bill Nelson cho biết Trung Quốc đã không đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn liên quan đến các mảnh vỡ không gian.
Ngày 18/5, Cơ quan Vũ trụ có người lái Trung Quốc (CMSA) cho biết, phần đầu tiên của dự án trạm vũ trụ Thiên Hà đã đi vào quỹ đạo thành công như dự tính. Module đã hoàn thành các bài kiểm tra hiệu suất và chức năng, bao gồm hệ thống hỗ trợ sự sống cho các phi hành gia, cánh tay robot cùng một loạt thiết bị ứng dụng không gian.
Các chương trình không gian của Trung Quốc rất hiếm khi gặp thất bại kể từ lần đầu tiên đất nước này đưa một phi hành gia lên quỹ đạo vào năm 2003.
Tuy nhiên, việc phóng module lõi cho trạm vũ trụ Thiên Cung cũng từng bị trì hoãn do sự cố liên quan đến tiền thân của tên lửa Trường Chinh 5B.
Đầu tháng 5, Trung Quốc cũng cho hạ cánh thành công một tàu thăm dò cùng một tàu thám hiểm lên bề mặt sao Hỏa. Hai con tàu này đã bắt đầu gửi hình ảnh từ bề mặt “hành tinh Đỏ” về Trái đất.
Mỹ là quốc gia duy nhất đã cho hạ cánh và vận hành thành công tàu vũ trụ trên sao Hỏa tới chín lần, với lần đầu tiên vào năm 1976 và lần gần đây nhất vào tháng 2/2021 với tàu thám hiểm Perseverance.
Mới đây, một tàu thăm dò và thám hiểm của Trung Quốc cũng đáp xuống phần tối của Mặt trăng thành công. Sự kiện này đã đưa Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên mang về các mẫu đá Mặt trăng kể từ những năm 1970.
Trước đó, Mỹ từng kiên quyết đẩy Trung Quốc khỏi Trạm Vũ trụ Quốc tế, do cảnh giác với những bí mật và các liên kết quân sự mật thiết xung quanh chương trình không gian của Trung Quốc.
Mặc dù vậy, Trung Quốc vẫn đang trên đà hợp tác ngày càng chặt chẽ với nhiều nước châu Âu và các quốc gia khác trên thế giới trong lĩnh vực hàng không vũ trụ.