Trong Báo cáo thường niên vừa công bố, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nhận định, rủi ro tài chính vẫn gia tăng ở Trung Quốc, dù nước này đã có nhiều nỗ lực tái cân bằng nền kinh tế, giảm phụ thuộc vào việc sản xuất hàng giá trị thấp.
Tổng thư ký OECD Angel Gurria cho rằng, sau nhiều thập niên tăng trưởng quá nóng, nước này cần tập trung vào việc tăng trưởng bền vững và toàn diện hơn, bên cạnh việc giải quyết các rủi ro đặt ra với sự ổn định của nền kinh tế.
Báo cáo của OECD chỉ ra một loạt vấn đề mà Trung Quốc cần nhanh chóng giải quyết, trong đó nhấn mạnh tới các khoản nợ doanh nghiệp đang leo cao, sản lượng công nghiệp dư thừa, “bong bóng” trong thị trường bất động sản và một số thị trường tài sản khác. Những bong bóng này vốn là mầm mống làm gia tăng nguy cơ vỡ nợ, mất kiểm soát kinh tế. OECD nhận định, bong bóng bất động sản, đòn bẩy đầu tư và nợ quá cao trong khu vực doanh nghiệp là các nguy cơ lớn đối với sự ổn định tài chính của Trung Quốc, dù nước này đang thực hiện một số biện pháp cắt giảm thuế để hạ bớt gánh nặng cho doanh nghiệp.
Mục tiêu tăng trưởng khiêm tốn hơn sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đẩy lùi những rủi ro về nợ, đồng thời thúc đẩy cải cách. (Nguồn: Shutterstock) |
Nợ doanh nghiệp Trung Quốc tăng liên tục từ mức 100% GDP từ hồi cuối năm 2008, hiện tương đương khoảng 175% GDP, trong đó nợ của các doanh nghiệp nhà nước (SOE) chiếm gần 75% số nợ trên. Tỷ lệ này thuộc hàng cao nhất trong các nền kinh tế mới nổi. Giám đốc bộ phận nghiên cứu về Trung Quốc thuộc OECD Alvaro Santos Pereira cảnh báo, rủi ro nội tại lớn nhất của quốc gia châu Á này là sự tăng trưởng tín dụng cả về khối lượng lẫn tốc độ, trong hệ thống ngân hàng chính thức và không chính thức.
Cùng quan điểm này, Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) cho rằng, trong danh sách các mối rủi ro đáng kể trong nền kinh tế Trung Quốc có sự bùng nổ tín dụng quá lớn và phản ứng chính sách quá tích cực khi tình hình lạm phát đi lên. Goldman Sachs phân tích, quy mô của sự bùng nổ cho vay thể hiện trong dữ liệu công bố ngày 15/2, Trung Quốc bơm tín dụng trong tháng 1 nhiều hơn cả sản lượng kinh tế của Thụy Điển hay Ba Lan.
Trong Báo cáo, OECD dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2017 có khả năng sẽ giảm xuống 6,5% bằng với mục tiêu tăng trưởng của nước này và 6,3% vào năm 2018. Trước đó, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ tăng trưởng 6,7% vào năm 2016 - mức tăng chậm nhất trong vòng 26 năm qua. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, mục tiêu tăng trưởng khiêm tốn hơn sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đẩy lùi những rủi ro về nợ, đồng thời thúc đẩy cải cách.
Xuất khẩu của Trung Quốc dự báo sẽ tăng 3,4% trong năm 2017 và 3,3% vào năm tiếp theo, cao hơn so với mức tăng 2,3% năm 2016 nhờ nhu cầu thế giới đi lên. Khối lượng nhập khẩu cũng sẽ tăng 7,7% trong năm 2017 và 6,0% vào năm 2018, giảm so với mức tăng 8,6% năm 2016 do hàng nhập khẩu dùng để chế biến các mặt hàng xuất khẩu sụt giảm.
Tuy nhiên, năm 2017, rủi ro cho kinh tế Trung Quốc không chỉ từ các vấn đề nội tại. Báo cáo của OECD lưu ý đến một số rủi ro từ bên ngoài như nhu cầu không ổn định của các thị trường, rào cản thương mại tăng lên do một số đối tác thương mại áp dụng chính sách bảo hộ sẽ ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu của Trung Quốc. Chẳng hạn sự kiện, Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nói sẽ đánh thuế quan cao lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thì dự kiến tăng lãi suất nhanh hơn trong năm nay.
Để hóa giải những khó khăn trên, giảm thiểu những tác động xấu, Tổng thư ký OECD Angel Gurria cho rằng, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể xúc tiến ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác, cần thêm sự đổi mới, tinh thần kinh doanh, quản trị doanh nghiệp hiệu quả và cải cách doanh nghiệp nhà nước.