📞

Truyền thông ở đâu trong công tác phòng, chống ma túy?

21:20 | 29/10/2018
“Ma túy và tội phạm ma túy đang là hiểm họa toàn cầu, gây tác hại tới sức khỏe, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống xã hội. Vì vậy, phòng và chống ma túy thực sự trở thành một mặt trận nóng bỏng, phức tạp, là nỗi trăn trở của mọi tầng lớp trong xã hội”.

Đó là chia sẻ của ông Lê Việt Đông (Phó Tổng Gám đốc Cổng Thông tin điện tử Chính phủ) tại Hội thảo “Những vấn đề mới đặt ra trong truyền thông phòng ngừa lạm dụng chất gây nghiện” diễn ra chiều nay (29/10) tại Hà Nội.

Sự kiện do Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) phối hợp với Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn đồng tổ chức.

Xu hướng gia tăng lạm dụng chất gây nghiện

Ông Hoàng Vĩnh Bảo (Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy viên Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm) cho rằng, hiện nay tình hình lạm dụng chất gây nghiện có xu hướng gia tăng và đối tượng ngày càng trẻ hóa. Đặc biệt, hiện nay xuất hiện nhiều chất gây nghiện mới phức tạp, chưa có chế tài xử lý.

Bên cạnh đó, theo ghi nhận của đoàn kiểm tra phòng chống AIDS và tệ nạn ma túy, mại dâm tại một số địa phương, tình hình buôn bán chất gây nghiện ngày càng phức tạp, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Đối tượng lợi dụng mạng xã hội như Zalo, Facebook, các phương tiện giao thông, hệ thống vận chuyển của bưu điện để vận chuyển nên việc ngăn chặn trở nên phức tạp và khó khăn hơn.

“Trong thời đại phát triển của công nghệ nhanh như hiện nay, công tác thông tin, tuyên truyền theo phương thức cũ đã không còn phù hợp, không còn đáp ứng được yêu cầu. Vì vậy, để công tác phòng ngừa có hiệu quả, chúng ta cần đổi mới phương thức trong tuyên truyền, đảm bảo để mọi người tiếp cận được thông tin một cách dễ dàng hơn”, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo chia sẻ.

Toàn cảnh hội thảo. (Ảnh: YN)

Theo TS. Nguyễn Cửu Đức, Vụ Khoa giáo - Văn xã, Văn phòng Chính phủ, số người sử dụng ma túy trong độ tuổi từ 15 đến 64 tăng từ 226 triệu người (năm 2010) lên 255 triệu người (năm 2017). Số người sử dụng ma túy tổng hợp ở khu vực Đông Nam Á chiếm ½ số người sử dụng loại ma túy này trên thế giới.

Từ thực trạng đó, ông Nguyễn Cửu Đức cho rằng, nên thay đổi nhận thức trên cơ sở khoa học. Tức là, xóa bỏ những nhận thức cũ kĩ, lạc hậu, sai lệch như “con nghiện thì mãi là con nghiện”, “nghiện là suy đồi đạo đức”, “cai nghiện là việc làm vô ích”... Thay vào đó, cần tuyên truyền việc sử dụng ma túy có thể phòng ngừa được, phục hồi là một quá trình lâu dài, sử dụng ma túy là vấn đề y tế.

Ông Đức cũng đưa ra “mô hình đèn giao thông” để tiếp cận với ba đối tượng khác nhau, gồm người chưa có vấn đề về ma túy cần được giáo dục, tuyên truyền tránh xa; đối với những người chớm có vấn đề về ma túy cần được phát hiện sớm và tư vấn hỗ trợ; đối với những người đã nghiện ma túy cần được chuyển gửi điều trị, cai nghiện và hỗ trợ phục hồi.

"Theo tôi, cần tăng cường chia sẻ, trao đổi, định hướng thông tin hơn nữa. Đồng thời, tăng thời lượng, chuyên mục về phòng chống ma túy, gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu trong nhà trường và thực tiễn, đào tạo chuẩn quốc tế về phòng ngừa ma túy. Cùng với đó, cần nghiên cứu, tiếp cận và áp dụng kinh nghiệm quốc tế về phòng ngừa ma túy" , ông Nguyễn Cửu Đức đưa ra kiến nghị.

Nhà báo không bị mạng xã hội "dẫn dắt"

Phó Tổng Giám đốc Cổng Thông tin điện tử Chính phủ Lê Việt Đông cho biết, trong cuộc đấu tranh chống ma túy, truyền thông đóng vai trò rất quan trọng. Tiêu biểu như phát hiện vấn đề, tạo dư luận xã hội và định hướng cho công chúng có cái nhìn đúng, đủ về tác hại và hậu quả của ma túy.

“Ma túy và tội phạm ma túy đang là hiểm họa toàn cầu, gây tác hại tới sức khỏe, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống xã hội. Vì vậy, phòng và chống ma túy thực sự trở thành một mặt trận nóng bỏng, phức tạp, là nỗi trăn trở của mọi tầng lớp trong xã hội”, ông Lê Việt Đông nói.

Theo đánh giá của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm trong giai đoạn từ 2014-2017, số tin, bài, ảnh, phóng sự về phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm đăng tải trên các ấn phẩm tăng 10-15% so với trước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, một số vấn đề mới đang đặt ra trong truyền thông phòng ngừa ma túy nói chung và lạm dụng chất gây nghiện nói riêng giai đoạn hiện nay. Theo Bộ Công an, các chất ma túy mới xuất hiện ngày càng đa dạng, nhiều loại, nhiều kiểu mẫu khác nhau. Tội phạm đã pha trộn các loại ma túy với nhau, pha trộn ma túy với các chất khác nhau, trộn chất ma túy với các loại thuốc tân dược có bán trên thị trường cùng chất tạo màu, mùi để sản xuất ra viên nén ma túy tổng hợp.

Giới trẻ có thể nghiện ma túy qua sử dụng Internet. (Nguồn: The New York Times)

Năm 2015, danh sách các chất và tiền chất ma túy là 292, đến nay sau 3 năm danh mục đã tăng lên gấp đôi với tổng số 559. Danh sách các loại ma túy mới không dừng lại, thậm chí còn nối dài hơn với nhiều loại ma túy nguy hiểm hơn, tinh vi hơn, khó phát hiện hơn. Đó là những cái tên như: thuốc lắc meo meo flakka, tem giấy (bùa lưỡi), bánh lười, muối tắm, trà sữa – nước vui, nấm ma thuật, lá thiên đường… Điều đáng nói, không chỉ gia tăng về số lượng, các loại ma túy tổng hợp ngày càng tăng nồng độ gây ảo giác.

“Hiện nay với sự tác động mạnh mẽ của báo chí, mạng xã hội, việc truyền thông về tác hại của ma túy dễ dàng đến với giới trẻ hơn. Nhưng nguyên nhân nào khiến tình trạng người sử dụng ma túy ngày một gia tăng?”, ông Lê Việt Đông băn khoăn.

Đưa ra quan điểm của mình, ông Lê Việt Đông đặt ra vấn đề cần thiết phải nâng cao tác động của các chương trình truyền thông đối với giới trẻ trong phòng ngừa ma túy. Đồng thời, nâng cao hiệu quả truyền thông trên các phương tiện truyền thông đại chúng và các trang mạng xã hội.

Theo một cuộc khảo sát tiến hành trên thế giới, trung bình một người từ 8 – 18 tuổi dành đến 6,5 giờ/ngày để tiếp cận thông tin qua các phương tiện truyền thông. Điều này đã cho thấy giới trẻ là đối tượng chịu tác động rất mạnh từ cách thức và nội dung truyền thông liên quan đến các chất gây nghiện, trong đó có ma túy.

Những hình ảnh, nội dung trên truyền hình, phim ảnh, quảng cáo khiến hành vi sử dụng chất kích thích dần trở nên bình thường, điều này gây những tác động xấu đến tâm lý cũng như nhận thức của giới trẻ.

“Có thể thấy, thay vì viết tác hại, nguy hiểm của ma túy đôi lúc có những bài báo giật gân, câu khách miêu tả tỉ mỉ cảm giác thăng hoa khi sử dụng ma túy dẫn tới phản ứng ngược là kích thích trí tò mò tìm và sử dụng. Đây là một tồn tại rất lớn trong truyền thông. Nếu như chúng ta không có định hướng rõ ràng về mặt tuyên truyền sẽ dẫn đến thất bại”, ông Lê Việt Đông nhận định.

Chia sẻ về vai trò, trách nhiệm của nhà báo trong tiếp cận thông tin, PGS. TS. Nguyễn Thành Lợi (Tổng biên tập tạp chí Người Làm báo) cho rằng vẫn còn nhiều hạn chế trong tác nghiệp về tệ nạn xã hội.

Theo ông Lợi, nhà báo phải "ngụp lặn" trong góc khuất của xã hội, tiếp xúc với nhiều thành phần nên luôn gặp những khó khăn và thách thức nhất định. Vẫn còn tồn tại việc sử dụng hình ảnh phản cảm, gây nghiêm trọng đến đạo đức nghề nghiệp. Đặc biệt,  nguồn đề tài, tư liệu, thông tin bất tận nhưng có sự “ô tạp” thông tin trong thời đại số. Nhiều nhà báo dễ dãi lấy nguồn thông tin trên Facebook, thêm bình luận, đánh giá, nhận xét để làm thành một bài báo của mình.

"Thực tế, vẫn còn tình trạng nhà báo đăng tải nguyên hoặc gần như nguyên vẹn thông tin, hình ảnh từ Facebook, sử dụng ngôn ngữ tỉ mỉ, gây hiểu lầm về tác hại của ma túy. Đặc biệt, không ít bài báo chính thống hóa thông tin trên mạng xã hội, vi phạm đời tư cá nhân hoặc phân tích quá kỹ lưỡng các loại ma túy vô hình trung quảng bá ma túy và cách sử dụng”, ông Nguyễn Thành Lợi cho hay.

Nói về trách nhiệm của báo chí truyền thông, ông Nguyễn Thành Lợi cho rằng, khi tác nghiệp nhà báo cần quan sát một cách toàn diện, cần lắng nghe các ý kiến đa chiều, phỏng vấn từ hai phía. Đặc biệt, nhà báo không phát tán tin đồn trên mạng xã hội, tạo khoảng trống về mặt thông tin.

"Cùng với đó, các cơ quan báo chí cần chuyên nghiệp hóa cách thức thu thập và xử lý thông tin. Việc tìm được thông tin trên Internet là một vấn đề khó, thẩm định nguồn tin này còn khó khăn hơn. Thông tin cần có liều lượng nhất định, không bị mạng xã hội dẫn dắt, không tạo ra hiệu ứng ngược bằng việc giật gân, câu khách. Sự thực là sinh mệnh của báo chí nhưng không phải vấn đề nào cũng được đưa lên mặt báo. Nhà báo phải chịu trách nhiệm đến cùng đối với sản phẩm của mình. Bởi vậy, mỗi nhà báo cần tỉnh táo, sáng suốt để lựa chọn thông tin”, ông Nguyễn Thành Lợi cho biết thêm.