📞

Trung tá Đào Trung Hiếu: Cần có bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội

Trung tá Đào Trung Hiếu* 19:30 | 14/06/2021
Chuyên gia Tội phạm học, Trung tá Đào Trung Hiếu (Bộ Công an) nhận định, mỗi cá nhân sử dụng mạng xã hội cần xác định rõ trách nhiệm của mình trước mọi phát ngôn, đồng thời việc siết chặt kỷ luật phát ngôn trên không gian mạng là cần thiết.

Trung tá Đào Trung Hiếu cho rằng cần có bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội.

Từ câu chuyện bà Hằng “bóc phốt”

Bà Nguyễn Phương Hằng đã trở thành một hiện tượng nổi bật trên truyền thông mạng xã hội trong nước thời gian gần đây.

Việc bà Hằng công khai hoá một số thông tin bất lợi nhằm vào vài cá nhân, và có nhiều thông tin đã được xác thực là đúng, chẳng hạn như việc nghệ sĩ “găm” tiền từ thiện, nghệ sĩ vì tiền mà quảng cáo sai sự thật cho các sản phẩm thực phẩm chức năng, kêu gọi đầu tư vào các sàn giao dịch ảo, hay việc tố cáo một người được biết đến như một “thần y” đã làm những việc giả dối, lừa gạt… đã gây được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Sở dĩ có sự chú ý này vì đó là những thông tin sốc, độc, lạ về góc khuất của những người nổi tiếng.

Quan sát sự việc dưới góc độ một người nghiên cứu về tội phạm, tôi cho rằng những điều bà Hằng phát ngôn đã tạo nên dư luận xã hội. Có thể xem đây là một kênh thông tin để các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra xác minh. Nếu các nhân vật được bà Hằng đề cập có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì phải làm rõ và xử lý nghiêm.

Tôi cho rằng, việc phát ngôn trên không gian mạng là quyền của bà Hằng, nếu những phát biểu ấy không vi phạm các quy định của pháp luật hay thuần phong mỹ tục của dân tộc. Đồng thời, không bịa đặt những điều mà bà biết rõ là không có thật nhằm xâm hại uy tín danh dự của người khác vì những động cơ, mục đích khác nhau.

Theo dõi việc bà Hằng “bóc phốt” (công khai những hành vi được cho là sai trái, khuất tất của cá nhân, tổ chức), tôi thấy bên cạnh những điều đã được xác định là đúng, cũng có những thông tin mang tính quy kết, buộc tội có phần hơi “vội vã”.

Trung tá Đào Trung Hiếu: "Mỗi cá nhân sử dụng mạng xã hội cần xác định rõ trách nhiệm của mình trước mọi phát ngôn, lường trước các hậu quả pháp lý có thể phải gánh chịu, để điều chỉnh hành vi phù hợp với các quy định của pháp luật".

Nếu bà Hằng có những bằng chứng củng cố cho cáo buộc của mình, thì điều đó có ích cho xã hội, vì giúp làm sáng rõ những khuất tất, sai trái của một số người lợi dụng uy tín, nghề nghiệp để thực hiện hành vi xâm hại lợi ích của xã hội, cộng đồng.

Nhưng nếu không có các chứng cứ, thì việc tuyên bố công khai hoặc ám chỉ những thông tin này, sẽ xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức có liên quan. Và điều này đã dẫn đến việc bà Hằng phải gánh chịu những rủi ro pháp lý. Cụ thể là mới đây bà đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một vài phát ngôn liên quan đến một cơ quan Nhà nước.

Cá nhân tôi thấy, việc minh bạch thông tin là cần thiết nhưng phải tính đến liều lượng và độ rủi ro. Với những vấn đề chưa rõ, hoặc không có những chứng cứ cụ thể, thì không nên đăng tải lên mạng xã hội. Vì sự tự do trong phát ngôn của mình, có thể làm ảnh hưởng đến quyền tự do của người khác.

Ngoài ra, nếu có những chứng cứ xác đáng, nên cung cấp cho cơ quan chức năng, chứ khi chưa có các kết luận của cơ quan có thẩm quyền, thì việc công khai hoá trên mạng có thể mang đến cho chủ thể phát ngôn những bất lợi nhất định.

Kỷ luật phát ngôn trên không gian mạng

Quan sát phản ứng của cơ quan chức năng trong sự việc này, tôi chưa thấy có sự kịp thời cần thiết. Có thể thấy truyền thông chính thống chưa quan tâm nhiều đến những hoạt động nhân đạo, từ thiện rất tích cực của gia đình bà Hằng, cũng chưa theo dòng thời sự để tìm hiểu các cáo buộc của bà…

Theo chúng tôi, với những sự kiện xôn xao dư luận và truyền thông như thế này, cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để định hướng cho các bên ứng xử trên mạng xã hội phù hợp với đòi hỏi của pháp luật. Đồng thời, nên coi những thông tin bà Hằng đưa ra như một kênh tham khảo để tiến hành xác minh, làm rõ.

Đặc biệt, việc siết chặt kỷ luật phát ngôn trên không gian mạng là cần thiết. Đồng thời người dân rất nên chủ động tìm hiểu và nhận thức đầy đủ các quy định của pháp luật về ứng xử trên không gian mạng, để tự mình kiểm soát phát ngôn, không làm những việc pháp luật cấm, đồng thời biết cách để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi bị xâm hại.

Mỗi cá nhân sử dụng mạng xã hội cần xác định rõ trách nhiệm của mình trước mọi phát ngôn, lường trước các hậu quả pháp lý có thể phải gánh chịu, để điều chỉnh hành vi phù hợp với các quy định của pháp luật.

Cần có bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội

Theo tôi, rất cần thiết phải có bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, bởi đó là một thực thể trong đời sống xã hội hiện nay. Bên cạnh các ích lợi mà công cụ này đem lại như liên kết xã hội vào các hoạt động có ích cho cộng đồng, phản biện xã hội, thông đạt các vấn đề cá nhân đến với xã hội…, thì mạng xã hội cũng ẩn chứa rất nhiều nguy cơ, như người dùng rất dễ bị lôi kéo vào các hoạt động trái pháp luật, vô tình hoặc cố ý lan truyền các thông tin xâm hại các quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác.

Hiện tại ở Việt Nam có tới 64 triệu tài khoản mạng xã hội trên tổng số hơn 97 triệu dân. Nếu không có những định hướng cho việc sử dụng mạng xã hội, thì người dùng rất dễ vi phạm các quy định của pháp luật.

Hiện nay, trước những diễn biến phức tạp trên mạng xã hội, các đơn vị chức năng cần theo dõi chặt các hoạt động, phán đoán các nguy cơ, hậu quả có thể xảy ra với trật tự pháp luật, uy tín danh dự của cơ quan, tổ chức và cá nhân, để có những phản ứng kịp thời, ngăn chặn hậu quả xấu có thể xảy ra, xử lý nghiêm các sai phạm để răn đe, giáo dục phòng ngừa chung.

Trước mắt, Bộ Thông tin và Truyền thông có thể thông qua các nhà mạng viễn thông để chuyển tải đến các chủ thuê bao điện thoại những khuyến cáo trong việc sử dụng mạng xã hội, vì đây là cách làm mang lại hiệu quả rất cao.

*Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, không phản ánh quan điểm của Tòa soạn