📞

Trung tâm AKC: Điểm nhấn ngoại giao công chúng ASEAN-Hàn Quốc

Thu Hiền 10:00 | 29/11/2019
TGVN. Năm 2019 đánh dấu mốc 30 năm quan hệ ASEAN-Hàn Quốc và Trung tâm ASEAN - Hàn Quốc (AKC) tròn 10 tuổi. Kể từ khi thành lập năm 2009, AKC đã trở thành “nôi” của các chương trình giáo dục và văn hóa kết nối xứ sở kim chi và các nước trong ASEAN.
Con tàu ASEAN - Hàn Quốc là chương trình lớn nhất kỷ niệm 30 năm quan hệ Hàn Quốc - ASEAN và 10 năm AKC.

Sứ mệnh gắn kết

Tổng thư ký AKC Lee Hyuk từng nhấn mạnh rằng, mục tiêu cao nhất của AKC là củng cố quan hệ đối tác lâu dài và chân thành giữa ASEAN và Hàn Quốc, hướng tới một cộng đồng gần gũi, kết nối hơn tâm trí cũng như trái tim mỗi con người, đổi mới và tăng trưởng kinh tế theo hướng sáng tạo. AKC được đánh giá là trọng tâm của Chính sách hướng Nam mới của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

Năm 2018, Trung tâm đã công bố nghiên cứu nhận thức về ASEAN của người Hàn Quốc. Nghiên cứu phân tích dữ liệu trên các nền tảng trực tuyến và phương tiện truyền thông xã hội cho thấy, người Hàn Quốc đã khá quen thuộc với thuật ngữ Đông Nam Á; các vấn đề liên quan đến kinh tế và đầu tư là lĩnh vực mà người Hàn Quốc quan tâm nhiều nhất đối với khu vực ASEAN.

Kết quả nghiên cứu này chính là cơ sở để AKC xây dựng hệ thống chương trình kết nối ASEAN – Hàn Quốc. Trong hai năm qua, AKC đã giới thiệu một loạt bài giảng về triển vọng tích cực của ASEAN và các nước thành viên tới công chúng Hàn Quốc với các chủ đề nổi bật như đường đến thị trường ASEAN, sự đa văn hóa, tôn giáo… AKC còn tổ chức chương trình tham quan trường học ASEAN để mang đến cho sinh viên Hàn Quốc cơ hội trải nghiệm mọi khía cạnh văn hóa, giáo dục của các quốc gia thành viên Hiệp hội.

Với mục tiêu tăng cường tính gắn kết giữa thế hệ thanh niên ASEAN và Hàn Quốc, kể từ năm 2012, AKC thường xuyên tổ chức Hội thảo mạng lưới thanh niên ASEAN - Hàn Quốc. Mỗi giai đoạn, AKC đều đưa ra các chủ đề phù hợp. Thí dụ, giai đoạn 2012-2017, chủ đề liên quan đến bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Năm 2018, AKC lựa chọn chủ đề phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là thúc đẩy vai trò thanh thiếu niên.

Trong mọi chiến dịch, AKC thực hiện cách tiếp cận ba bước, bao gồm xây dựng mạng lưới giữa những người tham gia, thúc đẩy sự hiểu biết sâu sắc hơn về chủ đề và tạo cơ hội hợp tác trong tương lai. Với mỗi chủ đề, Trung tâm đều có các bài giảng, xây dựng đội nhóm, thảo luận và các hoạt động giao lưu văn hóa.

Kể từ năm 2012, AKC thường xuyên tổ chức Hội thảo mạng lưới thanh niên ASEAN - Hàn Quốc.

Bên cạnh việc hình thành mạng lưới thanh niên ASEAN – Hàn Quốc thông qua các hội thảo thường niên, AKC còn đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập cũng như nuôi dưỡng Mạng lưới thanh niên ASEAN tại Hàn Quốc (AYNK) và Hội đồng giáo sư ASEAN tại Hàn Quốc (CAPK). Việc xây dựng hai cơ chế này phản ánh nỗ lực của AKC, nhằm thể chế hóa các kết nối giữa người dân ASEAN ở Hàn Quốc. Hơn nữa, AKC còn khởi xướng và duy trì Hội nghị bàn tròn ASEAN tại Đại học Quốc gia Seoul. Hội nghị bàn tròn này là nền tảng ngoại giao giáo dục nhằm mục đích thúc đẩy nghiên cứu ASEAN tại các trường đại học Hàn Quốc, xây dựng đội ngũ sinh viên có thể thúc đẩy quan hệ ASEAN - Hàn Quốc hiện tại và tương lai.

Vừa qua, từ ngày 15-18/10, AKC đã tổ chức một sự kiện lớn nhất kể từ khi thành lập để kỷ niệm 30 năm quan hệ Hàn Quốc - ASEAN và 10 năm AKC mang tên Con tàu ASEAN - Hàn Quốc với 200 đại diện đến từ ASEAN và Hàn Quốc. Trong 4 ngày, các thành viên có cơ hội kết nối, cùng khám phá cảnh sắc và ẩm thực xứ sở kim chi. Thông qua chương trình, mỗi người dân ASEAN và Hàn Quốc đều chia sẻ mong muốn hòa bình, thịnh vượng và được sống trong một xã hội mà vai trò người dân đóng vai trò trung tâm. Người dân chính là cốt lõi trong việc xây dựng niềm tin và tình hữu nghị giữa ASEAN và Hàn Quốc.

… và lan tỏa giá trị

AKC tọa lạc ngay tại trung tâm Seoul, cách tòa thị chính Seoul chừng 20m. Có dịp đến thăm trung tâm một vài năm trước, phóng viên Việt Nam chúng tôi vô cùng ngỡ ngàng bởi những căn phòng trưng bày đậm chất ASEAN, hội tụ các nét đặc sắc nhất của 10 nền văn hóa Đông Nam Á. Đến với Trung tâm, người dân Hàn Quốc như đến với một ASEAN thu nhỏ, họ từ biết về ASEAN đến hiểu và yêu thích văn hóa của các quốc gia Đông Nam Á.

Tượng chú Tễu, tranh chùa Một Cột, hình ảnh Vịnh Hạ Long… là những đặc trưng văn hóa Việt Nam tại Trung tâm ASEAN - Hàn Quốc. Khẩu hiệu của du lịch Việt Nam: “Vẻ đẹp bất tận” với những thông số ngắn gọn, dễ nhớ về Việt Nam như: Diện tích; 331.210km2, dân số 89,4 triệu người, ngôn ngữ: tiếng Việt, thủ đô: Hà Nội, đơn vị tiền tệ: Đồng… được bài trí một cách khoa học trên các bức tường.

Tổng thư ký Trung tâm ASEAN - Hàn Quốc (AKC) Lee Hyuk từng là Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam.

Tổng thư ký Trung tâm Lee Hyuk từng là Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam, sau khi hoàn thành nhiệm kỳ tại Việt Nam cũng như kết thúc sự nghiệp ngoại giao 38 năm, ông tiếp tục đảm nhiệm vai trò nhà ngoại giao nhân dân tại Trung tâm. Bên cạnh các hoạt động giao lưu giáo dục, văn hóa, Tổng thư ký Lee Hyuk cho biết, Trung tâm còn đang hướng tới trở thành cầu nối để doanh nghiệp ASEAN và Hàn Quốc xích lại gần nhau hơn, tạo ra những giá trị thiết thực hơn.

Với Việt Nam, để giảm sự chênh lệch trong cán cân xuất nhập khẩu, Tổng thư ký Hyuk cùng các đồng nghiệp của Trung tâm đã tích cực hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam, giới thiệu các dự án cơ sở vật chất triển vọng. Trung tâm đồng thời tổ chức các cuộc gặp gỡ tiếp xúc và có nhiều diễn đàn thúc đẩy liên quan trong lĩnh vực thương mại của Hàn Quốc và Việt Nam. Năm 2018, Trung tâm đã tổ chức chương trình mời cán bộ công chức Bộ Kế hoạch Đầu tư Việt Nam sang để tổ chức Hội thảo giới thiệu về chính sách đầu tư nước ngoài của Việt Nam.

Trung tâm ASEAN – Hàn Quốc khai trương vào ngày 13/3/2019 với sự tham dự của Thủ tướng Hàn Quốc Yu Myung Hwan. Đây được coi là kết quả của thỏa thuận giữa chính phủ Hàn Quốc và Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN-Hàn Quốc lần thứ 11 tại Singapore (11/2007), nhằm tăng cường và thúc đẩy quan hệ giữa ASEAN và Hàn Quốc trên các lĩnh vực kinh tế thương mại, đầu tư, du lịch, văn hóa và con người giữa Hàn Quốc và các nước ASEAN.