📞

Trung Quốc và cơ hội định hình Syria thời hậu chiến

18:12 | 29/07/2018
Ở một vị thế thuận lợi để định hình tương lai của Syria thời hậu chiến, song Bắc Kinh vẫn đang thờ ơ với cơ hội này.

Năm vừa qua là một quãng thời gian đầy may mắn đối với Chính phủ Syria. Tổng thống Bashar al-Assad cùng quân đội của mình đã tiêu diệt phần nào mối đe dọa từ Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở phía Đông và có những bước tiến rõ rệt tại miền Nam. Trong tháng Bảy vừa qua, phe Chính phủ đã giành lại quyền kiểm soát tại Deraa, địa điểm đầu tiên nổ ra cuộc nổi dậy năm 2011.

Tuy nhiên, bên cạnh sự thỏa mãn của Chính phủ Syria vì giành lại được hầu hết lãnh thổ, trước mắt họ vẫn là một thách thức vô cùng khó khăn. Sau 7 năm chiến tranh, phần lớn Syria đã chìm trong đổ nát, với nhà cửa, trường học, bệnh viện và nhà máy bị phá hủy.

Bài toán tái kiến thiết

Syria cần trợ giúp để tái kiến thiết. Song đây cũng là nơi xảy ra vấn đề. Những nước đóng góp nhiều tiền nhất (hầu hết là các quốc gia phương Tây) lại thiếu thiện cảm đối với chính quyền Syria. Năm ngoái, 70 nước và các tổ chức đã gặp gỡ tại Brussels để thảo luận về việc tái kiến thiết Syria mà không hỗ trợ chính quyền Assad. Nhưng trong khi họ đề xuất việc đổ tiền trực tiếp vào những doanh nghiệp và tổ chức phi chính phủ, chẳng có gì đảm bảo rằng họ có thể tránh dính dáng đến chính quyền Assad.

Cảnh hoang tàn đổ nát ở trại tị nạn Yarmouk tại thủ đô Damascus, Syria, ngày 16/7, nơi các lực lượng Chính phủ Syria đã chiếm lại vào tháng 5 vừa qua. Trại Yarmouk từng là nơi cư trú của hàng chục ngàn người dân Palestine và Syria. (Nguồn: AP)

Về phần mình, Damascus đã tìm kiếm sự trợ giúp từ các bên mà họ tin tưởng hơn. Ông Assad chỉ ra rằng Syria có quan hệ tốt với những nước như Trung Quốc và Nga, trong khi Đại sứ Syria tại Bắc Kinh, Imad Moustapha, từng khẳng định: “Trung Quốc, Nga và Iran đã hỗ trợ rất nhiều cho Syria trong xung đột quân sự… do đó họ nên đóng một vai trò then chốt trong quá trình tái kiến thiết Syria”.

Tuy nhiên, đây sẽ không phải là một câu chuyện đơn giản, khi mà cả ba nước đều cạnh tranh đề giành lấy những hợp đồng và cơ hội kinh doanh. Trong năm nay, Iran và Nga đã bắt đầu căng thẳng trong vấn đề này. Song cả hai có lẽ sẽ khó đưa ra những lời đề nghị hấp dẫn như từ phía Trung Quốc. Bên cạnh 2 tỷ USD cam kết đầu tư vào ngành công nghiệp của Syria năm vừa qua, tại Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc – các nước Arab, Bắc Kinh đã công bố sẽ tiến hành hỗ trợ và cho vay 23 tỷ USD đối với khu vực Arab (bao gồm 90 triệu USD tiền hỗ trợ nhân đạo tới Yemen, Lebanon, Jordan và Syria).

Còn đó khó khăn

Đây là một động thái đáng hoan nghênh, song dường như nó sẽ chỉ là “muối bỏ biển” so với nhu cầu tái kiến thiết của Syria. Damascus từng ước tính rằng sẽ cần tới 195 tỷ USD để xây dựng lại đất nước, trong khi con số của Ngân hàng Thế giới (WB) là 250 tỷ USD, gấp 4 lần GDP của quốc gia Trung Đông này năm 2010.

Một binh sĩ thuộc lực lượng quân đội chính phủ Syria. (Nguồn: Reuters)

Thêm vào đó, hiện vẫn chưa rõ liệu lời đề nghị 23 tỷ USD có được chuyển đến Syria hay không. Trước đó, Syria đã không có được vai trò, ảnh hưởng kinh tế hay mang lại lợi ích cho Trung Quốc nhiều như những quốc gia sản xuất dầu và khí gas ở trong khu vực, bao gồm Iran và các quốc gia vùng Vịnh.

Tình trạng có phần “chênh vênh” của Syria càng khiến khả năng này trở nên mong manh hơn. Đầu tiên, có thể kể đến rủi ro khi tiến hành tái kiến thiết trong bối cảnh chiến tranh vẫn chưa chấm dứt. Các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ không sẵn sàng đầu tư một khi khả năng phe đối lập đảo ngược tình thế và bạo lực trở lại vẫn còn đó. Khi đó, họ sẽ thiên về việc đầu tư vào những nơi đáng tin tưởng, với nền tảng chính trị ổn định, như tại Dubai hay Doha.

Một vấn đề khác đến từ việc Chính phủ Syria không sẵn lòng giải quyết nguyên nhân thực sự đằng sau cuộc nổi dậy và nội chiến. Gần đây, Chính phủ Syria đã đẩy mạnh những biện pháp như Đạo luật 10, khiến bất mãn ngày càng tăng. Đạo luật 10 đặt ra khuôn khổ về việc sử dụng đất và hợp đồng sử dụng đất. Không chỉ giới hạn sự liên quan của các cộng đồng địa phương, nó cũng thu hẹp quãng thời gian mà công dân có thể chứng minh quyền sở hữu đối với mảnh đất của mình xuống còn 2 tháng. Điều này sẽ tước đi quyền lợi của phần nhiều trong số 8 triệu người tị nạn Syria, vốn từ bỏ quê hương vì chiến tranh.

Quan trọng hơn, Đạo luật 10 đi ngược lại với những lời khuyên về tái kiến thiết thời hậu chiến. WB từng cho rằng bạo lực thường sản sinh ra bạo lực và để phá vỡ vòng xoáy này, chính phủ và người đóng góp cần theo đuổi chính sách nhầm xây dựng lòng tin nơi công chúng như đảm bảo an toàn, xây dựng trường học, duy trì các dịch vụ y tế và cung cấp việc làm. Robert Mac Ginty, một học giả có kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu hòa bình, cũng có quan điểm tương tự: Quá trình tái kiến thiết sẽ vô cùng khó khăn nếu Chính phủ không giải quyết những vấn đề như người tị nạn hồi hương, cải thiện tình trạng an ninh hay đưa ra những chính sách đảm bảo an sinh xã hội.

Cậu bé đi dọc theo một con phố bị tàn phá do chiến sự ở Douma, một vùng ngoại ô của Damascus, Syria vào ngày 16/4. Douma là nơi mà Mỹ và các đồng minh cho rằng Chính phủ Tổng thống Bashar Assad đã tiến hành một cuộc tấn công hóa học ngày 7/4 khiến hơn 40 người thiệt mạng. (Nguồn: Reuters)

Cho đến nay, Trung Quốc vẫn chưa cho thấy vai trò rõ ràng trong thúc đẩy tầm nhìn này, hay thuyết phục Chính phủ Syria theo đuổi nó. Hồi tháng 11/2017, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng, giải pháp cho vấn đề Syria nằm ở việc tiếp tục nỗ lực chống khủng bố, song song với tiến hành đối thoại và đàm phán với lực lượng đối lập để tiến tới ổn định chính trị. Vai trò của việc tái kiến thiết nền kinh tế sẽ là “đảm bảo” cho thỏa thuận cuối cùng.

Vấn đề với lời khuyên này là Trung Quốc đã không nêu rõ về các bên tham gia cuộc đối thoại, do điều này có thể bị coi là can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác. Tận dụng lợi thế đó, Tổng thống Assad đã giới hạn điều khoản thương thảo tại đàm phán Geneva do Liên hợp quốc tổ chức tháng 12/2017, đồng thời từ chối xem xét thay đổi Hiến pháp hay bầu cử Tổng thống. Trong bối cảnh chiến thắng đang ngày một hiện hữu, khả năng ông Assad cân nhắc lại những gì mình nói lại càng trở nên mong manh hơn.

Dù vậy, bất chấp sức mạnh quân sự ở thời điểm hiện tại, Chính phủ Syria cần những đầu tư và hỗ trợ từ phía Trung Quốc. Do đó, Bắc Kinh đang ở một vị trí thuận lợi để định hình tương lai của Damascus thời hậu chiến. Tuy nhiên, Trung Quốc dường như vẫn đang thờ ơ với cơ hội này. Thay vào đó, sự chần chừ của Bắc Kinh trong việc tận dụng ảnh hưởng với Syria có thể kéo dài tình trạng bất ổn và thiếu ổn định tại quốc gia Trung Đông, trực tiếp ảnh hưởng với nỗ lực tham gia tái kiến thiết Syria của Trung Quốc.

(theo The Diplomat)