📞

Truyền thông quốc tế: Vị trí đầy giá trị của Việt Nam tiếp tục được tăng cường hơn nữa với EVFTA

Việt An 11:08 | 13/08/2020
TGVN. Tờ The Business Times ngày 11/8 đã đăng bài viết trong đó cho rằng, Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu (EU) -Việt Nam (EVFTA) là dấu mốc lịch sử quan trọng về kinh tế đối với Việt Nam.
EVFTA là dấu mốc lịch sử quan trọng về kinh tế đối với Việt Nam. (Nguồn: Công Thương)

Theo bài viết, có hiệu lực vào ngày 1/8 vừa qua, EVFTA sẽ cắt giảm đáng kể thuế quan giữa hai đối tác thương mại, và cuối cùng sẽ loại bỏ 99% loại thuế trong tương lai.

EVFTA sẽ giúp Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng đáng kể trong thương mại và đầu tư. EU vốn là điểm đến xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Khu vực Sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã không ngừng tăng lên trong những năm gần đây, với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm 11%, đạt 42,5 tỷ USD vào năm 2018. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu gồm thiết bị viễn thông, điện tử, dệt may, các sản phẩm công nghiệp phụ trợ và lương thực như cà phê, gạo và hải sản.

Khi Hiệp định lịch sử này có hiệu lực, 70% hàng hóa của Việt Nam sẽ được miễn thuế khi xuất khẩu sang 26 nước thành viên của EU. Các hạng mục vẫn còn bị áp thuế sẽ được giảm dần trong 7 năm. Hiệp định này được cho là đặc biệt kịp thời sau những gián đoạn về chuỗi cung ứng và hàng rào thuế quan. Nhiều doanh nghiệp hiện có thể tìm kiếm các cơ hội để đa dạng hóa hay định hình lại các chuỗi cung ứng nhằm đối phó với những vấn đề hiện nay, hay đề phòng những rủi ro trong tương lai.

Trong bối cảnh các nước trên toàn thế giới bắt đầu thận trọng mở cửa trở lại nền kinh tế sau thời gian phong tỏa, ngày càng có nhiều công ty tìm cách xây dựng sự phục hồi trong các chuỗi cung ứng và thông qua EVFTA, vị trí đầy giá trị của Việt Nam tiếp tục được tăng cường hơn nữa.

Bài viết khẳng định, Việt Nam là một trong những thị trường đầu tiên trong ASEAN nới lỏng hạn chế phong tỏa và hiện nước này đang ở vị trí hết sức thuận lợi để nắm bắt những cơ hội từ nhu cầu đầu tư đang bị dồn nén và những xu hướng sản xuất toàn cầu đang thay đổi.

(theo The Business Times)