Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp phối hợp với Công ty TNHH cơ khí đúc Thành Phương xây dựng mô hình trình diễn trong sản xuất đúc kim loại. |
Thành tựu công nghiệp không chỉ tạo nguồn đưa Hải Phòng trở thành một trong những địa phương có tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nhanh và lớn nhất cả nước, mà còn tạo thế chủ động cho nguồn lực thương mại, dịch vụ.
Quan trọng hơn nữa, công nghiệp phát triển tiếp tục tạo nhiều việc làm, tương hỗ với thu nhập cho cộng đồng xã hội, đồng thời tham gia đóng góp vào ngân sách nhà nước. Với việc đặt công nghiệp là một trong những trụ cột quan trọng nhất, trong giai đoạn mới, thành phố Hải Phòng khuyến khích kinh tế đa thành phần, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, tham gia mạng lưới sản xuất vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Trong chiến lược dài hạn, công nghiệp thành phố phấn đấu tái cơ cấu theo hướng ưu tiên phát triển các nhóm ngành cơ khí chế tạo, thiết bị điện và điện tử, hóa chất, chế biến xuất khẩu… và công nghiệp hỗ trợ liên quan, đặc biệt là tập trung phát triển sản xuất ứng dụng khoa học – kỹ thuật tiên tiến.
Quan điểm nhất quá là tiếp tục phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo với hai ngành chủ lực là sản xuất chế tạo ô tô và điện tử - tin học. Dựa trên nền tảng thuận lợi về hạ tầng, thủ tục hành chính, quỹ đất để tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast, tổ hợp sản xuất thiết bị điện tử của Tập đoàn LG, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Đồng thời ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp chủ lực nhằm nâng cao giá trị sản xuất và tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Đây là các ngành công nghiệp đóng vai trò quan trọng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại ngành công nghiệp thành phố. Thành phố cũng chủ trương đến năm 2025, phát triển 15 khu công nghiệp với tổng diện tích 6.418 ha, 23 cụm công nghiệp với tổng diện tích 973 ha.
Chỉ trong thời gian ngắn kể từ khi được thành lập, Đề án khuyến công địa phương và quốc gia được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp thành phố Hải Phòng triển khai thực hiện đúng nội dung, tiến độ đề án được duyệt và các hợp đồng đã ký, đạt mục tiêu, đảm bảo hỗ trợ kịp thời kinh phí tới các đối tượng thụ hưởng, đảm bảo chất lượng công tác phối hợp, tiến độ thực hiện, hiệu quả của đề án.
Các nội dung chi và thanh quyết toán đề án thực hiện theo đúng các quy định hiện hành. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn và chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại các địa phương nơi triển khai đề án; tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Thông qua hoạt động khuyến công đã thu hút thêm nhiều nguồn lực đầu tư và đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong việc đầu tư, phát triển công nghiệp nông thôn.
Bên cạnh thực hiện các đề án, Trung tâm thực hiện thông báo, tổng hợp nhu cầu hỗ trợ của các cơ sở CNNT có sản phẩm được công nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực, quốc gia báo cáo Cục Công Thương địa phương xây dựng kế hoạch hỗ trợ, phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu; hỗ trợ cơ sở CNNT lập hồ sơ và đưa sản phẩm tham gia bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực; thông báo, vận động, hỗ trợ cơ sở CNNT thành phố tham gia 10 gian hàng tại các Hội chợ, triển lãm trong khu vực; tham gia Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ năm 2020, vận động doanh nghiệp tham gia Triển lãm quốc tế về Công nghiệp hỗ trợ và Chế biến chế tạo Việt Nam năm 2020 và Hội thảo Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – Tiềm năng và cơ hội.
Thời gian qua, dù nguồn kinh phí hỗ trợ cho triển khai các đề án của khuyến công Hải Phòng không lớn nhưng đã tạo động lực đáng kể cho các doanh nghiệp công nghiệp nông thôn đầu tư đổi mới sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Chẳng hạn, từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia năm 2020, Trung tâm đã hỗ trợ một phần kinh phí thực hiện cho doanh nghiệp thông qua đề án “Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới trong sản xuất đúc kim loại”. Hạng mục được hỗ trợ là đầu tư hệ thống xử lý cát tươi và dây chuyền làm khuôn tự động. Đến nay, đề án đã hoàn thành và vận hành ổn định, giúp doanh nghiệp gia tăng năng lực sản xuất, tăng đáng kể hiệu quả kinh tế. Đề án cũng đã tạo thêm việc làm cho 36 lao động kỹ thuật tại địa phương, với mức thu nhập bình quân 8 triệu đồng/tháng.
Chỉ riêng năm 2020, đã có 2 doanh nghiệp CNNT được hỗ trợ đầu tư, chuyển giao và ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất. Đáng lưu ý, nguồn kinh phí khuyến công hỗ trợ chỉ 1,8 tỷ đồng nhưng thu hút tới trên 13,9 tỷ đồng vốn đối ứng của các đối tượng thụ hưởng. Các đề án hoàn thành đã giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, cải thiện chất lượng sản phẩm, đồng thời tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Tuy nhiên, theo đại diện Trung tâm Khuyến công Hải Phòng, kinh phí ngân sách cấp cho việc thực hiện các nhiệm vụ khuyến công còn hạn hẹp, thời gian phê duyệt thực hiện gấp cũng tạo nên nhiều áp lực trong triển khai nhiệm vụ. Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trong thời gian dài ảnh hưởng nhiều đến tiến độ đầu tư, kế hoạch sản xuất, kinh doanh và chất lượng công tác phối hợp, tiến độ thực hiện, hiệu quả của các đề án.
Nhưng vượt qua khó khăn, tăng cường hợp tác, nỗ lực tìm kiếm và khai thác các nguồn vốn để đẩy mạnh xã hội hóa khuyến công khuyến khích, đặc biệt hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ; Hỗ trợ đào tạo tay nghề, quản lý; cải tiến mẫu mã, bao gói, nâng cao chất lượng sản phẩm; Ưu tiên xây dựng và triển khai các đề án ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến, công nghệ hiện đại, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, có giá trị gia tăng cao, thân thiện môi trường, nhằm mang lại nhiều việc làm và thu nhập cao cho người lao động…
Phát huy những kết quả đạt được, năm 2021, bên cạnh việc xây dựng và thực hiện kế hoạch khuyến công bám sát Chương trình khuyến công quốc gia và chương trình khuyến công thành phố Hải Phòng, Trung tâm tiếp tục tăng cường công tác tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công và kiện toàn, duy trì hoạt động mạng lưới khuyến công viên; Phối hợp với các cơ quan, đơn vị, đoàn thể đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm phổ biến sâu rộng nhận thức về chính sách khuyến công; Thiết lập hệ thống khuyến công cơ sở;
Trung tâm đồng thời chú trọng lồng ghép các nội dung chương trình khuyến công với các dự án, chương trình mục tiêu khác để thu hút nguồn vốn của các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển công nghiệp nông thôn; Tăng cường sự phối kết hợp với các tổ chức và cá nhân liên quan, nỗ lực tìm kiếm và khai thác các nguồn vốn khác để đẩy mạnh hoạt động khuyến công; Tham mưu hoàn thiện các quy định cụ thể về xây dựng, thẩm định, tổ chức thực hiện và thanh quyết toán đề án khuyến công tại địa phương.
- Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp chính thức được thành lập ngày 1/2/2020, trên cơ sở hợp nhất các Trung tâm thuộc Sở: Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp, Tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn, Tư vấn Điện-Khoáng sản và Thương mại điện tử. - Năm 2020, khuyến công Hải Phòng hoàn thành 7 đề án với tổng kinh phí hỗ trợ 2,242 tỷ đồng, trong đó có 5 đề án khuyến công địa phương và 2 đề án khuyến công quốc gia. |