Chuyên gia tâm lý Hoàng Trung Học nêu quan điểm, cần giảm kỳ vọng về kết quả học tập để thầy trò bớt áp lực trong giai đoạn học trực tuyến. (Ảnh: NVCC) |
Trong 2 năm qua, bối cảnh dịch bệnh khiến trẻ gặp không ít khó khăn, căng thẳng vì không được đến trường học trực tiếp, giảm cơ hội tiếp xúc với bạn bè.
Đồng thời, thời gian trẻ tiếp xúc với máy tính, công nghệ khi học trực tuyến kéo dài khiến cho áp lực học tập của các em ngày càng tăng lên…
Báo Thế giới & Việt Nam đã có cuộc trao đổi với TS. Hoàng Trung Học, Chuyên gia Tâm lý học đường, Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục, liên quan đến những áp lực mà trẻ đang phải đối mặt trong bối cảnh dịch Covid-19.
Thời gian gần đây, chúng ta quen với cụm từ “bình thường mới”. Vậy ông nghĩ thế nào là bình thường mới cho trẻ? Việc để trẻ ở nhà có thực sự an toàn?
Bình thường mới là một chiến lược chống dịch của Chính phủ. Thời gian gần đây, chúng ta thay đổi từ chiến lược “zero Covid” sang chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt.
Trong trạng thái bình thường mới này, chúng ta quay lại nhịp sinh hoạt bình thường của cuộc sống, kết hợp với công tác phòng chống dịch, đảm bảo yêu cầu vừa sinh hoạt vừa đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19.
Đối với trẻ em, bình thường mới là các hoạt động học tập, sinh hoạt của các em trở lại bình thường trong điều kiện dịch bệnh. Chính phủ, Bộ Y tế cũng khuyến khích trẻ em đến trường học tập bình thường khi những điều kiện phòng, chống dịch cho phép. Quyết định này xuất phát từ chiến lược chống dịch, từ những dữ liệu khoa học, đặc biệt là những hệ lụy rất lớn nếu trẻ em không được đến trường.
Tôi cho rằng, việc trẻ em không được đến trường trong một thời gian dài không chỉ để lại những vấn đề tâm lý nghiêm trọng trong quá trình phát triển mà còn có thể ảnh hưởng đến năng lực, trình độ và những đặc điểm tâm lý, xã hội của nhiều thế hệ mai sau. Hệ lụy này khó có thể đánh giá hết được.
Đôi khi trong cuộc sống, ta khó có thể có giải pháp hoàn hảo, mà trong hai cái tệ, ta phải chọn cái nào ít tệ hơn.
Nghĩa là, khi trẻ phải ở nhà quá lâu, sẽ giảm tương tác xã hội, làm mất sự kết nối, thậm chí bị trầm cảm, khủng hoảng tâm lý?
Đúng vậy, tôi và các đồng nghiệp đang nghiên cứu và bước đầu thấy rằng, trong thời kỳ giãn cách xã hội và học tập trực tuyến do Covid-19, trẻ em có thể có những biểu hiện của hội chứng tâm lý, mà tôi tạm gọi là “Hội chứng tâm lý do giãn cách xã hội”. Hội chứng này biểu hiện ở một loạt rối loạn chức năng tâm lý trên cả 3 bình diện: nhận thức, cảm xúc và hành vi.
Về nhận thức, học sinh có xu hướng suy giảm năng lực nhận thức: trẻ chú ý kém hơn, tri giác hạn chế hơn, khó khăn trong việc ghi nhớ và giải quyết nhiệm vụ học tập hơn lúc bình thường.
Trên bình diện cảm xúc, trẻ có thể biểu hiện theo 2 thái cực: một số trẻ thu mình, nghèo nàn về cảm xúc, hoặc kém nhạy cảm và buồn chán không rõ lý do. Ngược lại, một số trẻ khác lại nhạy cảm thái quá, dễ bị kích động, thường xuyên nóng nảy, bức xúc, mất hứng thú học tập.
Về phương diện hành vi, có thể quan sát thấy trẻ chán học, sợ học, có xu hướng nghiện game, biểu hiện lệ thuộc internet và mạng xã hội. Một số trẻ lại có thể xuất hiện hành vi hung tính, tăng động, hoặc dễ xung đột với người thân trong gia đình và bạn bè.
Hội chứng tâm lý do giãn cách xã hội bao gồm tổng thể các dấu hiệu tâm lý, có thể biểu hiện độc lập hoặc đi kèm các biểu hiện của stress, lo âu và trầm cảm học đường.
Khi thấy con đột nhiên suy giảm kết quả học tập, chán học, thường xuyên than thở mệt mỏi, chán nản, dễ cáu giận, cha mẹ cần quan tâm đến trẻ. Khi gặp những vấn đề về tâm lý này ở mức độ nghiêm trọng, trẻ có thể có hành vi tiêu cực, thậm chí tự tử.
Việc học trực tuyến lâu ngày ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của trẻ. (Ảnh: Minh Hiền) |
Rõ ràng, có quá nhiều áp lực mà trẻ đang phải đối mặt hằng ngày. Ông có thể chia sẻ rõ hơn?
Trong thời gian học tập trực tuyến, ta tưởng như trẻ được tự do hơn nhưng thực ra trẻ bị áp lực lớn hơn.
Áp lực đầu tiên đến từ nội tại đời sống tâm lý trẻ. Trẻ buộc phải huy động nhiều năng lượng tinh thần hơn để thích ứng với việc học tập và thực hiện các nhiệm vụ học tập trực tuyến và sự thay đổi thói quen sống.
Tiếp đến, những kỳ vọng không thay đổi của cha mẹ, thầy cô về kết quả học tập trong khi hình thức học tập đã thay đổi cũng làm cho trẻ mệt mỏi.
Bên cạnh đó, việc học trực tuyến, hạn chế các mối quan hệ giao tiếp, đặc biệt là các mối quan hệ với bạn, hạn chế vận động thể chất và các hoạt động thường nhật mang tính đơn điệu cao, đã làm phát sinh ở trẻ nhiều vấn đề tâm lý.
Điều này khiến trẻ khó khăn, bức xúc, căng thẳng. Đây cũng là một phần nguyên nhân gây ra hội chứng tâm lý do giãn cách xã hội.
Những năm gần đây, người ta nói nhiều đến việc xây dựng trường học hạnh phúc, kỷ luật tích cực. Vậy trường học hạnh phúc có thể hiểu thế nào cho đúng khi mà thực tế việc thi cử, học hành vẫn còn quá áp lực, nặng nề đối với trẻ, thưa ông?
Trường học hạnh phúc và xây dựng trường học hạnh phúc là một mục tiêu đúng của ngành giáo dục trong bối cảnh đổi mới giáo dục. Tuy nhiên, hiểu đúng và có kế hoạch khả thi để xây dựng nó lại là một việc hoàn toàn khác.
Trường học hạnh phúc là nơi giáo viên cảm thấy hạnh phúc và tự do sáng tạo trong hoạt động nghề nghiệp; học sinh hạnh phúc mỗi ngày đến trường; cha/mẹ học sinh tin tưởng, tự hào và hợp tác với nhà trường – nơi con mình theo học.
Tôi cho rằng, muốn xây dựng được trường học hạnh phúc, trước hết ta phải thực sự quan tâm, làm cho nhà giáo an tâm, hạnh phúc và tự do sáng tạo trong công việc của mình.
Nhà giáo là động lực, là người giữ vai trò quyết định trong xây dựng trường học hạnh phúc. Không có thầy cô hạnh phúc, sẽ không có trường học hạnh phúc.
Để việc học của trẻ không quá áp lực, để cả người dạy lẫn người học đều hạnh phúc, ông có gợi ý giải pháp nào cụ thể, đặc biệt trong giai đoạn học sinh đang phải học trực tuyến và chuẩn bị kiểm tra, đánh giá học kỳ I?
Tiêu chí của trường học hạnh phúc là "1A3T": An toàn, Thương yêu, Tôn trọng, Tự hào. Khi nào "1A3T" xuất hiện ở cả nhà giáo, học sinh, cha mẹ học sinh, khi đó ta có trường học hạnh phúc.
Dạy học và kiểm tra trực tuyến cũng làm cho thầy cô và học sinh căng thẳng, không đơn giản, không nhàn như ta nghĩ đâu. Tôi cho rằng, một trong những việc thiết thực nhất ta có thể làm để ủng hộ thầy, trò trong bối cảnh học tập trực tuyến là cần tiếp tục xem xét giảm tải thực sự cả về nội dung và thời gian học cho các cấp, đặc biệt là những học sinh nhỏ tuổi và với những môn học không thực sự hiệu quả nếu học trực tuyến.
Cha mẹ cần thấu hiểu, thông cảm với các nhà giáo trong giai đoạn dạy học trực tuyến nhiều khó khăn. Gia đình cũng cần hỗ trợ con mình học tập tốt hơn, phối hợp tích cực hơn với nhà trường trong việc học tập của các con.
Đặc biệt, cần giảm kỳ vọng và mục tiêu học tập, kết quả học tập của con trong giai đoạn nhiều biến động này. Đó là cách thiết thực nhất ta có thể giúp thầy, trò bình an, nhẹ nhõm hơn trong giai đoạn học trực tuyến.
Trong bối cảnh của đại dịch, các vấn đề tổn thương sức khỏe tâm thần trở nên phổ biến ở trẻ. Theo ông, "liều thuốc" nào dành cho các em lúc này?
Như trên đã nói, “hội chứng tâm lý do giãn cách xã hội” là vấn đề rất đáng lưu tâm về sức khỏe tâm thần của học sinh trong giai đoạn này. Trong trường hợp trẻ đang gặp những khó khăn về mặt tâm lý, quan trọng nhất là cha mẹ, thầy cô cần phát hiện những dấu hiệu bất thường sớm từ con và có biện pháp hỗ trợ kịp thời.
Để nhận diện những bất thường và hỗ trợ các con, cha mẹ cần thực sự học cách làm bạn, quan sát và lắng nghe con. Thầy cô cần chú ý quan sát học sinh nhiều hơn trong các buổi học.
Muốn làm bạn với con, phụ huynh cần thực hành theo cách mà trẻ mong muốn: bình đẳng, tôn trọng, lắng nghe, thấu hiểu, chấp nhận và không phê phán.
Làm bạn với con, cha mẹ phải chấp nhận và bao dung với những sai lầm của con, cần tôn trọng và lắng nghe, hỗ trợ con tiến bộ. Đừng bao giờ yêu cầu con trở thành một người hoàn hảo, một viên ngọc không tì vết vì như vậy rất khó có thể làm bạn và thấu hiểu con.
Xin cảm ơn ông!