Nhỏ Bình thường Lớn

TS. Nguyễn Thị Ngọc Minh: 'Giáo viên thời dạy học online như một cái máy… sẽ hết thời'

TS. Nguyễn Thị Ngọc Minh (giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội) nhận định, công nghệ đã buộc mỗi giáo viên phải trở nên ‘người’ hơn. Thời dạy học online, nếu giáo viên dạy như một cái máy, phân phát tri thức một cách cao ngạo, chẳng mấy chốc sẽ... hết thời.
TS Nguyễn Thị Ngọc Minh: 'Giáo viên dạy học thời online như một cái máy… sẽ hết thời'
TS. Nguyễn Thị Ngọc Minh nêu quan điểm, thời dạy học online, nếu giáo viên dạy như một cái máy sẽ dễ dàng bị đào thải.

“Đối thủ lớn nhất của chúng ta là máy móc”

Chị nhìn nhận như thế nào về việc dạy học thời online?

Dạo qua một loạt các phần mềm dạy học, tôi nhận thấy công nghệ giáo dục đã tiến bộ vượt bậc. Máy móc đã thay thế được rất nhiều công việc của người thầy và ngày càng trở nên hữu ích, thân thiện hơn với người học.

Khi cách mạng công nghệ đang ngày càng xâm lấn sâu hơn vào giáo dục, có lẽ đã đến lúc tất cả chúng ta, những giáo viên, cần dừng lại để suy nghĩ.

Đã đến lúc cả thầy lẫn trò cùng dừng lại, để nhận diện đâu là cơ hội, đâu là thách thức?

Đúng vậy, đối thủ lớn nhất của chúng ta giờ đây không phải người, mà là máy móc. Có lẽ câu hỏi lớn mà chúng ta phải cùng nhau trả lời là: vai trò của giáo viên sẽ là gì? Những công đoạn nào ta có thể ủy quyền cho máy móc, công đoạn nào bắt buộc phải có sự tham gia của giáo viên? Đâu là yếu tố cốt lõi của giáo dục mà máy móc không thể thay thế? Nếu không trả lời được thấu đáo những câu hỏi này, chúng ta có thể bị “đá văng” khỏi vòng quay của xã hội.

Người thầy cần trở thành một “hướng dẫn viên”

Để học sinh không lạc lối trong “ma trận” thông tin khổng lồ, vai trò của người thầy ra sao?

Học sinh ngày nay có thể hoàn toàn tự học kiến thức bằng nhiều kênh khác nhau. Với sự phát triển mạnh mẽ của tài nguyên mã nguồn mở, ai cũng có cơ hội được tiếp cận nhanh chóng những thành tựu tri thức mới nhất của nhân loại. Nhưng phải chăng áp lực thông tin và tri thức trên vai chúng ta ngày càng lớn?

Để học sinh không khỏi lầm đường hoặc “chết chìm” trong khối thông tin khổng lồ, người thầy cần trở thành một hướng dẫn viên trên con đường tri thức.

Đặc biệt, người thầy cần dạy học sinh cách tìm kiếm, phân tích, đánh giá thông tin, cách sắp xếp thông tin đó thành một hệ thống ngăn nắp trong đầu óc, cách chuyển hóa tri thức của người thành tri thức của mình, cách vận dụng tri thức đó vào đời sống.

Thực tế đối với các sinh viên của chị hiện nay như thế nào?

Đáng tiếc, ngay cả sinh viên của tôi, vốn dĩ là những học sinh rất nỗ lực trong suốt 12 năm học phổ thông, cũng rất ít em có được khả năng này. Mỗi khi làm bài tập hay thuyết trình, tôi thường thấy các em chép y nguyên hoặc đọc như một cái máy những tri thức mà các em hoàn toàn không hiểu, chứ chưa nói là phân tích, xét đoán và vận dụng nó để biến nó thành “tài sản” của mình.

Bằng một video bài giảng, các thầy cô chỉ cần dạy một lần cho nhiều lớp học sinh khác nhau. Bằng phần mềm, các thầy cô cũng có thể giao bài tập cho hàng nghìn học sinh khác nhau và phần mềm cũng sẽ giúp các thầy cô giám sát việc làm bài tập và đánh giá kết quả của học sinh.

Còn máy móc “định vị” ra sao trong chuyện dạy và học online, theo chị?

Tất cả những kỹ thuật, máy móc không thể nhận ra sự bối rối của học sinh trước một kiến thức nào đó để dừng lại, giảng giải kỹ hơn, bằng một ngôn ngữ đơn giản hơn.

"Để học sinh không khỏi lầm đường hoặc “chết chìm” trong khối thông tin khổng lồ, người thầy cần trở thành một hướng dẫn viên trên con đường tri thức".

Máy móc cũng không nhận ra được mối quan tâm khác nhau của từng học sinh. Máy móc có thể đánh giá học sinh qua các chỉ số: số giờ làm bài, số câu trả lời đúng, thời điểm nộp bài. Trong giáo dục, có vô vàn những thứ rất quan trọng nhưng không đo lường được một cách rõ ràng. Đó là tình yêu của học sinh dành cho môn học, phong cách học tập riêng của học sinh, sở trường và sở đoản, sự tò mò và khát vọng học tập bên trong mỗi học sinh. Đó là những yếu tố cốt lõi tham gia vào quá trình học tập của người học.

Hơn nữa, máy móc cũng chỉ đánh giá được học sinh vào thời điểm hiện tại, dựa trên những hành vi học tập trong quá khứ, mà khó lòng chỉ ra được con đường mà em nên đi trong tương lai.

Nghĩa là người thầy phải đến gần học sinh của mình hơn?

Người thầy có thể nói với các em rằng: “Con thật sự có năng lực rất đặc biệt về vật lý”, “con có khả năng quan sát rất tốt và đầu óc phân tích rất logic, con rất sáng tạo”…

Sự đánh giá tích cực của người thầy thực sự là một phép màu, bởi nó kích hoạt niềm tin bên trong đứa trẻ, chỉ rõ cho trẻ con đường cần phải theo đuổi để hoàn thiện những tiềm năng vốn có của mình.

Máy móc đưa ra phản hồi, đánh giá một cách hoàn toàn lạnh lùng, bởi bản thân nó không có cảm xúc. Ngay cả Sophia - “cô robot” được cấp quyền công dân đầu tiên trên thế giới, nổi tiếng thông minh vì biết biểu cảm và đối đáp như con người, thì ai cũng biết bên trong cô không có trái tim, những cảm xúc của cô chỉ là ngụy tạo. Hơn hết, máy móc không truyền đi được năng lượng, không khơi được nguồn cảm hứng.

Trong khi đó, người thầy có thể tiến lại gần đặt niềm tin vào học trò. Sự đánh giá ấm áp đó chính là động lực để đứa trẻ biết rằng mình cần phải đứng lên, đi tiếp. Có cơ hội được tiếp xúc với nhiều người thầy vĩ đại, tôi nhận ra từng ánh mắt, nụ cười, giọng nói của họ đều có khả năng truyền đi một nguồn năng lượng vô cùng to lớn.

"Cuộc sống cần những giáo viên hiểu biết rất rõ về bản thân, về sứ mệnh mình đang được giao phó, để đánh thức được khát vọng sống, động lực học tập bên trong mỗi đứa trẻ. Trong cuộc cạnh tranh với máy móc, để có thể chiến thắng, ta không còn lựa chọn nào khác ngoài cách làm cho mình trở nên nhân ái hơn".

Những người thầy như vậy có thể cho chúng ta thấy ý nghĩa của cuộc đời, đánh thức được trong ta hoài bão được cống hiến - thứ ngọn lửa sẽ kích hoạt mọi đam mê và tiềm lực bên trong mỗi chúng ta, khiến cho ta có thể vui vẻ sống, học tập và làm việc mỗi ngày.

Còn rất nhiều điều khác nữa mà máy móc không bao giờ có thể thay thế.

Trong cuộc chiến này, để không bị đánh bại bởi máy móc, chúng ta có rất nhiều vũ khí.

Thứ “vũ khí” mà chị đề cập ở đây là gì? Trong cuộc “cạnh tranh” với máy móc, người thầy phải chuyển mình để có thể bắt nhịp kịp?

Cho đến thời điểm này, tôi nhận ra, công nghệ đã buộc mỗi giáo viên phải trở nên “người” hơn. Những giáo viên dạy như một cái máy, phân phát tri thức một cách cao ngạo, chẳng mấy chốc sẽ… hết thời.

Cuộc sống đòi hỏi chúng ta phải trở thành những giáo viên biết lắng nghe, giàu lòng trắc ẩn, hiểu biết tường tận về cá nhân từng đứa trẻ. Cuộc sống cũng đòi hỏi người thầy phải trở thành những con người giàu trải nghiệm và biết không ngừng tự vấn, ngẫm nghĩ về những bài học mà mình đã thu nhận được trong cuộc đời.

Nói đúng hơn, cuộc sống cần những giáo viên biết sống một cách cống hiến, cho đi không vụ lợi và chú tâm với mỗi việc mình làm, để toàn bộ cuộc đời mình và cơ thể mình trở thành một bài học.

Cuộc sống cũng cần những giáo viên hiểu biết rất rõ về bản thân mình, về sứ mệnh mình đang được giao phó, để đánh thức được khát vọng sống, động lực học tập bên trong mỗi đứa trẻ.

Trong cuộc cạnh tranh với máy móc, để có thể chiến thắng, ta không còn lựa chọn nào khác ngoài cách làm cho mình trở nên nhân ái hơn, để có thể lại gần học sinh hơn nữa.

Xin cảm ơn TS!

‘Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội tạo ra sự bình đẳng cho số đông’
Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6: Nghề báo và tình yêu thương trải trên từng con chữ
Học thật, thi thật: 'Học để thi cũng giống như người chỉ lo trang điểm để chụp ra bức ảnh đẹp'
Ứng xử trên mạng
Tranh cãi đề thi Văn 'Nếu phải ở trong nước sôi': Đề thi theo hướng mở có thành con dao hai lưỡi?
Đề thi Văn 'nếu phải ở trong nước sôi...': Đã đến lúc cần tiếp cận cách làm mới
TIN LIÊN QUAN

Nguyệt Anh (thực hiện)