Một bộ tượng cổ Hindu, Ấn Độ. (Nguồn: BBC) |
Ông S. Vijay Kumar - một “thám tử nghệ thuật” không chuyên đã hơn một thập kỷ qua thực hiện sứ mệnh truy tìm và thu hồi hàng ngàn tượng thần bị trộm từ các ngôi đền ở Ấn Độ và bán cho các viện bảo tàng, sưu tập thông qua một thị trường quốc tế ngầm.
Từ năm 2008, ông Kumar giúp chính quyền Ấn Độ thu hồi gần 300 cổ vật, bao gồm những tượng đồng tinh xảo có từ thế kỷ X đến thế kỷ thứ XX TCN.
Ông đã thu hồi cổ vật từ những người buôn đồ cổ ở Amsterdam, các nhà sưu tập tư nhân ở London và các tổ chức bao gồm Phòng trưng bày Quốc gia Australia và Bảo tàng Nghệ thuật Honolulu.
Kumar cho biết, ông và các quan chức Ấn Độ đang làm việc với Bảo tàng Nghệ thuật và Khảo cổ học Ashmolean của Đại học Oxford (Anh) để đòi lại một tác phẩm và đang thương thảo với Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York để hồi hương nhiều hiện vật.
Ấn Độ là một trong hơn 100 quốc gia đã phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc năm 1970 cấm buôn bán di sản văn hóa và yêu cầu thu hồi các vật phẩm bị đánh cắp. Công ước đó và các luật khác ở các quốc gia khác nhau cung cấp cho Kumar cơ sở pháp lý để truy lùng những món đồ bị đánh cắp từ Ấn Độ từ những năm 1970.
Tài sản giá trị lớn
Cổ vật đã bị buôn bán rất nhiều trong thời kỳ hiện đại. Thị trường trở nên sôi động do hoạt động của những tên trộm ở các ngôi làng nghèo, những kẻ bán tượng thần được chính cộng đồng của họ tôn thờ - và do nhu cầu của các nhà sưu tập giàu có và các bảo tàng cách xa nửa vòng Trái đất.
Theo một thống kê của chính phủ Ấn Độ, trong 35 năm trước năm 2012, Ấn Độ chỉ thu hồi được khoảng 20 đồ cổ bị đánh cắp. Nhưng số lượng vật phẩm được thu hồi đã tăng vọt trong thập niên vừa qua, một phần nhờ vào nhóm tình nguyện viên của Kumar, được gọi là “Dự án Niềm tự hào Ấn Độ”.
Bất cứ khi nào nhận được thông tin mới về một tác phẩm nghệ thuật Ấn Độ lưu lạc ở nước ngoài, Kumar đều tìm kiếm các dấu hiệu nhận biết như phần đế bị sứt mẻ, hoặc vết nứt trên bức tượng…
Sau đó, ông tìm kiếm cổ vật đó trong kho cơ sở dữ liệu gồm khoảng 10.000 tác phẩm nghệ thuật đền thờ được anh lưu trữ trong chiếc máy tính xách tay mà ông mang theo đi khắp nơi. Nếu có một sự trùng khớp và Kumar có thể chứng minh được cổ vật đó đã bị đánh cắp, ông sẽ thông báo cho cơ quan thực thi pháp luật.
Trong những năm gần đây, Kumar hoạt động rất tích cực và đã trở nên nổi tiếng trong giới nghệ thuật Nam Á, đến mức ông được một số quan chức thực thi pháp luật xem như là chỗ dựa tin cậy khi thực thi nhiệm vụ.
Công tố viên kỳ cựu Matthew Bogdanos, người đứng đầu Đơn vị điều tra buôn bán cổ vật thuộc Văn phòng Biện lý Quận Manhattan (Mỹ), người đã phối hợp với Kumar trong một số vụ việc, mô tả ông là một “tài sản có giá trị cực kỳ lớn”.
Kumar có bước đột phá lớn đầu tiên vào năm 2011, khi ông phát hiện những món đồ do nhà buôn nghệ thuật Subhash Kapoor ở New York bán được ghi lại trong các nghiên cứu của Pháp về các ngôi đền ở bang Tamil Nadu (Ấn Độ) vào những năm 1950. Chính phát hiện này của Kumar khi được cảnh sát Ấn Độ tiếp nhận đã cung cấp mảnh ghép cuối cùng cho cuộc điều tra kéo dài của Cơ quan An ninh Nội địa Mỹ về ông Kapoor.
Kapoor bị bắt theo lệnh của Interpol vào năm 2011 với cáo buộc buôn bán cổ vật và hiện đang bị xét xử ở Ấn Độ.
Cổ vật hồi hương
Năm 2011, ông Kumar đã góp phần giúp nhà chức trách Mỹ thu giữ một tác phẩm điêu khắc bằng đá sa thạch có hình tượng thần Jain Rishabhanatha từ một cuộc đấu giá của hãng Christie’s. Ông cũng giúp thu hồi một bức tượng Phật bị đánh cắp từ Nalanda, một trong những trung tâm Phật học lâu đời nhất.
Một ngày năm 2018, khi Kumar đang tìm hiểu nguồn gốc của một bức tượng thần Hanuman tại một bảo tàng ở Singapore thì phát hiện trong cơ sở dữ liệu của mình một bức ảnh chụp bức tượng đó, do các nhà nhân chủng học chụp năm 1956 tại một ngôi đền ở bang Tamil Nadu. Trong ảnh, bên cạnh tượng Hanuman là một tượng thần Ram giống như bức tượng đang được giữ ở London, cùng với hai tượng thần khác. Kumar nhận ra bốn pho tượng này là một bộ tượng.
Ông báo cảnh sát và các nhà điều tra tìm thấy hồ sơ địa phương ghi lại rằng dân làng đã báo cáo bốn bức tượng bị trộm từ cùng một ngôi đền vào ngày 21/11/1978.
Sau đó, cảnh sát Anh đã đến phòng trưng bày ở London, xác nhận sự việc và đạt được thỏa thuận với chủ phòng trưng bày để thu hồi được ba trong số bốn bức tượng; bức tượng thứ tư vẫn còn ở Singapore. Dân làng đã chào đón những bức tượng trở lại quê nhà vào ngày 21/11/2021, đúng 43 năm sau khi bộ tượng bị mang đi.
Hôm đó, dân làng đốt pháo hoa, tổ chức đám rước các bức tượng và ngay lập tức tiếp tục thờ cúng.
Ông Madhavan Iyer, tu sĩ trụ trì của ngôi đền, kể lại: “Chúng tôi đã ăn mừng rất linh đình. Nhưng niềm vui vẫn chưa trọn vẹn cho đến khi vị thần thứ tư trở lại. Anh Kumar đã hứa với chúng tôi điều đó”.