TS. Lưu Bình Nhưỡng cho rằng người lao động cần phải nhạy bén trước nhu cầu thay đổi của xã hội. |
Trước sự phát triển của công nghệ, người lao động đang gặp những thách thức nào để có thể thích nghi trong bối cảnh một số công việc cũ mất đi, một số công việc mới xuất hiện, thưa ông?
Đây là vấn đề bình thường, phản ánh sự phát triển xã hội, là dấu hiệu tốt. Nó đòi hỏi cả doanh nghiệp và người lao động đều phải thích ứng. Đây cũng chính là yếu tố tác động tới sự vận động của thị trường lao động.
Tuy nhiên, một thị trường lao động đang vận hành không chỉ dựa vào nhu cầu của sản xuất, kinh doanh mà còn bị chi phối bởi các yếu tố tâm lý, nguyện vọng cá nhân, cuộc sống gia đình. Đặc biệt, do sự phát triển của khoa học công nghệ, sự đổi mới phương pháp nhằm tăng năng suất lao động, tất yếu tạo ra những thách thức lớn về việc làm, thu nhập, đời sống.
Điều đó đòi hỏi sự thích nghi từ cá nhân người lao động. Họ không chỉ phải thay đổi những vấn đề liên quan đến nguyện vọng cá nhân, nhu cầu về nơi làm việc mà còn phải bổ sung, cập nhật những kiến thức, kỹ năng mới cho phù hợp với sự phát triển nhiều mặt của quá trình sản xuất, trong đó có sự thay đổi nhanh chóng của khoa học, công nghệ.
Bởi vì, đối với những người lao động được đào tạo, cập nhật thường xuyên kiến thức, kỹ năng mới thì việc thay đổi có thể lại là cơ hội. Các công việc cũ có thể thu hẹp dần, nhưng các việc làm mới sẽ mở ra.
Tuy nhiên, cần lưu ý, khoa học, công nghệ có thể giảm số lượng chỗ làm việc/ vị trí việc làm do tự động hóa, số hóa ở một số khâu, quá trình sản xuất, dẫn đến sa thải hàng loạt người lao động nhằm tăng năng suất, giảm chi phí. Đó là thách thức rất lớn ở các khu vực phát triển nhanh hoặc có tính đột phá.
Mặc dù có sự tác động của đổi mới khoa học, công nghệ nhưng một số lao động dịch vụ, nông nghiệp, lao động nghề truyền thống có sự thay đổi không lớn.
Theo ông, phải quản trị nguồn lao động như thế nào, nhất là từ đại dịch Covid-19, cần rút ra kinh nghiệm, nhằm định hướng thị trường lao động chủ động hơn, ứng phó với các tác động khác trong tương lai? Ông có đề xuất gì trong việc điều chỉnh để khắc phục được những hạn chế của thị trường lao động?
Thị trường lao động tuân theo những quy luật khách quan của nền kinh tế thị trường. Do đó, rất cần những nghiên cứu chuyên ngành, chuyên sâu về thực tiễn và dự báo các yếu tố tác động, kể cả tiềm ẩn và hiện hữu làm ảnh hưởng đến kết cấu lao động và việc làm, thị trường lao động trong nước và quốc tế.
Khi thực hiện các dự án quy mô trung bình và lớn rất cần sự đánh giá tác động nhiều mặt về kinh tế, xã hội, để từ đó chuẩn bị những điều kiện, giải pháp thích ứng cho các nội dung thay đổi. Đồng thời, phải có chính sách thích ứng về việc làm, lao động, an sinh xã hội, kể cả đào tạo, bồi dưỡng, chuyển đổi nghề, chính sách nhà ở…
Về tầm vĩ mô, Chính phủ cần thường xuyên cập nhật thông tin thị trường lao động; công bố các thông tin thống kê về dân số, lao động, việc làm. Thông tin mạnh mẽ các dự án đầu tư phát triển và yêu cầu về số lượng, chất lượng lao động. Đồng thời, điều chỉnh các chính sách liên quan đến lao động, dân cư phục vụ cho sự thay đổi, dịch chuyển lao động.
Robot đang dần thay thế lao động giản đơn. (Nguồn: SGGP) |
Đại dịch Covid-19 đã tạo ra những khó khăn chưa từng có đối với phần đông người lao động. Cần giải pháp gì để giúp người lao động chủ động trong cuộc sống và “không bị bỏ lại phía sau”?
Quốc hội, Chính phủ đã có những chính sách khá kịp thời hỗ trợ cho người lao động, người dân và doanh nghiệp trong giai đoạn vừa qua.
Nghị quyết số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Nghị quyết về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp; ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19…
Qua đó đã giúp cho người lao động và doanh nghiệp, hộ kinh doanh giảm bớt một phần khó khăn do đại dịch Covid-19 gây nên. Nhưng nhiều đối tượng chưa nhận được khoản hỗ trợ đúng thời điểm khó khăn. Nhiều lao động phải rời các trung tâm kinh tế, khu công nghiệp trở về quê kiếm kế sinh nhai.
Theo tôi, việc giúp đỡ người lao động để họ “không bị bỏ lại phía sau” không đồng nhất với việc chu cấp tiền bạc thường xuyên, vì điều đó không phải là chính sách an toàn, bền vững và có phần gây bất công xã hội.
Vì vậy, quan trọng là việc ổn định nền sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp tái khởi động việc tham gia thị trường; khuyến khích khởi nghiệp, thành lập doanh nghiệp mới. Thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh ở khu vực nông nghiệp. Tạo điều kiện để người lao động có việc làm, thu nhập. Tạo cơ hội liên kết trong và ngoài nước nhằm mở rộng thị trường sản xuất, kinh doanh, tức là mở rộng thị trường lao động…
Qua đó đã dần ổn định công ăn, việc làm, đời sống của người lao động và gia đình họ. Nghị quyết của Chính phủ Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” và Nghị quyết về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ… đã mang lại sinh khí mới cho nền kinh tế, xã hội, góp phần ổn định tâm thế người dân, nhà doanh nghiệp. Đồng thời, đặt ra các gói hỗ trợ lớn hàng trăm nghìn tỷ đồng cho nền kinh tế ổn định và phát triển, tạo thêm việc làm cho người lao động.
"Yếu tố mang tính mấu chốt chính là phải xác lập một chương trình kèm theo các chính sách khả thi để đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, cập nhật kỹ năng, kỹ thuật mới phù hợp cho người lao động, nhất là lớp lao động trẻ, triển vọng". |
Trong thời gian tới cần tập trung các giải pháp chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo tay nghề lao động để phù hợp với chuyển đổi số thế nào?
Những chính sách liên quan đến chuyển đổi nền kinh tế sang giai đoạn mới mang tính táo bạo, đột phá sẽ làm thay đổi căn bản tâm lý, lề lối tư duy, hành động của cả lãnh đạo và người lao động. Một lực lượng lao động sẽ được chuẩn bị cho quá trình mới với nhiều thách thức cũng như có nhiều thời cơ mới.
Yếu tố mang tính mấu chốt chính là phải xác lập một chương trình kèm theo các chính sách khả thi để đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, cập nhật kỹ năng, kỹ thuật mới phù hợp cho người lao động, nhất là lớp lao động trẻ, triển vọng. Trong đó, vai trò của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ ngành, địa phương, cơ sở đào tạo nghề là rất quan trọng.
Bản thân các cơ sở đào tạo nghề phải đi đầu trong đổi mới mạnh mẽ nội dung chương trình, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng nghề nghiệp nhằm một mặt giáo dục nghề một cách chuyên nghiệp cho người lao động tìm kiếm việc làm, đồng thời giúp một bộ phận thực hiện khởi nghiệp sản xuất, kinh doanh hoặc tiếp tục phát triển đào tạo nghề về chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, vận dụng thành tựu khoa học, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực này để nâng cao năng lực đào tạo kỹ năng cho người lao động ở Việt Nam. Tuy nhiên, chính sách nêu trên chỉ có thể thành công nếu có đủ những điều kiện cần và đủ, nhất là tài chính, ngân sách để phát triển chương trình.
Chuyển đổi số trong thời gian tới làm mất đi nhiều việc làm nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội mới. Cần phải lấp đầy khoảng trống về nâng cao năng lực cho người lao động ra sao để nâng “chất” cho lao động trong CMCN 4.0?
Sự giảm sút việc làm vì lý do này, giai đoạn này, ở khu vực này thì cũng có thể tạo cơ hội việc làm và phát triển ở khu vực khác. Khoảng “trống” chính là sự thích ứng nhanh hay chậm và mức độ thích ứng của mỗi cá nhân.
Vì vậy, cùng với các chương trình, chính sách, sự hỗ trợ của Chính phủ, bản thân người lao động phải nhạy bén, thích ứng nhanh với yêu cầu đổi mới. “Bánh xe cá nhân” và “bánh xe xã hội” cần phải khớp nối mới có thể chạy êm ái và hiệu quả.
| Làn sóng sa thải nhân công mới ở Trung Quốc? Chiến dịch kiềm chế các hãng công nghệ trong nước của Trung Quốc kéo dài một năm qua đã gây ra những tổn thất nặng ... |
| Cơ hội tìm việc làm cho người Việt Nam tại Nhật Bản Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản sẽ tổ chức VYSA JOB FAIR 2022 - Hội chợ việc làm miễn phí cho ... |