Trong bài viết trên tờ Study Times mới đây, Viện trưởng Viện Kinh tế học thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Trung Quốc, thành viên Ủy ban tư vấn chiến lược ngành công nghiệp chế tạo quốc gia Trung Quốc Huang Qunhui cho rằng, Trung Quốc cần tiến hành những cải cách thực chất đối với doanh nghiệp nhà nước (SOEs) thông qua việc khuyến khích hơn nữa vấn đề cạnh tranh và xây dựng một hệ thống trợ cấp chính phủ minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Trung Quốc vẫn gửi niềm hy vọng vào doanh nghiệp nhà nước. (Nguồn: China Urged) |
Theo chuyên gia trên, trong kế hoạch 5 năm lần thứ 14, Trung Quốc cần tập trung điều chỉnh cơ cấu vốn nhà nước, tiến hành những bước đi lớn trong việc rút vốn khỏi những hoạt động kinh doanh không có vai trò cốt lõi và thiếu hiệu quả, tập trung vào các ngành công nghiệp then chốt. Các SOEs được kỳ vọng sẽ đóng vai trò lớn hơn trong chiến lược “tuần hoàn kép” khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc tham dự cuộc họp vào cuối tháng 10 này để thảo luận về kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025.
Trước đó, vào tháng 5, Chủ tịch Tập Cận Bình đã công bố chiến lược tuần hoàn kép với việc đặt trọng tâm nhiều hơn vào thị trường trong nước nhằm giúp Trung Quốc tăng trưởng trong một thế giới ngày càng trở nên bất ổn.
Tuy nhiên, chiến lược này vẫn còn để ngỏ nhiều câu hỏi về tương lai của khu vực kinh tế tư nhân và làm gia tăng thái độ nghi ngờ từ thế giới bên ngoài, nhất là Mỹ và châu Âu.
Theo các chuyên gia, đối với các lĩnh vực điện, viễn thông, đường sắt, dầu khí... Trung Quốc phải mở cửa toàn diện những mảng kinh doanh phù hợp với cạnh tranh thị trường; đồng thời, thành lập một hệ thống trợ cấp và bồi thường theo chuẩn quốc tế, minh bạch, hợp lý và đáng tin cậy.
Tập đoàn lưới điện nhà nước Trung Quốc và Tập đoàn lưới điện phía Nam Trung Quốc cũng được đề xuất đưa vào diện tái cơ cấu, bảo đảm hai đơn vị này bám sát mục tiêu kinh doanh duy nhất là phân phối điện trên toàn quốc.
Ngoài ra, chính phủ cần cho phép các nhà đầu tư tư nhân được mua cổ phần lớn hơn trong các SOEs để giúp tạo thêm vốn cho nghiên cứu và phát triển, từ đó nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia.
Tính đến cuối năm 2018, tổng tài sản của các SOEs ở Trung Quốc là 210.000 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 31.000 tỷ USD), với số tài sản ròng sau khi trừ các khoản nợ là 58.700 tỷ Nhân dân tệ. Các SOEs từ lâu luôn được xem là trụ cột của nền kinh tế Trung Quốc mặc dù tỷ trọng của các doanh nghiệp này trong tổng sản lượng kinh tế quốc gia đã giảm mạnh trong thập kỷ qua.
Khu vực kinh tế nhà nước ở Trung Quốc nhận lại vai trò đầu tàu trong chiến dịch kích thích kinh tế do nhà nước dẫn dắt nhằm đối phó với khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, Việc này dẫn đến những phản ứng từ khu vực tư nhân và nước ngoài, cho rằng các SOEs nhận được đối xử đặc biệt về ưu đãi đầu tư và môi trường kinh doanh.
Đến nay, vai trò của SOEs trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 nhận được sự biểu dương của chính phủ. Bắc Kinh đang kỳ vọng các SOEs sẽ dẫn dắt các động lực để đạt được đột phá về khoa học, công nghệ nhằm đối phó với những nỗ lực của Mỹ trong cuộc chiến thương mại hiện nay.