Bác sĩ Spencer, 33 tuổi, rời Guinea ngày 14/10, và trở về thành phố New York hôm 17/10. Hôm thứ Ba (21/10), ông bắt đầu cảm thấy mệt mỏi và hôm qua đã bị sốt cùng tiêu chảy.
Ngay lập tức, ông đã liên lạc với dịch vụ y tế và được đưa đến Bệnh viện Bellevue của thành phố New York và được cách ly.
Theo các quan chức New York, bác sĩ Spencer đã đi tàu điện ngầm và chạy bộ trước khi ông bắt đầu cảm thấy không được khỏe.
Tuy nhiên, tại một cuộc họp báo chiều ngày 23/10, các quan chức đã cố gắng trấn an dân chúng tại thành phố có 8,4 triệu người này khi cho rằng thành phố đã chuẩn bị đầy đủ trong nhiều tuần qua cho trường hợp nhiễm Ebola nếu xảy ra. Họ khẳng định, không có nguy cơ nhiễm bệnh với những người từng tiếp xúc với bác sĩ Spencer.
Cùng ngày, Tổng thống Barack Obama đã gọi điện cho cả thị trưởng thành phố và thống đốc bang để thảo luận về việc triển khai các quan chức y tế và cung cấp "bất kỳ hỗ trợ bổ sung của liên bang nếu cần thiết", Nhà Trắng cho biết.
Hiện các quan chức Mỹ cũng đã xác định được bốn người mà Tiến sĩ Spencer đã tiếp xúc trong thời gian ông có khả năng nhiễm bệnh.
Bác sĩ Spencer là bệnh nhân nhiễm Ebola đầu tiên được phát hiện tại New York và là bệnh nhân nhiễm virus Ebola thứ tư tại Mỹ.
Trường hợp thứ nhất là một người Liberia đi du lịch đến Dallas, Texas trước khi có triệu chứng nhiễm Ebola. Người này tử vong hôm 8/10. Hai y tá chữa trị cho bệnh nhân đầu tiên ở Dallas sau đó đều nhiễm bệnh và hiện đang được điều trị trong bệnh viện.
Trong một diễn biến liên quan, Mali đã xác nhận trường hợp đầu tiên nhiễm Ebola sau khi một bé gái hai tuổi xét nghiệm cho kết quả dương tính với virus này.
Theo những con số thống kê mới nhất, hơn 4.800 người đã chết vì Ebola - chủ yếu ở Liberia, Guinea và Sierra Leone - kể từ tháng ba năm nay.
N.K (theo BBC)