TS. Cù Văn Trung cho rằng, Đảng và Nhà nước ta hết sức chú trọng chính sách an sinh xã hội. (Ảnh: NVCC) |
Báo cáo hạnh phúc Thế giới 2023 được công bố, đánh giá tròn 1 thập niên Liên hợp quốc thực hiện sáng kiến thúc đẩy hạnh phúc Quốc gia. Trong báo cáo lần này, chỉ số hạnh phúc của Việt Nam đã tăng 12 bậc, từ vị trí 77 vào năm 2022 lên vị trí 65 năm nay. Ông có lạc quan về kết quả của báo cáo này?
Phải khẳng định rằng báo cáo đó hết sức đáng tin cậy và đánh giá đúng về hạnh phúc quốc gia của Việt Nam thời gian qua. Mức tăng 12 bậc cho thấy, những kết quả mà Việt Nam đạt được trên phương diện này là rất đáng mừng.
Hạnh phúc quốc gia là sự cộng hưởng tổng thể của hạnh phúc công dân và nhiều yếu tố khác (GDP, hỗ trợ xã hội…) và không phải ngày một, ngày hai mà có. Đó là sự cố gắng của Chính phủ cũng như năng lực bắt nhịp của công dân trước các thành tố dẫn dắt, kích thích và cổ vũ của Nhà nước.
Các quyền chính trị cơ bản về bầu cử, tự do, dân chủ, tôn giáo, tín ngưỡng… làm nảy nở năng lực phát triển, nguồn cảm hứng sáng tạo của nhân dân. Những thành tựu Việt Nam đã đạt được hiện nay trên tất cả những bình diện kinh tế - xã hội, văn hóa - giáo dục… được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần khẳng định là “chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế hiện nay”. Đây cũng chính là từ sự nỗ lực của Nhà nước nhưng nhân dân là chủ thể sáng tạo và kiến thiết lên quá trình đó.
Chúng ta đã có nền độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, giải quyết các tranh chấp, bất đồng với các nước trong khu vực một cách khéo léo. Việt Nam thực hiện chính sách đối ngoại mềm dẻo, đa dạng hóa, đa phương hóa và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Chúng ta đang hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với năng lực quản lý và điều hành của một Chính phủ đổi mới, kiến tạo.
Hệ thống pháp luật của Việt Nam tiếp tục được xây dựng, điều chỉnh và sửa đổi trên tinh thần pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Công tác xây dựng Đảng và Hệ thống chính trị, trong đó trọng tâm là công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực thu được một số kết quả tích cực khiến niềm tin của nhân dân và nhà đầu tư tăng cao.
Chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho đời sống người dân được Đảng và Nhà nước ta hết sức chú trọng. Khoảng cách giàu nghèo ở Việt Nam không cách biệt, thu nhập bình quân giữa các nhóm xã hội không có sự chênh lệch quá lớn. Song song với tiến trình phát triển của đất nước, người dân đã biết vận dụng đúng đắn, hiệu quả các quyền phát triển của mình.
Liên hợp quốc khuyến cáo, bất cứ quốc gia nào nếu muốn người dân thật sự có hạnh phúc đều phải có chính sách, chiến lược để người dân hài lòng với cuộc sống của mình. Ông có khuyến nghị gì trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam để mọi người được tiếp cận với những chính sách an sinh, được phát triển toàn diện?
Khuyến cáo của Liên hợp quốc chỉ ra mối quan hệ giữa người dân và chính quyền trong vấn đề hiệu quả của chính sách công. Tức là, mỗi nhà nước cần thực thi các chính sách của mình sao thật sự tốt và hướng tới người dân một cách thiết thực.
Chúng ta cần kiểm duyệt chặt chẽ, có thể chế, cơ chế quy định cụ thể, kỹ càng trong quy trình hoạch định chính sách. Những chính sách tác động trực tiếp tới người dân mà cụ thể là các chính sách về an sinh xã hội cần có khảo sát, đánh giá khoa học về tình hình các nhóm thụ hưởng, điều kiện cụ thể để triển khai. Tránh tình trạng “nhiệt tình” nhưng thiếu tính khoa học, khả thi cũng như không tính tới các yếu tố phong tục, văn hóa vùng, miền thì cũng rất dễ “chết yểu” khi thực thi một loại chính sách nào đó.
Minh chứng cho thấy, chương trình nông thôn mới đã khích lệ người dân làm chủ cùng chính quyền chung tay xây dựng, quản lý các công trình sở tại, đạt được rất nhiều thành tựu đáng mừng. Hay như chính sách xóa đói giảm nghèo mà Việt Nam đã thực hiện trong nhiều thập niên qua cũng là một điểm sáng đáng tự hào về một ví dụ điển hình.
Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam đã tăng 12 bậc, từ vị trí 77 vào năm 2022 lên vị trí 65 năm 2023. (Ảnh: Phạm Thị Thanh Thủy) |
Hạnh phúc là thước đo đúng đắn của tiến bộ xã hội. Theo ông, chỉ số hạnh phúc có gợi mở gì trong việc phát triển quốc gia?
Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, xã hội chúng ta đang thay đổi từng ngày và đó là sự cải thiện hạnh phúc và nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân liên tục. Tiến bộ xã hội là quá trình không ngừng, hạnh phúc cũng là thước đo tịnh tiến. Con người và quốc gia có cả hạnh phúc của quá khứ, của các thành tựu đã đạt được nhưng cũng cần chuẩn bị tiếp các năng lực mới để “hái thêm nhiều trái ngọt” (giá trị). Chỉ số hạnh phúc vừa là đích đến, vừa là mục tiêu để con người và quốc gia hướng tới.
Tôi cho rằng, Liên hợp quốc đưa ra chỉ số đo đạt hạnh phúc như vậy là rất cần thiết bởi nó giúp chúng ta thấy cần cải thiện không ngừng, tránh được tâm lý tự mãn và cảm giác thỏa mãn về những cái đã có. Nó cũng giúp người dân và các nhà nước không bị "ngủ quên" trên chiến thắng mà phải luôn trên tư thế sẵn sàng kiếm tìm thêm các thành tố khác nhằm củng cố hạnh phúc quốc gia một cách bền vững.
Theo báo cáo Hạnh phúc thế giới 2023, Singapore là đất nước hạnh phúc nhất châu Á và đứng thứ 25 trên thế giới. Năm 2022, đất nước này đứng vị trí thứ 27 (của thế giới) và năm 2021 là thứ 32. Đây là điển hình về một đất nước mà người dân của họ được sống với các chỉ số về hạnh phúc cao.
Từ đời sống vật chất của họ cũng đã khiến người dân rất vững vàng, sự quản lý xã hội của một chính quyền kiểu mẫu chuyên nghiệp, trong sạch và hiệu quả. Về văn hóa và đời sống tinh thần ắt hẳn cũng tốt lên từ các yếu tố đó.
Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một ví dụ tham khảo cho có tính chất khu vực để áp dụng cho quy mô tỉnh hoặc thành phố bởi đất nước Singapore có diện tích bé, dân số ít so với chúng ta rất nhiều. Giá trị mẫu này không có tính đại trà, chúng ta có một địa hình phức tạp nhiều đồi núi, đồng bằng, trải dài từ Bắc vào Nam, tỷ lệ đô thị hóa của chúng ta có các mức độ khác nhau, lịch sử, văn hóa và sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam cũng khác.
Theo tôi, chỉ số hạnh phúc, tâm lý hạnh phúc của người Việt Nam phù hợp với năng lực phát triển hiện nay của xã hội chúng ta, phù hợp với những nỗ lực cố gắng và các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước đã ban hành. Vì thế, chúng ta không thể nóng vội đòi hỏi một thứ hạnh phúc khác biệt với toàn bộ hiện trạng, tình hình và điều kiện cụ thể của Việt Nam.
Theo ông, cần tạo điều kiện thế nào để mọi người dân và cộng đồng trong xã hội có cơ hội bình đẳng để phát triển?
Xã hội vẫn tiếp tục tịnh tiến, tiến bộ và phát triển theo chiều hướng tốt lên với sự đổi mới và “trẻ hóa” (đổi mới thường xuyên) liên tục của lực lượng lãnh đạo là Đảng và Nhà nước ta. Vì vậy, người dân và cộng đồng xã hội đều thấy bóng dáng mình trong tiến trình đó.
Dưới quan điểm của ông, công dân đã thực sự khai thác hết các không gian mà Nhà nước đã tạo điều kiện và phát triển như phương châm “người dân được làm những gì pháp luật không cấm, Nhà nước được làm những gì pháp luật cho phép” chưa?
Đây là câu hỏi nên suy ngẫm chứ không phải là đưa ra các điều kiện ngược lại. Bởi từ kinh nghiệm thực tế, tôi nhận thấy chúng ta có tương đối đầy đủ các cơ hội phát triển, cá nhân, nhóm và các cộng đồng xã hội đều khẳng định được chỗ đứng của mình.
Luật pháp về cơ bản đã hiện thực hóa rất nhiều yêu cầu của doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài, các cá nhân và tổ chức. Nhu cầu về làm ăn, kinh doanh, nhu cầu về hưởng thụ văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, tự do báo chí, hội họp thậm chí nhu cầu về nghiên cứu chính trị, nghiên cứu tâm linh, tiềm năng con người...
Tôi tin, với một thái độ cầu thị nhưng cũng đầy thận trọng, Đảng và Nhà nước ta sẽ ngày càng cải cách, đổi mới hơn nữa nhằm nới rộng mọi không gian để mọi cá nhân, cộng đồng và xã hội đều tiếp nhận các nguồn lực một cách bình đẳng, đồng thời, thúc đẩy sự phát triển, làm nảy nở thêm các năng lực mà chúng ta sẵn có.
Xin cảm ơn ông!