Từ một quốc gia không thể sản xuất đủ gạo để nuôi sống người dân, Việt Nam đã trở thành một trong những nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới và cũng là nhà xuất khẩu hàng điện tử lớn.
Với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người là 98 USD, Việt Nam là nước nghèo nhất thế giới vào năm 1990, sau đó đến Somalia (với bình quân đầu người đạt 130 USD) và Sierra Leone (163 USD).
Vào thời bao cấp, mỗi vụ mùa thất thu đều khiến người dân Việt Nam phải đối mặt với nạn đói. Thời điểm đó, Việt Nam phải dựa vào sự hỗ trợ từ Chương trình Lương thực thế giới của Liên hợp quốc và hỗ trợ tài chính từ Liên Xô và các nước khối Đông Âu khác.
Hiện tại, Việt Nam là một trong những quốc gia năng động nhất trên thế giới, với nền kinh tế sôi động tạo ra nhiều cơ hội tuyệt vời cho những doanh nhân và những người lao động làm việc chăm chỉ.
Cơ sở của sự phát triển vĩ đại này giống như những ý tưởng của Nhà kinh tế học Adam Smith.
Nhà kinh tế học Adam Smith. (Nguồn: Wikipedia) |
Ông đã viết trong cuốn sách The Wealth of Nations (Tạm dịch: Nguồn gốc của cải của các quốc gia) rằng: “Mỗi cá nhân đều cố gắng tìm ra cho mình một công việc sản xuất có lợi nhất trong phạm vi số vốn người đó có. Cá nhân đó làm như thế là vì lợi ích của bản thân, chứ không phải vì lợi ích của toàn xã hội. Nhưng việc nghiên cứu một công việc có lợi cho bản thân tất nhiên, hoặc nhất thiết sẽ dẫn anh ta đến chỗ tìm một công việc có lợi nhất cho xã hội".
Adam Smith cho rằng, các nhà lập pháp nên tin tưởng hơn vào thực tế rằng “mọi cá nhân tự quyết định nên làm ngành nghề gì tùy theo tình hình của địa phương còn tốt hơn bất kỳ nhà chính khách hay nhà lập pháp nào".
Sự đồng cảm là trụ cột trung tâm trong triết lý đạo đức của Smith. Tác phẩm vĩ đại của ông - Lý thuyết về tình cảm đạo đức - bắt đầu bằng việc nhấn mạnh tầm quan trọng tối đa của sự đồng cảm. Và trên hết, sự cảm thông của Smith là dành cho “những người lao động nghèo”.
Một đoạn văn nổi tiếng được tìm thấy trong The Wealth of Nations: “Không có một xã hội nào lại có thể phồn vinh, hạnh phúc trong khi đa số dân chúng sống khổ sở, cơ cực. Cần phải có sự công bằng trong đời sống xã hội, những người nào làm ra mọi của cải: lương thực, vải vóc, nhà cửa cho toàn xã hội, cần phải được hưởng một phần số của cải mà họ làm ra bằng sức lao động của chính họ".
Trong Chương 8 của The Wealth of Nations, cùng với những câu trích dẫn ở trên, ông chỉ ra rằng, chỉ có tăng trưởng kinh tế mới có thể nâng cao mức sống. Tăng trưởng kinh tế liên tục là cách duy nhất để tăng lương; một nền kinh tế trì trệ dẫn đến tiền lương giảm.
Con đường mà Smith đã vạch ra không liên quan đến việc bãi bỏ tài sản tư nhân, phân phối lại của nhà nước hoặc cai trị bằng sắc lệnh của chính phủ. Ông cũng không ủng hộ một điều không tưởng theo chủ nghĩa tự do mà không có nhà nước - ông tin rằng các chính phủ có những chức năng quan trọng cần hoàn thành.
Tuy nhiên, vào năm 1755, hai thập kỷ trước khi cuốn The Wealth of Nations xuất hiện, ông chia sẻ: “Con người thường được các chính khách và những người lên kế hoạch coi là nguyên liệu của một loại cơ chế nào đó. Trong quá trình vận động liên quan đến các vấn đề của nhân loại, người lên kế hoạch thường phải tác động vào tự nhiên; tuy nhiên, không cần gì khác ngoài việc để người ấy theo đuổi mục đích của mình một cách công bằng, để họ có thể thiết lập các kế hoạch của riêng mình…
Như một lời tiên tri, Adam Smith sẽ rất tự hào nếu ông có thể thấy ý tưởng của mình trong những thay đổi của các nền kinh tế hiện đại ngày nay, trong đó có Việt Nam!
Adam Smith (1723–1790) là một nhà triết học và là nhà kinh tế chính trị học người Scotland, người mở đường cho phát triển lý luận kinh tế. Ông nổi tiếng với cuốn sách The wealth of nations (tạm dịch là Nguồn gốc của cải của các quốc gia) xuất bản năm 1776. Đây là một trong những tác phẩm ra đời sớm nhất và nổi tiếng nhất về thương mại và công nghiệp, được xem là tạo nên nền tảng cho các nguyên lý và chính sách kinh tế trên thế giới. Adam Smith kịch liệt phản đối chủ nghĩa trọng thương và ủng hộ tự do thương mại và cạnh tranh, chính điều này là một thách thức đối với những hàng rào thuế quan bảo hộ đương thời. Các tư tưởng kinh tế của Adam Smith cũng ảnh hưởng tới các quốc gia mậu dịch khác và Adam Smith xứng đáng được gọi là "Người cha của kinh tế học hiện đại". |
| 'Đọc vị' suy nghĩ của người giàu cùng tác giả Rainer Zitelmann Cuốn sách của lấp đầy khoảng trống trong nghiên cứu về sự giàu có, cũng như mối tương quan giữa các đặc điểm tính cách ... |
| Chuyên gia Đức: Việt Nam đã làm rất tốt và vượt ra khỏi tình hình kinh tế ảm đạm của toàn cầu Là thị trường rất hấp dẫn, nhiều cơ hội hợp tác và tiềm năng kinh tế chưa được khai thác hết, Việt Nam có thể ... |
| Chuyên gia Đức: Lạc quan về kinh tế Việt Nam Chia sẻ với TG&VN, Tiến sĩ người Đức Rainer Zitelmann khẳng định, Việt Nam có cơ hội trở thành một trong những cường quốc kinh ... |
| Chủ tịch EuroCham: Việt Nam làm gì để hấp dẫn hơn? Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Gabor Fluit nhận định, cải thiện khung pháp lý, chế độ thuế và ... |
| Việt Nam xếp vị trí 32/100 giá trị thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới Chiều 5/5, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2023 để thông tin tới báo ... |